Nhóm nhạc đặc biệt của nghệ sĩ Linh Trung

Mới đây, gần cả ngàn học sinh tại sáu trường tiểu học Cụm 2 ở huyện Bình Chánh (TP.HCM) gồm: Tân Túc, Tân Nhựt, Tân Kiên, Tân Nhựt 6, Trần Nhân Tôn, An Phú Tây đã tụ về Trường Tiểu học An Phú Tây xem OSEDC trình diễn nhạc dân tộc. Các em đã được xem những anh chị khiếm thị, khuyết tật tay chân trình diễn nhiều loại nhạc cụ quê hương như trống Tây Sơn, đàn tranh, đàn bầu, sáo, trống cơm, đàn đá, đàn T’rưng…

Các cô bé, cậu bé dưới 10 tuổi đã tròn xoe mắt chăm chú lắng nghe tiếng sáo, tiếng đàn dìu dặt cũng như thích thú lắng nghe lời giới thiệu các loại nhạc cụ của nghệ sĩ cải lương Linh Trung trong vai trò MC.

Các em được biết rằng đàn đá có từ thời các vua Hùng, đàn bầu là loại đàn một dây duy nhất trên thế giới của người Việt Nam, đàn T’rưng thì của các dân tộc Tây Nguyên và làm bằng tre… Khi nghệ sĩ Linh Trung hỏi: “Các em có thấy đàn đá, đàn T’rưng bao giờ chưa?”, đám trẻ con nhao nhao: “Dạ chưa!”.

Các em học sinh say sưa xem nhóm nhạc khuyết tật biểu diễn. Ảnh: HÒA BÌNH

Khi tiếng đàn T’rưng rộn ràng vang lên bài Tây Nguyên chào mặt trời, rồi tiếng đàn đá thánh thót, hào hùng giai điệu bài Âm vang đất nước, các em học sinh nhỏ tự động vỗ tay theo vang dậy, thích thú…

Chương trình đưa âm nhạc, nghệ thuật vào trường học do nghệ sĩ cải lương Linh Trung phối hợp với Tổ chức Hỗ trợ giáo dục trẻ em thiệt thòi Việt Nam - Văn phòng 2 (VP2 - OSEDC VN) thực hiện. Bởi những “nghệ sĩ” biểu diễn trước khán giả trẻ con lần này là những người khuyết tật.

Các em cũng được nghe kể về những cảnh ngộ thiệt thòi, thiếu thốn tình cảm thương yêu gia đình khi mồ côi, bị bỏ rơi của các anh chị “nghệ sĩ”. Có các anh chị phải đi bán kẹo, bán vé số để kiếm sống. Dù rất thiệt thòi, khiếm khuyết như vậy các anh chị vẫn nghị lực vươn lên, quyết tâm vượt mọi khó khăn để học lấy một cái nghề, học đàn thật giỏi để có thể đi biểu diễn thêm kiếm sống, vừa mang lại niềm vui cho đời mình. Từ câu chuyện của các thành viên nhóm nhạc, các em học sinh được khuyến khích yêu thương, chia sẻ và học tập nghị lực của người khuyết tật để vươn lên.

Với những câu chuyện như thế, khi nghe “nghệ sĩ” sáo trúc Minh Nhựt hát bài Lời người khiếm thị, đã có không ít em nhỏ rơi nước mắt.

Khi chiếc thùng quyên góp giúp các “nghệ sĩ” khuyết tật được truyền đi, các em nhỏ miền quê đã nhao nhao bỏ vào đó những tờ giấy bạc tiền quà của mình nhiều thì 1.000 đồng, 2.000 đồng, ít thì 500 đồng. Số tiền góp chẳng là bao như một cách khuyến khích sự chia sẻ của trẻ em với người khuyết tật.

Đội văn nghệ âm nhạc dân tộc quần chúng OSEDC có khoảng 15 bạn trẻ từ chưa thành niên đến thành niên đã và đang sinh sống trong VP2 - OSEDC VN (một tổ chức dân lập) tại phường Thạnh Lộc, quận 12, TP.HCM. Ở đây các bạn được học văn hóa, tin học, kỹ năng sống và âm nhạc. VP2 - OSEDC VN đã đào tạo âm nhạc dân tộc cho trẻ khuyết tật được hơn 10 năm với 106 học viên, mỗi học viên thành thạo từ hai đến sáu nhạc cụ. Có 91 học viên đã hồi gia tự kiếm sống, số còn lại vẫn đang ở trung tâm.

Minh Nhựt, một thành viên của OSEDC, tâm sự: “Được đến các trường học biểu diễn như vậy các em rất vui. Việc chính của em bây giờ là hằng ngày đi bán kẹo để mưu sinh, ngoài ra còn đi diễn vừa giúp mình có thêm thu nhập, vừa mang đến cho mình niềm vui sống”.

Nghệ sĩ Linh Trung cho biết từ tâm tư, tình cảm của các “nghệ sĩ” khuyết tật như trên, anh đã vận động bạn bè cùng bỏ kinh phí ra trả thù lao cho nhóm nhạc đi diễn ở các trường. Các trường học không phải trả bất cứ chi phí nào, trừ khi tự nguyện bồi dưỡng. Dự kiến chương trình sẽ đi 10 trường tiểu học ở Bình Chánh, sau đó đi tiếp nhiều trường tiểu học ở quận Tân Bình (TP.HCM).

________________________________

Học sinh xem chương trình rất thích thú, cảm động. Ban giám hiệu các trường, Hội Phụ huynh học sinh xem buổi biểu diễn đều xúc động, ủng hộ chương trình. Sắp tới sẽ có nhiều trường ở địa phương đăng ký được tham gia chương trình này.

Thầy LẠI HỮU TÂM, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm