Chính phủ vừa có báo cáo gửi các cơ quan của Quốc hội về công tác thi hành án (THA) năm 2021. Đây là báo cáo tạm thời, cập nhật số liệu 10 tháng (từ ngày 1-10-2020 đến 31-7-2021) để Ủy ban Tư pháp thực hiện thẩm tra sơ bộ trước khi Chính phủ chính thức trình Quốc hội vào tháng 10 tới đây.
11 nhà thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc
Báo cáo của Chính phủ khẳng định việc thực hiện các chế độ đối với người bị kết án tử hình được thực hiện đúng quy định pháp luật. Ngoài ra, công tác tổ chức THA tử hình cũng bảo đảm an toàn, đúng quy định.
Theo báo cáo, hiện có 57/69 trại tạm giam đã xây dựng khu giam riêng người bị kết án tử hình với tổng số 700 buồng giam, hơn 1.200 chỗ giam giữ. Tuy nhiên, trong số này có 24 buồng giam xuống cấp, không đảm bảo cho công tác quản lý giam giữ; 12 trại tạm giam chưa có khu giam riêng người bị kết án tử hình; 28/69 trại tạm giam phải sửa chữa các buồng tạm giam, buồng kỷ luật để giam người bị kết án tử hình…
Chính phủ cũng cho biết hiện có 60/69 trại tạm giam đã được đầu tư lắp đặt hệ thống kiểm soát an ninh phục vụ công tác giám sát buồng giam người bị kết án tử hình với tổng số gần 1.200 camera nhưng hơn 60 camera đã xuống cấp, hư hỏng.
Đến nay, Bộ Công an đã đưa vào sử dụng 11 nhà THA tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc và phân chia khu vực THA tử hình thành 11 địa điểm theo vùng, miền. Còn bốn nhà THA tử hình tại công an địa phương gồm Đà Nẵng, Lào Cai, Khánh Hòa, Hậu Giang chưa xây dựng vì chưa bố trí được quỹ đất và số lượng giam giữ người bị kết án tử hình không nhiều…
“Công tác THA tử hình bước đầu đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, những địa phương không có nhà THA tử hình phải áp giải đối tượng đi THA ở địa phương khác. Do quãng đường xa trong khi phải đảm bảo tuyệt đối an toàn nên cần huy động lực lượng, phương tiện, rất tốn kém” - Chính phủ cho biết.
Số người bị kết án tử hình tăng gần 30%
Chính phủ cũng đánh giá công tác quản lý giam giữ, THA tử hình có nhiều khó khăn. Cụ thể, số lượng người bị kết án tử hình tăng nhanh (gần 30%) trong khi cơ sở vật chất, trang bị phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để phục vụ quản lý giam giữ chưa đáp ứng yêu cầu. Điều này dẫn đến quá tải ở một số trại tạm giam, tạo áp lực rất lớn cho công tác quản lý giam giữ.
Đặc biệt, đối tượng bị kết án tử hình thường có tâm lý hoang mang, hoảng loạn về tinh thần hoặc tâm lý không còn gì để mất nên thường xuyên có biểu hiện chống đối, luôn tìm cách trốn, tự sát hoặc tự gây thương tích, xúc phạm, tấn công người thi hành công vụ… “Đối tượng là nữ thì tìm cách có thai để thoát án tử hình” - báo cáo nêu.
Trong khi đó lại có tình trạng kéo dài thời gian giam giữ bị án tử hình do chưa có quy định cụ thể về thời gian chờ xét quyết định ân giảm hoặc bác đơn xin ân giảm án tử hình; thời hạn tòa án quyết định THA tử hình và thành lập hội đồng THA tử hình… Công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc rà soát, đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ người bị kết án tử hình gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian.
Ngoài ra, theo quy định của BLTTHS, trong thời hạn hai tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao phải quyết định kháng nghị hoặc quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cho biết qua theo dõi, tổng hợp của Bộ Công an, còn rất nhiều bản án tử hình từ năm 2017, 2018 nhưng chưa có quyết định kháng nghị hoặc không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
Cũng theo Chính phủ, quá trình giam giữ, một số người bị kết án tử hình bị bệnh nặng, có trường hợp mắc các bệnh HIV/AIDS, tim mạch, huyết áp, lao phổi, tai biến… Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, vượt quá khả năng khám, điều trị của y tế trại tạm giam, phải đưa người bị kết án tử hình tới bệnh viện ngoài cơ sở giam giữ điều trị. Điều này đã gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý, giám sát, canh gác, áp giải…
“Chờ đợi thi hành án tử là một cực hình”
Đánh giá báo cáo của Chính phủ, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp cơ bản đồng tình với những nhận định nêu trên. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho rằng khó khăn kéo dài qua nhiều năm trong công tác quản lý, tổ chức giam giữ người bị kết án tử hình. Cụ thể là tình trạng quá tải rất lớn so với quy mô xây dựng tại một số trại tạm giam ở Hà Nội, TP.HCM, Lạng Sơn, Sơn La... chậm được giải quyết dứt điểm.
Đáng lưu ý, trong năm 2021, dịch bệnh COVID-19 phức tạp lây lan đến một trại tạm giam, đã xảy ra trường hợp người bị kết án tử hình chết do COVID-19 và một bị án tử hình lợi dụng việc di chuyển phạm nhân ra khỏi trại tạm giam khi phòng chống dịch đã trốn khỏi nơi giam.
Báo cáo của nhóm nghiên cứu dẫn chứng việc tử tù Nguyễn Kim An đã bỏ trốn khỏi trại tạm giam Chí Hòa (TP.HCM) hôm 13-7-2021. Thời điểm bỏ trốn, An đang nhiễm COVID-19. Hàng trăm trinh sát đã vất vả truy tìm, đưa tử tù này về trại tạm giam Chí Hòa để xử lý theo quy định của pháp luật.
Phát biểu tại phiên họp Thường trực Ủy ban Tư pháp mở rộng để thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ hôm đầu tuần, ông Trần Công Phàn, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam (đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương), cho rằng quản lý và tổ chức THA tử hình “là việc lần nào cũng nêu”, thời gian tới phải làm quyết liệt.
Ông Phàn đặc biệt bức xúc trước việc bị án phải chờ đợi thời gian dài mới được THA tử hình. “Nằm chờ đợi ba, bốn, năm năm, thậm chí 10 năm đến lúc tử hình là một cực hình hơn tử hình” - ông Phàn nói.
Vị đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương cho hay giai đoạn còn làm phó viện trưởng VKSND Tối cao, ông đã từng tiếp xúc với nhiều người bị kết án tử hình. “Các bị án đều nói với tôi: “Nếu các ông thấy tôi xứng đáng bị tử hình thì tử hình tôi sớm”” - ông Phàn cho biết.
Họp liên ngành tháo gỡ vướng mắc Chính phủ cho biết để giải quyết những vướng mắc dẫn đến tình trạng kéo dài thời gian giam giữ bị án tử hình, Bộ Công an đã chỉ đạo công an địa phương báo cáo, đề xuất chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương chỉ đạo thành lập đoàn công tác liên ngành. Nhiệm vụ của đoàn này là tổ chức kiểm tra, rà soát hồ sơ số người bị kết án tử hình theo các bản án đã có hiệu lực pháp luật, số giam giữ nhiều năm để phân loại, xác định vướng mắc, nguyên nhân và trách nhiệm các cơ quan để xử lý, giải quyết. Ngoài ra, Bộ Công an cũng tổ chức họp liên ngành với Văn phòng Chủ tịch nước, TAND Tối cao, VKSND Tối cao và công an 18 tỉnh, TP trực thuộc trung ương để bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc. Ngày 26-9-2020, liên ngành công an, Văn phòng Chủ tịch nước, TAND Tối cao, VKSND Tối cao đã ký ban hành Kế hoạch 76 về việc phối hợp theo dõi, rà soát, đối chiếu hồ sơ vụ THA tử hình và kiểm tra công tác giam giữ, THA đối với người bị kết án tử hình tại các trại tạm giam do Bộ Công an xử lý. Ngày 2-6 vừa qua, Bộ Công an đã có buổi làm việc, báo cáo Chủ tịch nước về công tác quản lý giam giữ và THA tử hình, sau đó ban hành kế hoạch thực hiện kết luận của Chủ tịch nước về việc này. |