Trước mắt đoàn đã trao học bổng khuyến học 1 triệu đồng/em và tiền hỗ trợ các cô giáo. Số tiền còn lại sẽ nhờ ông Năm Tốt (người mở lớp học tình thương) quản lý để chi phí thường xuyên cho lớp học và hỗ trợ những em khó khăn. Anh Phan Thanh Hải, chủ hãng giày BQ (Đà Nẵng), cũng cho biết sẽ tài trợ toàn bộ giày cho các em học sinh và cô giáo lớp học tình thương Biển Vĩnh Hảo.
Dốc Dù là một vùng khô hạn. Nhiều người dân từ các nơi về ngụ cư ở đây trong điều kiện không điện, nước, nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn không được đến trường. Có một thời gian dài trước đây, Dốc Dù là điểm nóng về tệ nạn xã hội. Hiện khu vực giáp ranh Ninh Thuận - Bình Thuận vẫn còn nhiều hộ cực kỳ khó khăn, cơ cực, sống nhờ nghề lặn biển hoặc đốn củi, hầm than rất bấp bênh.
Các bạn trẻ mạng xã hội Facebook với học sinh lớp tình thương. Ảnh: HUỲNH TRƯỜNG GIANG
Gần 20 năm trước, ông Năm Tốt (Trần Năm) - nguyên cán bộ Tỉnh ủy Ninh Thuận và vợ về hưu, vào đây mở quán ăn Biển Vĩnh Hảo. Lo lắng trước cảnh nhiều em mù chữ, ông bà đã mở lớp học tình thương cho trẻ em Dốc Dù. Cho đến nay, hàng trăm em đã được dạy cho biết chữ, có em từ đó đã học lên và có công ăn việc làm ổn định. Ông bà Năm Tốt đã thuê cô giáo phụ trách lớp học, bỏ tiền xây phòng học, mua sắm sách vở, đồng phục cho các em. Không chỉ tạo chữ, ông bà còn giúp đỡ công ăn việc làm cho nhiều em. Cũng chính ông bà đã bỏ ra gần 7 tỉ đồng xây đập dẫn nước ngọt từ đỉnh núi về cho người dân vùng này. Đầu năm 2015, bà Năm Tốt qua đời, ông Trần Năm tiếp tục duy trì lớp học tình thương ở quán Biển Vĩnh Hảo.
Sau khi Pháp Luật TP.HCM (số ra ngày 10-6-2015) có bài viết “Cổ tích ở xóm Dốc Dù”, nhiều bạn đọc đã bày tỏ sự quan tâm tới lớp học đặc biệt này, trong đó có nhóm bạn trên mạng xã hội Facebook nói trên. Một số bạn đọc cho biết sẽ cố gắng duy trì hoạt động hỗ trợ này như một sự đồng cảm với những hy sinh thầm lặng nhiều năm nay vì trẻ em khó khăn ở Dốc Dù của ông bà Năm Tốt.