Trước hết vẫn là mừng vì chương trình giáo dục phổ thông Phần Lan vốn nổi tiếng về chất lượng và hiệu quả giáo dục đã được chứng minh qua các chương trình đánh giá quốc tế. Giáo dục Việt Nam học hỏi những điểm ưu việt, tiến bộ của giáo dục Phần Lan để cải thiện hiện trạng trong nước cũng là chiến lược phù hợp trong thời đại hội nhập. Không chỉ Việt Nam mà rất nhiều quốc gia đã tới Phần Lan để học hỏi, khám phá bí quyết thành công trong giáo dục của họ.
Tuy nhiên, điều lo ngại cho chuyện nhập khẩu cũng không ít! Không bàn về điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội khác nhau giữa Việt Nam và Phần Lan, chỉ nói riêng vấn đề giáo viên thì việc áp dụng chương trình của Phần Lan vào Việt Nam đã khó khăn.
Toàn bộ giáo viên Phần Lan đều có trình độ thạc sĩ, được đào tạo kỹ lưỡng, gắn liền cả lý thuyết với thực tiễn. Đầu vào ngành sư phạm cũng là sinh viên khá giỏi, được tuyển chọn khắt khe không chỉ về trình độ học vấn mà còn có sự yêu thích và các tố chất phù hợp với nghề. Giáo viên tuy không phải là nghề có thu nhập cao nhưng cũng ở mức trung bình, đủ sống tốt. Quan trọng hơn, giáo viên là nghề rất được tôn trọng ở Phần Lan. Tất cả yếu tố này đã tạo nên một lực lượng giáo viên rất đồng đều, vượt trội về năng lực, mức độ gắn bó với nghề cao. Vì thế, mỗi khi cải cách giáo dục, giáo viên Phần Lan rất nhanh chóng trong việc nắm bắt các chủ trương đổi mới và hiện thực hóa chúng vào thực tiễn dạy học.
Những ưu điểm về lực lượng giáo viên như trên lại chưa có ở Việt Nam. Không phải chúng ta cố tình chê bai giáo viên Việt Nam nhưng rõ ràng với số lượng giáo viên đông hơn gấp vài chục lần so với giáo viên Phần Lan, chuyện chênh lệch trình độ của giáo viên giữa các khu vực, trường ở nước ta là khó tránh khỏi. Nhiều giáo viên được đào tạo vội vàng, ngắn hạn trước đây để kịp đáp ứng nhu cầu nhân sự ngành sư phạm đã không còn đạt chuẩn ở hiện tại. Ngay tại thời điểm này, chất lượng đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm cũng rất chênh lệchh nhau. Chưa kể lương thấp, áp lực công việc cao do chính sách giáo dục luôn thay đổi một cách thiếu kế hoạch, kỳ vọng thành tích cao và cách thức quản lý cứng nhắc khiến nhiều giáo viên Việt Nam giảm động lực làm việc. Với thực trạng giáo viên Việt Nam như vậy, chúng ta rất khó hy vọng họ có thể tiếp nhận và triển khai trọn vẹn những điểm cốt lõi trong chương trình giáo dục của Phần Lan.
Bài học "nhập khẩu" này từng xảy ra với Indonesia. Trong hội thảo đào tạo giáo viên ở Hà Lan năm ngoái, tôi gặp một chuyên gia giáo dục đến từ Phần Lan, ông ấy từng được thuê để sang thiết kế lại chương trình phổ thông cho Indonesia nhưng ông bảo ông đã không thành công. Lý do: Giáo viên ở đó không chịu thay đổi. Ông đã từng thắc mắc với họ rằng: Các bạn muốn thay đổi, chúng tôi mang đến những thực nghiệm mà chúng ta đã làm thành công nhưng các bạn lại không muốn thử nghiệm nó.
Vì vậy, trước khi nhập khẩu chương trình giáo dục Phần Lan hay bất cứ chương trình giáo dục tiên tiến nào, song song với những thay đổi về quản lý, chúng ta phải cải thiện chất lượng đào tạo giáo viên. Như Raja Roy Singh, nhà cải cách giáo dục Ấn Độ, từng bảo rằng “Không một hệ thống giáo dục nào có thể vươn cao quá tầm những giáo viên làm việc cho nó”, khi giáo viên Việt Nam chưa được chuẩn bị sẵn sàng (mà giai đoạn chuẩn bị này chắc chắn không thể trong vài năm) thì việc nhập khẩu chương trình Phần Lan sẽ thành vô nghĩa.