Nhiều người chen nhau leo lên tới chùa Thượng (đường dốc, dài 1,5 km), có gia đình đưa cả người già, trẻ em đi cùng và ở lại nhiều ngày để chứng tỏ lòng thành. Hành hương kiểu vất vả như thế, nhiều người đã phải nhập viện.
Theo số liệu từ trạm cấp cứu khu di tích, tính đến trưa 7-2 (mùng 8 tết) đã có 31 ca phải cấp cứu, trong đó có một ca tử vong ngay mùng 1 tết. Đó là chị VTL (Kỳ Anh, Hà Tĩnh), có tiền sử bệnh cao huyết áp. Leo núi lên chùa Thượng, đến cầu Đôi chị bị té xỉu dẫn đến chấn thương đầu và tử vong tại bệnh viện. Một ca tai biến khác khá nghiêm trọng đã xảy ra vào ngày mùng 4 tết. Nạn nhân là tài xế TVN (Tân Thạnh, Tân Phú, TP.HCM), có bệnh cao huyết áp. Ông lái xe đưa đoàn lân đến góp mặt hội xuân. Khi vào được khu di tích, ông bị xuất huyết não, đưa vào trạm cấp cứu đã bị hôn mê, liệt nửa người.
Một em bé được đưa vào trạm cấp cứu vì bị sốt co giật, khó thở trong tối mùng 4 tết. Ảnh: HUY THÔNG
Đây chỉ là những ca nặng mà trạm cấp cứu thống kê được, còn các ca ngất xỉu thì khá phổ biến. Những người có sức khỏe cũng dễ bị té khi chen lấn. Chỉ trong ngày mùng 7 tết đã có bảy ca bất cẩn té, bị chấn thương. Các nhân viên trực trạm lo lắng số lượng bệnh nhân, nạn nhân sẽ có thể tăng thêm vì tháng Giêng - mùa lễ hội hành hương ở đây còn kéo dài.
Ông Bùi Văn Lượm, nhân viên trực cấp cứu, cho biết: “Nửa đêm mùng 7 tết có người bị xỉu được khiêng vô trạm, nằm ba tiếng mới tỉnh lại. Tới gần sáng lại có một ca đau bụng phải đưa đi cấp cứu. Năm nào cũng căng cho đến hết tháng Giêng”.
Không chỉ cấp cứu khách hành hương do bệnh tật, ngất xỉu, nhiều thời điểm ban đêm, khi các đoàn khách ở lại khu di tích bày đồ ăn và nhậu nhẹt dẫn đến mâu thuẫn đánh nhau gây thương tích. Trạm cấp cứu cũng phải tham gia sơ cứu cả những người bị đánh vì lý do… cãi nhau trong cuộc nhậu.
Được biết mùa lễ hội ở Khu di tích Núi Bà năm ngoái (Quý Tỵ) đã có 66 trường hợp phải đi cấp cứu. Hai lý do chủ yếu là té, tăng/tụt huyết áp. Ngoài ra còn có trường hợp bị đau bụng do ăn uống, bị khỉ núi cắn.
NGUYỄN HOÀNG