Nhiều ngân hàng giảm lãi vay, doanh nghiệp vẫn 'chê'

(PLO)- Giảm lãi suất nhưng sức hấp thụ vốn vẫn thấp, nhiều ngân hàng tiếp tục giảm thêm lãi suất với kỳ vọng sẽ hút khách vay dễ hơn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vietinbank vừa thông báo, từ nay đến hết 31-12, ngân hàng này tiếp tục giảm lãi suất cho vay chỉ từ 5,9%/năm cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).

Lãi suất ưu đãi kể trên áp dụng cho các khoản vay có kỳ hạn đến 6 tháng bằng tiền VND, phát sinh mới trong khoảng thời gian từ nay đến hết 31-12.

Đây là gói tín dụng SME UP, có quy mô 15.000 tỉ đồng do VietinBank triển khai từ tháng 6 vừa qua, với lãi suất cho vay ưu đãi để hỗ trợ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vừa và nhỏ tốt hơn. Hiện đã có hàng trăm doanh nghiệp vừa và nhỏ được hưởng lãi suất ưu đãi từ gói này.

Tương tự, SHB cũng cho biết tiếp tục giảm tới 2%/năm lãi suất cho vay dành cho các khách hàng hiện hữu. Theo đó, từ nay đến hết năm 2023, SHB sẽ triển khai giảm tới 2%/năm lãi suất cho vay các khách hàng hiện hữu bao gồm cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhằm chia sẻ những khó khăn của khách hàng, đặc biệt trong giai đoạn nhu cầu vốn tăng cao vào cuối năm.

Từ đầu năm đến nay, SHB đã đưa ra nhiều gói tín dụng với lãi suất cho vay ưu đãi, để hỗ trợ khách hàng và phát triển kinh tế. Chẳng hạn, ngân hàng này dành gói 5.000 tỉ đồng với lãi suất từ 6,97% hỗ trợ các doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động ngắn hạn và dành 1.000 tỉ đồng lãi suất ưu đãi cho khách hàng doanh nghiệp có nhu cầu vay mua ô tô với thời gian vay từ 36 tháng trở lên. Chương trình được triển khai đến hết ngày 30-5-2024.

cho-vay-lai-suat-thap.jpeg
Ngân hàng đang dư thừa vốn.

Riêng đối với các khách hàng là doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, SHB dành riêng gói ưu đãi lãi suất 50 triệu USD với lãi suất ưu đãi chỉ từ 4,8%/ năm, chương trình được triển khai đến hết ngày 26-4-2024.

Việc các ngân hàng liên tục điều chỉnh giảm lãi suất dành cho các khách hàng cùng các gói hỗ trợ tín dụng quy mô lớn là được xem là động thái tích cực để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, góp phần tăng trưởng sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tiêu dùng.

Giám đốc một doanh nghiệp có vốn FDI cho biết: "Đầu tư công tăng chậm, ngân hàng dư tiền, lãi suất giảm nhưng doanh nghiệp cũng không mấy mặn mà. Việc các doanh nghiệp “chê” vốn rẻ là do họ đang đối mặt với tình trạng sụt giảm đơn hàng trầm trọng. Các đơn hàng trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ đến từ những đối tác lớn như Mỹ, Nhật, Châu Âu giảm từ 20-30%.

Nhìn chung, tổng cầu trên toàn thế giới đều giảm. Do đó, các doanh nghiệp nói chung tại Việt Nam đang cố gắng sử dụng vốn vay ngân hàng ít nhất có thể. Đó là một trong những nguyên nhân chính khiến tăng trưởng tín dụng trong 10 tháng đầu năm nay ở mức thấp".

Nhận xét về triển vọng tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, TS Phạm Phú Quốc, chuyên gia kinh tế cho rằng: "Trong quá trình vừa qua, các chính sách quan tâm đến tổng cung nhưng đối với doanh nghiệp thì lại rất quan tâm đến tổng cầu để mở rộng kinh doanh.

"Bởi hiện nay tất cả các yếu tố liên quan đến thị trường, doanh số vẫn đang giảm, người dân tiếp tục thắt lưng buộc bụng. Và những điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý tiêu dùng. Với những yếu tố như vậy, có lẽ phải đợi đến cuối năm 2024 - khi người dân bình tâm trở lại thì nhu cầu mới được phát huy và tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp mới có triển vọng, chứ trong giai đoạn ngắn thì rất khó”, TS Phú Quốc nêu quan điểm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm