Từ bốn trường đại học (ĐH), rồi lên 23 trường thí điểm cơ chế tự chủ và đến nay, mô hình này đã được mở rộng đến nhiều trường trên cả nước. Tuy nhiên, xây dựng mức học phí sao cho vừa phù hợp vừa nâng chất lượng đào tạo luôn là vấn đề nan giải với lãnh đạo các trường, bởi thu cao sẽ mất người học, thu thấp không giữ được đội ngũ.
Lấy chất lượng cao “san sẻ” cho đại trà
Theo Luật Giáo dục ĐH sửa đổi, bổ sung (có hiệu lực từ tháng 7-2019), cơ sở giáo dục ĐH thực hiện tự chủ được tự xác định mức thu học phí nhưng không được vượt quá mức trần do Chính phủ quy định. Tuy nhiên, điều này không phải là dễ dàng với các trường.
Lý giải mức học phí tự chủ 16-60 triệu đồng/năm học từ năm 2022-2023, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết trong quá trình soạn thảo đề án tự chủ, vấn đề học phí được cân nhắc kỹ lưỡng nhất vì điều này ảnh hưởng đến người học.
Sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) trải nghiệm khởi nghiệp với các thiết bị công nghệ. Ảnh: PHẠM ANH
Các yếu tố được tính toán trong định mức kinh tế kỹ thuật khi xây dựng mức học phí, gồm: Chi trả công lao động, đầu tư cơ sở vật chất, chi phí vận hành hoạt động, chi phí điện, nước, các hoạt động đào tạo và nghiên cứu…
Theo PGS-TS Phương Lan, các hoạt động khác có thu của nhà trường (đào tạo ngắn hạn, hợp tác quốc tế, xã hội hóa…) cũng được đưa vào tính toán để làm giảm tối đa mức học phí cho người học.
“Mức học phí mà trường đưa ra là rất cạnh tranh so với mặt bằng chung hiện nay trong khi chuẩn đầu ra và số tín chỉ đào tạo của các ngành đào tạo của trường đều ở mức cao” - PGS-TS Phương Lan đánh giá.
Ngược lại, mặc dù học phí sau tự chủ tăng cao nhất, gấp đến năm lần mức cũ khi ở ngưỡng 38-70 triệu đồng/năm nhưng đại diện Trường ĐH Y Dược TP.HCM vẫn cho rằng mức này là vẫn chưa tính đúng, tính đủ và trường còn phải bù lỗ.
Theo đại diện của trường, ba yếu tố quan trọng để tạo nên mức học phí của trường là cơ sở vật chất, chương trình đào tạo và đội ngũ giảng viên. Nếu học phí quá thấp sẽ không thể đào tạo được nhân lực cao. Thu nhập giảng viên không tăng, trường khó giữ được người dạy.
PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng Phòng đào tạo, dẫn giải: “Ví dụ, ngành răng hàm mặt thu 70 triệu đồng/năm nhưng thực chất phải thu tối thiểu hơn 100 triệu đồng/năm vì chi phí đào tạo rất tốn kém. Trường phải đầu tư trang thiết bị lớn, hiện đại. Khi học và thực hành, có những thiết bị chỉ dùng một lần là bỏ. Nhưng trường cân nhắc mức hợp lý cho các em và sẽ lấy kinh phí bù trừ giữa các ngành”.
Tương tự, áp dụng mô hình tự chủ từ năm 2017, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng gặp không ít khó khăn để xây dựng và duy trì mức học phí tới nay, 17-20,5 triệu đồng/năm học (hệ đại trà).
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng trường, cho biết trường phải dựa vào phân tích thu nhập của người dân, tính tổng các chi phí vận hành và đào tạo, so sánh học phí trường bạn...
“Tính đúng, tính đủ, mức phí đào tạo trung bình một sinh viên (SV) ở trường phải 30-50 triệu đồng/năm. Nếu thu ở mức này thì rất tội cho SV nghèo. Trường phải tạo ra hai hệ đào tạo, đại trà và chất lượng cao, mục đích là để lấy tiền của người giàu san sẻ cho người khó khăn hơn” - ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, lớp chất lượng cao là để đáp ứng cho phân khúc SV khá giả. Các em đóng tiền cao để được hưởng chương trình tốt, trang thiết bị hiện đại, sĩ số thấp… Từ đó, SV đại trà cũng sẽ được hưởng cơ sở vật chất này, mức thu nhập của giáo viên cũng tốt hơn, thu hút được người tài.
PGS-TS ĐỖ VĂN DŨNG, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM Vận động tài trợ từ cựu sinh viên, doanh nghiệp Muốn nâng cao chất lượng đào tạo, đầu vào và đội ngũ là quan trọng nhất. Do đó, bên cạnh xây dựng mức học phí phù hợp, trường phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác, nhất là giai đoạn đầu tự chủ. Như tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, thời gian đầu vì nguồn thu ít, trường phải dành 75% kinh phí đầu tư cho đội ngũ. Những năm sau, khi nguồn thu tăng dần, trường bắt đầu đầu tư có trọng điểm cho trang thiết bị hiện đại, chuyển đổi số… để tạo môi trường học tốt cho SV. Đồng thời, trường tìm mọi cách thu hút đầu vào bằng cách tiếp cận thí sinh tận cơ sở theo nhiều hình thức trực tiếp lẫn trực tuyến. Ngoài trích 8% học phí theo quy định để tạo nguồn học bổng, trường đi vận động các nguồn tài trợ từ cựu SV, doanh nghiệp… Kết quả là thu nhập đội ngũ tăng lên gấp ba lần, tùy theo vị trí việc làm, học hàm, học vị, cao nhất khoảng 60-70 triệu đồng/tháng; chất lượng đầu vào và đầu ra tăng dần; quỹ học bổng tăng lên hàng chục tỉ đồng, một năm có 5-7 dự án đầu tư vào trường… PGS-TS NGÔ THỊ PHƯƠNG LAN, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM Tập trung để người học được hưởng thụ nhiều nhất Trong lộ trình phát triển theo cơ chế tự chủ, trường sẽ tập trung tối đa nguồn lực tài chính cho việc đầu tư vào chất lượng đào tạo và nghiên cứu thông qua các đầu tư về đội ngũ và hoạt động giảng dạy, cơ sở vật chất, các hoạt động tư vấn - hỗ trợ người học, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế… để người học được thụ hưởng nhiều nhất. Cụ thể trước mắt, đối với hệ chất lượng cao, trường sẽ chú trọng quốc tế hóa chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng dạy, tuyển dụng giảng viên/chuyên gia xuất sắc (trong và ngoài nước), hỗ trợ và chăm sóc người học, cơ sở vật chất… |
Chất lượng có tăng theo học phí?
Theo chủ trương từ Nhà nước, tự chủ ĐH phải đi đôi với trách nhiệm giải trình, để minh bạch không chỉ tài chính mà còn chất lượng đào tạo.
Tuy nhiên, với nguồn lực còn hạn chế, phụ thuộc chủ yếu vào học phí khiến các trường cũng đau đầu trong tính toán thu - chi để vừa đầu tư nâng chất lượng đào tạo, giữ chân được đội ngũ giỏi, vừa thu hút và chăm lo cho người học.
Thực tế tại Trường ĐH Luật TP.HCM là một ví dụ. Theo PGS-TS Trần Hoàng Hải, Quyền Hiệu trưởng trường, trường là trọng điểm về đào tạo luật của cả nước, có đội ngũ giảng viên chất lượng nhưng vì cơ sở vật chất hạn chế khiến trường mỗi năm chỉ tuyển 2.100 SV, trong khi có đến 15.000 thí sinh đăng ký tuyển sinh. Điều này ảnh hưởng nhiều đến nguồn thu đầu tư cho trường.
Hơn nữa, học phí hai năm nay từ 18 triệu đồng/năm học (hệ đại trà) vẫn chưa đáp ứng được chất lượng đào tạo theo kỳ vọng của trường.
“Trường phải xây dựng học phí mới, thấp nhất khoảng 30 triệu đồng/em/năm và dự kiến áp dụng từ năm học này nhưng do dịch bệnh, trường tạm hoãn để chia sẻ với SV. Với mức học phí này, trường mới có nguồn kinh phí đảm bảo chất lượng theo xu thế hội nhập, như mời giáo sư và mua tài liệu từ nước ngoài, đưa SV đi thực tập ở nước ngoài... Từ đó nâng cao đời sống để giữ chân giáo viên, thu hút nhân tài, có thêm kinh phí hỗ trợ SV khó khăn, trích đầu tư cơ sở vật chất” - ông Hải diễn giải.
Ông Hải cũng kiến nghị: Để thuận lợi cho các trường tự chủ, Nhà nước cần phân loại những trường có điều kiện cơ sở vật chất tốt và chưa tốt để tập trung đầu tư cho hiệu quả. Hơn nữa, Nhà nước cần có những chính sách cho SV vay tín dụng để trả sau hoặc trực tiếp hỗ trợ cho SV bằng việc cấp tiền trợ cấp xã hội để các em đóng tiền học.
Kỳ tới: Ba thách thức cần tháo gỡ khi đại học tự chủ
KHỐI NGÀNH | MỨC TRẦN HỌC PHÍ ĐH CÔNG LẬP (đơn vị: Ngàn đồng/SV/tháng) | |
Trường chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư | Trường tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư | |
Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên | 980 | 2.050 |
Nghệ thuật | 1.170 | 2.400 |
Kinh doanh và quản lý, pháp luật | 980 | 2.050 |
Khoa học sự sống, khoa học tự nhiên | 1.170 | 2.400 |
Toán, thống kê máy tính, công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, sản xuất và chế biến, kiến trúc và xây dựng, nông lâm nghiệp và thủy sản, thú y | 1.170 | 2.400 |
Các khối ngành sức khỏe khác | 1.430 | 5.050 |
Y dược | 1.430 | 5.050 |
Nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội, du lịch, khách sạn, thể dục thể thao, dịch vụ vận tải, môi trường và bảo vệ môi trường | 980 | 2.050 |
(Theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân)