Nhiều kỳ vọng ở Huyền thoại 1C

Từ ngày 23 đến 25-11, tại Cần Thơ, đoàn phim đã thực hiện những cảnh quay chiến đấu với bộ binh, trực thăng, xe bọc thép và bầu không khí đậm đặc thuốc nổ, khói lửa chiến trường.

Bộ phim truyện truyền hình Huyền thoại 1C (20 tập, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân) vừa hoàn thành những cảnh quay cuối tại Cần Thơ.

Để có những khuôn hình chân thật…

Nhà văn Anh Động, tác giả kịch bản văn học của Huyền thoại 1C, nói vui: “Tư liệu kịch bản là khúc ruột, là vết thương trên người tui”. Nói vậy bởi tác giả từng tham gia đội vận tải trên tuyến đường 1C. Những chi tiết trong kịch bản đều thấp thoáng bóng dáng ông và những đồng đội ông ngày ấy.

Theo sát đoàn phim là tổ cố vấn gần chục cựu chiến binh của chiến trường 1C. Họ tận tình hướng dẫn cho diễn viên cách bơi xuồng bằng sào nạng, cách lắc nước ra khỏi xuồng ba lá, cách lật úp xuồng khi bị máy bay thả bom, cách sử dụng khăn rằn sao cho đúng kiểu Nam Bộ…

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cho biết hầu hết thành viên đoàn phim không trực tiếp trải qua chiến tranh, không sống trong văn hóa miền Tây Nam Bộ. Do đó, góp ý từ các nhân chứng sống của chiến trường 1C trong vai trò cố vấn lịch sử đặc biệt quan trọng. Nhờ đó, bộ phim có những chi tiết đắt giá mà nếu không trải nghiệm thì không thể biết. Chẳng hạn, vào mùa nước nổi, không có đất chôn đồng đội hy sinh, nhiều thanh niên xung phong phải quấn thân thể đồng đội trong bọc nylon neo giữ trên mặt nước mênh mông.

Đặc biệt hơn cả là cách thể hiện tình yêu thời chiến trongHuyền thoại 1C. Theo cô Tuyết Thu, cố vấn lịch sử của phim, tình yêu trong chiến tranh là tình cảm mãnh liệt, dữ dội nhưng cũng thật đơn giản. Tình yêu ấy chỉ dừng lại ở sự thương thầm nhớ trộm, trao nhau ánh mắt, vài câu hỏi thăm bâng quơ hay nhường nhau… một khúc cá trong bữa ăn.

Nhà văn Anh Động giải thích thêm: “Chiến trường ác liệt, ranh giới mong manh của sự sống và cái chết làm tê liệt mọi cảm xúc. Nghĩ coi, sáng nay anh mới chăm sóc cô gái mà mình để ý thì có khi chiều tới chính tay anh chôn cất cô gái đó. Hay khi chăm sóc vết thương cho người anh mến và xung quanh là hàng trăm thương binh đang nằm lớp lớp, liệu có cảm xúc yêu đương nào không?...”.

Nhờ sự tư vấn của các cựu binh, tình yêu trong phim được thể hiện hết sức nhẹ nhàng, trong sáng. Các cô gái, chàng trai nông thôn ít học, ăn to nói lớn, vụng về nên yêu thương không diễn đạt được bằng lời nói ngọt ngào. Tình yêu đó bị đóng băng, dồn nén, đôi lúc được giải tỏa bằng nét mặt thẹn thùng, ánh mắt lóng lánh và vài câu nói bâng quơ. Vậy nên cảnh “nóng” nhất trong phim là… nụ hôn vội vàng của một chàng thanh niên xung phong lên má người yêu.

Hiếm bộ phim nào có cố vấn lịch sử ra tận phim trường hướng dẫn diễn viên diễn xuất. Trong ảnh: Ông Huỳnh Xuân Hạnh (bìa trái), cố vấn lịch sử bộ phim, đang hướng dẫn diễn viên diễn xuất. Ảnh: TRÀ GIANG

Không tốn son phấn cho diễn viên

Để chuẩn bị cho các vai cầm súng, nhóm diễn viên của Huyền thoại 1C đã được huấn luyện quân sự và các kỹ năng: bơi xuồng, cưỡi trâu, bơi lội… trong một tuần.

Để có những thước phim trung thực nhất, nhiều diễn viên bất kể nam nữ phải tập vác bao cát 20 kg. Trước các cảnh tải vũ khí, đạo diễn Thanh Vân đã cho 20 kg cát vào hòm gỗ. Những diễn viên mảnh mai: Diệu Thúy, Hương Ngân phải bặm môi vác hòm gỗ đỏ tấy vai. Bởi vậy, những giọt mồ hôi, bước chân nặng nhọc của diễn viên trên khuôn hình đều thật như chính nỗi vất vả họ đã trải qua ở hiện trường.

Vì sự chân thực trong từng thước phim, đoàn phim đã trải qua hơn hai tháng ròng rã lội nước trong rừng tràm Mộc Hóa (Long An), đến nỗi khi được quay ở rừng lau sậy nắng chang chang, không một bóng mát, diễn viên Diệu Thúy vẫn sung sướng cười: “May quá, không phải lội nước!”. Tổ hóa trang không tốn một miếng son phấn nào cho các diễn viên nữ. Có chăng chỉ là các bột màu khói, tro than quẹt thêm lên mặt tạo hình lấm lem bùn đất bên cạnh bùn đất thật.

Theo đạo diễn Thanh Vân, ông chọn dàn diễn viên trẻ vì kỳ vọng vào tấm lòng tươi mới với nghề, biết dấn thân và hy sinh cho nghề… của họ. “Một cô chân dài mét bảy sẽ lạc lõng giữa bối cảnh sông nước miền Tây này” - đạo diễn cười.

“Chưa trải qua cảnh sống chết trong gang tấc, chưa phải cầm súng ngày nào, các diễn viên không thể có thao tác thuần lính như chúng tôi ngày xưa. Bù lại, họ rất chịu khó lăn lộn, học hỏi nên cũng tái hiện được 80%-90% hình ảnh tụi tui hồi trẻ. Nhìn họ, tui chỉ muốn khóc vì thấy hình ảnh mình trong đó” - cô Tuyết Thu nhận xét.

Không thể nói hết sự tàn khốc của chiến tranh

Dù đã dùng đến hơn 200 kg thuốc nổ cho các cảnh bắn phá; dù có ngày tổ hóa trang tốn đến năm, sáu lít “máu”… để đứng giữa trường quay, người ta cảm thấy tức ngực, đất dưới chân rung lên, ho sặc sụa và thấy máu đỏ loang giữa bầu khói lửa… thì vẫn chưa thấm là bao so với những gì các nhân chứng của chiến trường C1 đã trải qua. Ông Nguyễn Ngọc Năng, cố vấn lịch sử của đoàn phim, cho biết thật tiếc khi phim không thể tái hiện cảnh trực thăng thả bom, xe bọc thép càn quét rừng tràm. Trong hồi ức của ông vẫn còn đậm nét hình ảnh rừng tràm xanh mướt trên tuyến đường C1 đổ chỏng chơ dưới sức tàn phá của chiến tranh.

Vì không đành lòng tàn phá một rừng tràm, đoàn phim đã thay bối cảnh rừng tràm bằng rừng lau sậy. Cũng theo ông Ngọc Năng, sự đau thương tột cùng của lịch sử khó có thể tái hiện trọn vẹn trên phim. Đó là cảnh đồng đội bị máy bay bắn tan xác, người còn sống phải đi nhặt từng mảnh thi thể của người hy sinh đem về ráp lại chôn cất. Đoàn phim cũng không thể quay được cảnh ban đêm trực thăng pha đèn sáng rực tìm nơi đóng quân của thanh niên xung phong, không thể kiếm được đạo cụ máy thu tiếng động lính Mỹ dùng để phát hiện du kích…

Vốn đầu tư gấp sáu lần phim truyền hình bình thường

Năm 1966, để vận chuyển vũ khí từ miền Bắc vào Nam tuyến đường 1C ra đời. Tuyến đường 1C là tuyến đường giao liên biên giới trải dài từ Sóc Chuốt (Túc Mía, Campuchia) đến Cà Mau, đi qua hầu hết các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Suốt gần 10 năm liền sau khi hình thành, lực lượng thanh niên xung phong đường 1C làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, phương tiện chiến tranh; đưa đường cho cán bộ, bộ đội ngược xuôi qua tuyến đường.

Bộ phim truyền hình Huyền thoại 1C (dài 20 tập, tác giả kịch bản văn học: Nhà văn Anh Động, tác giả kịch bản phim: Đoàn Minh Tuấn, đạo diễn: Nguyễn Thanh Vân) tái hiện chiến công và những hy sinh của lực lượng thanh niên xung phong trên chiến trường này.

Đây là bộ phim được Nhà nước đầu tư kinh phí 2 tỉ đồng/tập, gấp sáu lần so với các phim truyền hình hiện nay. Phim do Hãng phim Tây Nam sản xuất theo đơn đặt hàng của Bộ VH-TT&DL, dự kiến phát sóng vào dịp 30-4-2012.

TRÀ GIANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới