“Nhiều khoản tiền trường là tự nguyện nhưng thực chất là đồng loạt”

(PLO)-  Sở GD&ĐT TP.HCM cần khẩn trương xây dựng phương án, chính sách miễn, giảm học phí cho học sinh để chuẩn bị khi TP.HCM áp dụng khung học phí mới.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đó là chỉ đạo của ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TP.HCM), tại buổi làm việc với các sở, ngành, một số cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.HCM về việc triển khai thực hiện hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh (HS) phổ thông công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên ở học kỳ 2 năm học 2021-2022.

Giáo viên “mỏi mòn” chờ tiền hỗ trợ

Tại đây, đại diện các trường cho biết thực hiện theo Nghị quyết 17 (áp dụng cho học kỳ 1) và Nghị quyết 29 (áp dụng cho học kỳ 2) của HĐND TP.HCM năm học 2021-2022, HS từ mầm non đến THPT đều được hỗ trợ 100% học phí theo mức học phí đã quy định của TP.HCM.

Tuy nhiên, một số trường lại gặp khó khăn vì chưa được cấp bù kinh phí về cho các trường.

Sở GD&ĐT TP.HCM cần khẩn trương xây dựng phương án, chính sách miễn, giảm học phí cho học sinh. Trong ảnh: Hoạt động học tập vui chơi tại một trường mầm non ở TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI

Sở GD&ĐT TP.HCM cần khẩn trương xây dựng phương án, chính sách miễn, giảm học phí cho học sinh. Trong ảnh: Hoạt động học tập vui chơi tại một trường mầm non ở TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI

Như đại diện Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1) cho biết việc hỗ trợ HS theo Nghị quyết 17 không nằm trong dự toán của năm. Ở học kỳ 1, trường dạy học online với dự trù cấp bù học phí hơn 265 triệu đồng vì chỉ thu 50% học phí học online. Ở học kỳ 2, trường đã lập danh sách cấp bù theo Nghị quyết 29 với số tiền hơn 653 triệu đồng cho hơn 2.200 HS. Tuy nhiên, việc cấp bù này chưa thực hiện được vì thiếu chứng từ, hồ sơ từ phụ huynh.

“Nhiều khoản tiền trường là tự nguyện nhưng thực chất là đồng loạt” ảnh 2

Khung học phí mới của TP.HCM

Ngoài ra đến nay, dù năm học đã kết thúc nhưng trường cũng chưa nhận được nguồn trích từ 60% học phí công lập để phụ cấp tiết dạy cho giáo viên, mua sắm dụng cụ dạy học. Tiền hỗ trợ cho các trường theo mức 40.000 đồng/HS mà TP quy định cũng chưa được cấp.

Trao đổi tại buổi làm việc, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết Sở đã rà soát, tổng hợp nhu cầu thực hiện chính sách hỗ trợ học phí theo nghị quyết của HĐND TP.HCM, gửi Sở Tài chính TP.HCM đề xuất cấp bổ sung dự toán kinh phí hỗ trợ.

Theo đó, tổng dự toán hỗ trợ học phí học kỳ 1 cho các trường là hơn 202 tỉ đồng. Ngay khi kết thúc học kỳ 1, sở mới có thống kê đầy đủ và đã trình Sở Tài chính TP.HCM thẩm định, hiện chờ UBND TP.HCM phê duyệt rồi mới triển khai phân bổ cho các trường.

Và ở học kỳ 2, mức dự toán hỗ trợ cho các trường là hơn 498 tỉ đồng, tăng hơn học kỳ 1 vì tất cả cấp học trở lại học trực tiếp nhưng để hỗ trợ đúng đối tượng, sở cũng phải chờ đến cuối năm học mới có thống kê chính xác theo số HS thực học ở các cơ sở để trình giải quyết các bước. Do đó, đến nay các cơ sở giáo dục chưa được cấp nguồn kinh phí này.

Về vấn đề này, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, cho rằng hai nghị quyết về hỗ trợ học phí của HĐND TP.HCM đã thể hiện chính sách nhân văn, sự quan tâm kịp thời của lãnh đạo TP.HCM với phụ huynh, HS trong điều kiện khó khăn. Tuy nhiên, việc triển khai cấp bù học phí cho các trường để hỗ trợ giáo viên cùng các hoạt động của trường như vậy là quá chậm. Đời sống giáo viên rất khó khăn, các trường cũng vì chờ kinh phí mà phải “thắt lưng buộc bụng” để đảm bảo hoạt động cho trường.

Ông Bình yêu cầu các sở, ngành rút kinh nghiệm, phải chủ động, khẩn trương rà soát kịp thời và đầy đủ để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị.

Cần sớm có đề án hỗ trợ học phí cho HS

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, đề nghị Sở GD&ĐT TP.HCM phải khẩn trương xây dựng phương án, chính sách miễn, giảm học phí cho HS để ban hành cùng nghị quyết về mức thu học phí mới áp dụng từ năm học 2022-2023.

Tại buổi làm việc, vấn đề dự thảo tăng học phí các cấp học sắp tới tại TP.HCM lại tiếp tục được nhiều ý kiến đề cập đến. Trong đó, các ý kiến cho rằng cần có các giải pháp hỗ trợ cho HS khó khăn, không để nhiều khoản thu khác trong trường học tăng theo mức học phí mới.

Được biết theo dự thảo Sở GD&ĐT TP.HCM đã công bố, từ năm học tới, ngoài bậc tiểu học không thu học phí, các bậc học còn lại từ mầm non đến THPT tại TP sẽ tăng từ 70.000 đồng đến 240.000 đồng/tháng, tùy cấp học và nhóm địa bàn. Trong đó, bậc THCS có mức tăng cao nhất, gấp đến năm lần, từ 60.000 đồng/tháng lên 300.000 đồng/tháng.

Đại diện một trường THCS ở quận 1 cho rằng mức tăng là hợp lý vì trước đây thu thấp nhưng trường còn thu riêng tiền học hai buổi, trong khi hiện nay theo quy định của chương trình phổ thông mới, HS sẽ học hai buổi/ngày nên sẽ không còn thu tiền học buổi hai nữa.

Bà Trương Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương, ý kiến rằng ngoài các chính sách miễn, giảm học phí chung theo quy định hiện nay, TP cần có thêm cơ chế cho các đơn vị chủ động thực hiện hỗ trợ học phí cho các đối tượng HS chưa được hưởng chính sách miễn, giảm. Khi thực hiện, trường sẽ báo cáo gửi về Sở GD&ĐT và chịu trách nhiệm về danh sách HS được miễn, giảm học phí.

Là đại biểu trong Ban Văn hóa - Xã hội, bà Lê Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM, cho rằng ngoài khung học phí TP sẽ thực hiện theo Nghị định 81 của Chính phủ, TP.HCM cũng cần có khung chung cho các khoản thu khác trong trường học như tiền bán trú, tiền học tiếng Anh…

Bà Thúy cho rằng Sở GD&ĐT TP cần có đề án, chỉ đạo chung thống nhất trong tất cả các trường ở tất cả khoản thu, nhất là những trường có dạy các chương trình tiếng Anh, năng khiếu… để làm sao khi học phí tăng, các khoản thu khác không đồng loạt tăng theo.

“Tôi sống ở địa bàn đông dân lao động, mỗi ngày chứng kiến cảnh phụ huynh phải đón con tiểu học về buổi trưa rồi chiều lại đưa con đi học. Hỏi ra thì họ nói rằng tiền ăn buổi trưa của con ở trường bằng tiền ăn của cả gia đình nên phải chịu cực cho con ăn ở nhà để đỡ tốn kém. Như thế để thấy áp lực tiền học với phụ huynh là không nhỏ” - bà Thúy tâm tư.

Chưa kể, bà Thúy nói thêm, khi làm việc với các doanh nghiệp, khu công nghiệp và chế xuất, nhiều đơn vị hiện nay vẫn chưa tuyển đủ công nhân lao động hoặc chưa trở lại làm việc. Một trong những lý do lớn là vì người lao động không kham nổi chi phí học tập cao cho con cái ở TP nên phải về quê. Vì vậy, theo bà Thúy, nếu không có những chính sách hỗ trợ cho con em người dân đi học, nhất là những người khó khăn sẽ gây ra nhiều hệ lụy, trong đó có dẫn đến thiếu hụt nguồn lao động cho TP.

Thành phố đã rất cân nhắc và chọn mức thấp nhất

Với khung học phí mới mà TP đang chuẩn bị trình HĐND TP.HCM, TP thực hiện theo đúng Nghị định 81/2021 của Chính phủ. Về số liệu, mức mới sẽ tăng hơn hẳn mức cũ nhưng TP đã rất cân nhắc và chọn mức thấp nhất trong khung, dù điều kiện kinh tế ở TP cao hơn các địa phương khác.

Tuy nhiên, cũng thừa nhận hiện nay ngoài học phí, các trường có nhiều khoản thu khác, chưa kể các khoản đóng góp mua máy lạnh, tivi… cho trường. Nhiều khoản thu mang tính tự nguyện nhưng thực chất là đồng loạt, ảnh hưởng nhiều đến phụ huynh.

Do đó, Ban Văn hóa - Xã hội sẽ cùng với ngành giáo dục tiếp tục tăng cường giám sát, quản lý việc thực hiện thu chi tại các trường để làm sao các khoản thu khác tăng theo. Đồng thời, ông Bình cho rằng việc tăng học phí để các trường có thêm nguồn kinh phí chăm lo cho HS và lộ trình hướng đến chỉ một khoản thu trong trường.

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm