Nhiều người Việt Nam ở nước ngoài muốn trở lại quốc tịch Việt Nam nhưng vẫn giữ quốc tịch đang có

(PLO)- Được cấp căn cước công dân và trở lại quốc tịch Việt Nam mà vẫn giữ được quốc tịch ngoại hiện có là nguyện vọng của nhiều người Việt Nam ở nước ngoài.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chuỗi hoạt động của Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 và Diễn đàn Trí thức, chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 hôm nay, 22-8, đã khai mạc tại Hà Nội.

Hội nghị do Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương tổ chức, sự kiện năm này hướng tới chủ đề: “Người Việt Nam ở nước ngoài chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước”.

Ngày một nhiều người Việt Nam ở nước ngoài mong được cấp căn cước công dân,
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị “Người Việt Nam ở nước ngoài chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước” - Ảnh: QUANG PHÚC

Trước khi bắt đầu phiên toàn thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu đã dành một phút mặc niệm, tưởng nhớ cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của Đảng, Nhà nước.

Chào mừng bà con trong dịp về thăm quê hương, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định kiều bào cũng như người Việt toàn thế giới là một phần không thể tách rời của dân tộc, của Tổ quốc. Vậy nên, những hội nghị như thế này là dịp để các cấp chính quyền lắng nghe, chia sẻ và cùng thảo luận với người Việt toàn cầu để bà con có thể đóng góp, làm ăn, sinh sống tốt hơn, qua đó hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước.

Còn Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thì dẫn số liệu từ khoảng 4,5 triệu người ở 109 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2016, đến nay người Việt ngoài nước đã lên tới hơn 6 triệu người sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, số người có trình độ Đại học trở lên chiếm khoảng 10%.

Theo ông Bùi Thanh Sơn, ở hầu hết các địa bàn có người Việt sinh sống đều đã thành lập tổ chức hội, đoàn. Các hội doanh nhân, hội chuyên gia, trí thức người Việt thường xuyên có các hoạt động kết nối với trong nước, tạo thành một mạng lưới rộng khắp, liên kết người Việt cả ở trong và ngoài nước.

“Kiều bào trở thành nguồn lực quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Trong vòng hơn 30 năm qua, tổng lượng kiều hối chuyển về trong nước đạt hơn 200 tỷ USD, tương đương với lượng giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cùng kỳ. Tính đến hết năm 2023, kiều bào đã đầu tư 421 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỷ USD. Cùng với đó là hàng ngàn doanh nghiệp có vốn đầu tư của người Việt Nam định cư ở nước ngoài”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn dẫn báo cáo của Bộ Ngoại giao.

BuiThanhSon1.jpg
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn - Ảnh: TUẤN ANH

Tại sự kiện, ông Jonathan Hạnh Nguyễn, một trong những kiều bào Việt Nam rất nổi tiếng đã có những chia sẻ về quá trình trở về Việt Nam và thành công của ông.

Ông nói: "Những năm tháng đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất, tôi đã trở về quê hương với sứ mệnh là mở đường bay TP.HCM - Manila, góp phần vào việc phá vỡ thế bao vây cấm vận đối với Việt Nam. Sau đó, là gom góp tài sản cũng như kêu gọi bạn bè trở về đầu tư tại quê hương và từ đó tiếp tục đồng hành cùng đất nước trong suốt hành trình phát triển và hội nhập quốc tế".

Cũng theo ông doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn, thời gian qua, với tầm nhìn chiến lược, Chính phủ đã không ngừng hoàn thiện và ban hành các chính sách mới, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư, kinh tế, giáo dục và khoa học công nghệ. Nhờ đó môi trường đầu tư được cải thiện rõ rệt, tạo các cơ chế thuận lợi, không chỉ thu hút nguồn vốn mà còn là sự trở về của tri thức, kinh nghiệm và tinh thần sáng tạo từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Ông Jonathan Hạnh Nguyễn chỉ ra người Việt Nam ở nước ngoài đang trở về nước làm việc, kinh doanh ngày một nhiều hơn: “Có một sự dịch chuyển không nhỏ của tri thức từ nước ngoài về Việt Nam, đặc biệt là ở các nước có nền công nghệ và kinh tế phát triển. TP HCM hiện có gần 100 công ty khởi nghiệp và nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm của các bạn kiều bào trẻ, trong đó đa số về từ Mỹ”.

JonathanHanhNguyen.jpg
Doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn - Ảnh: TUẤN ANH

Vấn đề còn lại là, theo ông, là Chính phủ cần mở ra cơ chế thử nghiệm các công nghệ mới, những mô hình kinh doanh mới mà không đòi hỏi nhiều giấy phép. Nếu được như vậy hẳn sẽ tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi hơn cho kiều bào.

Vị doanh nhân nổi tiếng này dẫn ra ví dụ có những doanh nhân công nghệ trẻ gốc Việt đã từng tiên phong sáng tạo ra những công nghệ mới chưa từng có trên thế giới nhưng khi họ đem về Việt Nam thì còn bị hạn chế bởi các chính sách của Việt Nam chưa tương thông với quốc tế.

Còn ông Hoàng Đình Thắng – Chủ tịch Hội người Việt Nam tại châu Âu đề nghị cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục cấp căn cước công dân.

“Luật Căn cước 2023 đã được ban hành, chúng tôi mong sớm có hướng dẫn cụ thể về việc cấp căn cước cho công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài. Đồng thời đẩy nhanh quá trình xác minh nhân thân, nhằm tạo điều kiện cấp hộ chiếu Việt Nam cho những người không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam”, ông Thắng góp ý.

Cũng theo Chủ tịch Hội người Việt Nam tại châu Âu, thời gian qua, nhiều quốc gia trên thế giới thay đổi chính sách quốc tịch đối với người nhập cư. Nhiều bà con người Việt đã xin thôi quốc tịch Việt Nam để vào quốc tịch nước ngoài nay có nguyện vọng trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài.

Nguyện vọng này của bà con nhằm mục đích giữ mối liên hệ chặt chẽ về mặt pháp lý với Nhà nước Việt Nam và truyền cho các thế hệ sau.

Tuy nhiên, đi vào thực tế, bà con gặp nhiều vướng mắc bởi các quy định pháp luật trong nước. Nguyện vọng chính đáng là vậy nhưng rất ít người được trở lại quốc tịch Việt Nam mà vẫn giữ được quốc tịch nước ngoài đang có.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm