Trong nhiệm kỳ tổng thống Mỹ đầu tiên, ông Donald Trump đã theo đuổi chính sách “gây sức ép tối đa” lên Iran, đẩy quan hệ hai nước căng thẳng hơn bao giờ hết.
Do đó, sự trở lại của ông Donald Trump đặt ra câu hỏi về chiều hướng chiến lược của Mỹ đối với Iran, trong bối cảnh tình hình đối đầu giữa Israel (đồng minh của Washington) và Tehran cùng các lực lượng thân Iran tại Trung Đông vẫn chưa hạ nhiệt.
Dự đoán chính sách của ông Donald Trump với Iran
Hãng tin Al Arabiya News nhận định rằng với việc ông Donald Trump đắc cử nhiệm kỳ thứ hai, Iran đang phải đối mặt nhiều thách thức lớn. Việc ông Donald Trump trở lại nắm quyền, kết hợp với việc đảng Cộng hòa được dự đoán kiểm soát lưỡng viện quốc hội, đặt ra một tình huống có thể được mô tả là một kịch bản vô cùng khó khăn cho giới lãnh đạo Iran.
Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên (2017-2021), các chính sách của ông Donald Trump đối với Iran đã đánh dấu một sự thay đổi đáng kể so với các chính quyền Mỹ trước đó và được biết đến rộng rãi với chính sách “gây sức ép tối đa” lên Iran.
Cách tiếp cận này có hai thành phần chính là trừng phạt kinh tế và cô lập ngoại giao Tehran, được thực hiện với mục tiêu làm suy yếu nền kinh tế Iran và hạn chế ảnh hưởng của nước này trong khu vực. Nước Mỹ dưới thời ông Donald Trump ở nhiệm kỳ đầu tiên cũng đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran (JCPOA). Hệ quả, Iran đã chịu tác động đáng kể từ chính sách “gây sức ép tối đa” của ông Donald Trump cả về nền kinh tế và ảnh hưởng của Tehran trong khu vực.
Sự trở lại của ông Donald Trump lần này cũng có thể sẽ khiến tình hình trở nên tệ hơn đối với quan hệ Mỹ-Iran, vì ông hiện nắm giữ đòn bẩy lớn hơn với việc đảng Cộng hòa được dự đoán kiểm soát Thượng viện và Hạ viện Mỹ. Lợi thế này mang lại nhiều tác động.
Đầu tiên, ông Donald Trump có thể sẽ có sự ủng hộ mạnh mẽ hơn trong việc thúc đẩy các lệnh trừng phạt mới hoặc củng cố các lệnh trừng phạt hiện có đối với Iran mà không có sự phản đối từ quốc hội.
Thứ hai, với sự liên kết từ nhánh lập pháp, ông Donald Trump có thể theo đuổi các chính sách thậm chí còn mạnh mẽ hơn để hạn chế xuất khẩu dầu của Iran, trừng phạt các ngân hàng quốc tế giao dịch với Iran và cô lập Tehran về mặt ngoại giao.
Bên cạnh đó, đối đầu giữa Israel và Iran có thể làm trầm trọng thêm vấn đề. Cách tiếp cận của đương kim Tổng thống Joe Biden, nhằm mục đích ngăn chặn sự thù địch lan rộng thành chiến tranh toàn diện, hoàn toàn trái ngược với lập trường quyết đoán hơn của ông Donald Trump về việc ủng hộ các hành động của Israel chống lại Iran. Ông Donald Trump đã bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn của ông đối với Israel trong cuộc đối đầu đang diễn ra này.
Dù vậy, phong cách hoạch định chính sách khó đoán của ông Donald Trump cho thấy vẫn còn quá sớm để biết ông sẽ áp dụng cách tiếp cận nào đối với Iran.
Sự trở lại của ông Donald Trump vào Nhà Trắng tạo ra một cuộc tranh luận gay gắt bên trong Iran. Các chuyên gia và quan chức Iran đang cân nhắc liệu có nên đàm phán với chính quyền mới của Mỹ hay có lập trường cứng rắn hơn, bao gồm các bước đi có thể hướng tới việc sản xuất bom hạt nhân, theo tờ The Washington Post.
Phía Iran chuẩn bị ứng phó?
Trong một dấu hiệu cởi mở với chính quyền Mỹ sắp tới của ông Donald Trump, Phó tổng thống Iran phụ trách các vấn đề chiến lược Mohammad Javad Zarif đã thúc giục ông Donald Trump đánh giá lại chính sách “gây sức ép tối đa”, theo hãng thông tấn IRNA.
Ở khía cạnh tích cực đối với Iran, các chính sách khó lường của ông Donald Trump cũng như việc ông mong muốn được coi là “một bậc thầy đàm phán” là những dấu hiệu cho thấy ngoại giao vẫn có thể khả thi, theo Al Arabiya News.
Tuy nhiên, theo chuyên gia, các nhà lãnh đạo Iran rất có thể dự đoán rằng chiến dịch gây sức ép đã định hình nên chính quyền của ông Donald Trump sẽ tiếp tục, nếu không muốn nói là leo thang, và khiến chính quyền ở Tehran phải chuẩn bị cho những gì có thể là một giai đoạn trừng phạt kinh tế và căng thẳng chính trị dữ dội.
Các nhà phân tích cho biết việc Iran áp dụng một lập trường cứng rắn hơn đối với Mỹ cũng có nguy cơ gây ra nhiều xung đột hơn với Israel. Nhà phân tích Diako Hosseini tại Tehran cho rằng hiện tại, Iran đang thận trọng và giới lãnh đạo nước này không muốn "có mối quan hệ thù địch với ông Donald Trump ở giai đoạn này", nhưng cũng không muốn "hoan nghênh ngay lập tức" việc ông Donald Trump trở lại nắm quyền, theo tờ The Washington Post.
Chuyên gia Mostafa Najafi tại ĐH Tarbiat Modares (Iran) nói rằng hầu hết các phe phái chính trị ở Iran đều đồng ý rằng Tehran sẽ không đàm phán dưới áp lực. Nếu ông Donald Trump trở lại chính sách gây áp lực tối đa thì chắc chắn Iran sẽ không chọn bàn đàm phán. Trong những tuần gần đây, các chính trị gia theo đường lối cứng rắn đã thúc giục lãnh đạo tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei sửa đổi học thuyết quốc phòng của nước này để cho phép sản xuất vũ khí hạt nhân.
Israel đang "để mắt" đến Iran trong giai đoạn chuyển giao của ông Donald Trump
Trả lời phỏng vấn đài Fox News tuần rồi, Đại sứ Israel tại Liên Hợp Quốc Danny Danon cho biết Israel đang "để mắt" đến bất kỳ hành động gây hấn tiềm tàng nào từ Iran trong thời kỳ chuyển giao quyền lực của ông Donald Trump, cảnh báo rằng sẽ là một "sai lầm" nếu Tehran thực hiện một cuộc tấn công.
Ông Danon đưa ra bình luận trên không lâu sau khi Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi cảnh báo rằng Iran sẽ trả đũa Israel sau cuộc công kích của Israel vào Tehran ngày 26-10.
"Vì vậy, tôi khuyên họ không nên mắc sai lầm đó. Nếu họ nghĩ rằng bây giờ, vì giai đoạn chuyển tiếp [của ông Donald Trump], họ có thể tận dụng nó, thì họ đã sai. Chúng tôi đang mở to mắt và chúng tôi đã sẵn sàng cho mọi kịch bản" - ông Danon nói.
Ông Danon cho biết ông tin rằng một trong những thách thức quan trọng nhất đối với chính quyền ông Trump sắp tới sẽ là cách Mỹ đối phó với Iran.
"Chúng ta đang chiến đấu với cùng một kẻ thù, kẻ thù của Mỹ. Khi bạn nhìn vào Iran, Houthis, Hezbollah, Hamas, tất cả những kẻ xấu đang chống lại Israel... đó là kẻ thù của Mỹ. Vì vậy, tôi nghĩ mọi người Mỹ nên ủng hộ chúng tôi và hiểu những gì chúng tôi đang làm bây giờ” - ông Danon nói.