Cứ xem cái cách Văn Toàn có banh ăn nhưng vẫn nhịn lại tìm người đồng đội Công Phượng và chuyền bóng, hay Xuân Trường liên tục mồi bóng cùng những đường chuyền dọn cỗ nhắm đến đôi chân lẫn cái đầu Công Phượng thì biết. Mọi người mong Công Phượng có bàn thắng để giải tỏa sức ép. Thậm chí đến ông thầy Guillaume cũng không ép học trò của mình phải lao lên tuyến trên và phải ghi bàn mà để Phượng chơi thật tự do tìm bóng rồi tự do đi bóng...
Thế nhưng đôi chân ngoan ngày nào lại quá đen đủi trong một năm mà cơ hội thì nhiều nhưng bàn thắng lại quá khó đối với Công Phượng. Một mình một bóng, Phượng hết đưa vào xà lại đánh đầu vọt xà hoặc sút chệch cầu môn.
Ngay cả khi Văn Toàn ghi hai bàn thắng rồi thì các đồng đội và người hâm mộ vẫn chờ Công Phượng. Thậm chí người đàn anh Việt Thắng khi ngồi bình luận trên sân cũng đưa ra lời khuyên “Công Phượng hãy đá gần cầu môn hơn để cơ hội ghi bàn cao hơn và nhiều hơn”.
Cuối cùng thì bàn thắng cũng đến với Công Phượng và lại là kiểu ghi bàn quen thuộc. Nhận bóng, giữ một nhịp rồi qua người, tì người, đi vào khoảng trống và tung chân sút thành bàn. Một bàn thắng không có giá trị nhiều trong trận đấu nhưng lại rất có giá trị với người ghi bàn mòn mỏi tìm một bàn thắng để giải tỏa sức ép cho chính mình. Nhìn các đồng đội lại chúc mừng Công Phượng rồi ban huấn luyện và hầu hết khán giả đồng loạt vỗ tay hô vang “Công Phượng! Công Phượng!” thì biết nó giá trị với cầu thủ này như thế nào.
Một năm trước, cũng trên sân Thống Nhất, Công Phượng là linh hồn của đội, còn bây giờ thì cả đội lại dồn bóng để mong Phượng có một bàn thắng trở lại như Công Phượng “quái kiệt” ngày nào.
Cái cách mà đồng đội, ban huấn luyện và khán giả giúp Công Phượng thật đáng trân trọng.