Theo ông Vũ Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công-tư Bộ GTVT, giai đoạn 2011-2016 Bộ GTVT đã huy động hơn 171.000 tỉ đồng, trong đó vốn BOT chiếm khoảng 90,2% với 59 dự án. Đến nay đã hoàn thành, đưa vào vận hành khai thác 55 dự án BOT với tổng mức đầu tư gần 138.000 tỉ đồng, tuy nhiên toàn bộ là dự án lĩnh vực đường bộ. Riêng lĩnh vực đường sắt chưa có hình thức đầu tư theo PPP. Hiện Bộ GTVT đang triển khai ba dự án như nhượng quyền khai thác đoạn đường sắt Đà Lạt-Trại Mát; di dời ga Đà Nẵng; đầu tư đường sắt Yên Viên - Lào Cai - Hà Khẩu theo hình thức BTL (xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ). Các dự án này hiện gặp nhiều khó khăn do vướng mắc về cơ chế pháp lý.
“Chúng tôi đang tập trung hoàn thiện, tiến tới trình Quốc hội ban hành Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công-tư, làm cơ sở pháp lý rõ ràng hơn để triển khai hiệu quả các dự án PPP cũng như kêu gọi đầu tư từ các tổ chức trong và ngoài nước” - ông Vũ Tuấn Anh cho biết.
TS Lee Jun, Viện Nghiên cứu đường sắt Hàn Quốc (KRRI), cho rằng ngành đường sắt có đặc trưng là khó có thể đảm bảo tính kinh tế nếu chỉ dựa trên thu nhập từ việc vận chuyển, vì vậy cần việc thúc đẩy đưa nguồn vốn tư nhân vào dự án thông qua các mô hình lợi nhuận đa dạng. Ông Lee Jun nhấn mạnh cần chuẩn bị chế độ pháp luật để có thể xúc tiến dự án BTL đối với các dự án đường sắt quy mô lớn. Chuẩn bị chế độ hỗ trợ dự án tư nhân BT hoặc BOT, rồi mở rộng sự tham gia của tư nhân vào các dự án BTL.
Tại hội thảo, các chuyên gia tập trung thảo luận về thực trạng và triển vọng các dự án PPP lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải; định hướng phát triển cơ sở hạ tầng giao thông Việt Nam; hành lang pháp lý cho các dự án PPP tại Việt Nam; tình hình thực hiện PPP trong thời gian qua... Bên cạnh đó, chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu đường sắt Hàn Quốc đã trình bày phương án tăng hiệu quả thúc đẩy các dự án PPP đường sắt tại
Việt Nam.
Các đại biểu tham dự hội thảo đều cho rằng Việt Nam cần hoàn thiện cơ chế pháp lý cho hình thức đầu tư PPP, nhất là làm rõ yếu tố lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư, khi đó mới thu hút được nhà đầu tư trong và ngoài nước. |