TTVN tham dự SEA Games kỳ này với số lượng đông kỷ lục 856 người, đặt mục tiêu tốp 3 toàn đoàn và giành tổng cộng khoảng 65-70 HCV. Tuy nhiên, các VĐV Việt Nam đã vượt xa chỉ tiêu với 98 HCV và đứng nhì toàn đoàn, trên cả đối thủ lớn Thái Lan.
Trong tổng cố 44 đội tuyển TTVN tham dự SEA Games 30, môn chủ lực điền kinh đã giành nhiều huy chương nhất và đứng vị trí nhất toàn đoàn với 16 HCV, 12 HCB, 10 HCĐ.
Nước mắt hạnh phúc của VĐV Nguyễn Thị Oanh sau khi giành nhiều HCV nhất cho điền kinh Việt Nam.
Nổi bật nhất là tuyển thủ Nguyễn Thị Oanh giành đến 3 HCV cá nhân ở các nội dung 1.500m, 3.000m vượt chướng ngại vật và 5.000m. Tiếp đó, bà mẹ một con Nguyễn Thị Huyền giành 2 HCV nội dung chạy 400m và 400m rào rất ngoạn mục sau thời gian dài nghỉ ngơi sinh nở.
Các VĐV khác cũng thi đấu ấn tượng như Tú Chinh, Dương Văn Thái, Đinh Thị Bích, Trần Nhật Hoàng, Phạm Thị Lệ… đều thống trị các cự ly sở trường của mình.
Sau thành tích lớn của điền kinh, đội tuyển bơi Việt Nam cũng tạo dấu ấn đậm nét với 11 HCV, 7 HCB, 9 HCĐ. Riêng mỗi kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên đã giành 6 HCV, 2 HCB và trở thành VĐV giành nhiều huy chương nhất của đại hội. Nam kình ngư Nguyễn Huy Hoàng vẫn giữ phong độ thi đấu xuất sắc, trong lúc tay bơi trẻ 16 tuổi Trần Hưng Nguyên đang nổi lên như một hiện tượng khi giành 2 HCV ở cự ly 200m và 400m hỗn hợp.
Hai ngày sau khi tuyển nữ Việt Nam vô địch SEA Games 30...
... đến lượt thầy trò Park Hang-seo lên ngôi cao nhất ở môn thể thao vua.
Trong khi đó, đội tuyển vật Việt Nam tái xuất ở SEA Games 30 không gây nhiều bất ngờ khi thi đấu 14 hạng cân thì các đô vật đã giành đến 12 HCV và 2 HCB. Đây cũng là một thành tích lớn trong quy hoạch “mỏ vàng” của TTVN.
Ở môn thể thao vua, lần đầu tiên hai đội tuyển bóng đá nam, nữ đều vô địch SEA Games 30. Đây là lần đầu tiên sau 60 năm, bóng đá Việt Nam mới đăng quang ở đấu trường này và ghi công rất lớn tài năng của thầy trò Park Hang-seo.
Còn tính từ ngôi á quân SEA Games 1995 đến nay, các đội tuyển Việt Nam lần thứ 6 vào đến chung kết mới đăng quang. Trong khi đó, tuyển nữ Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Mai Đức Chung có lần thứ 6 vô địch SEA Games.
Ban tổ chức SEA Games 30 đã trao giải thưởng nữ VĐV xuất sắc nhất cho kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên của Việt Nam. Giải thưởng nam VĐV xuất sắc nhất SEA Games 30 thuộc về kình ngư Zheng Wen của Singapore cũng với thành tích 6 HCV và 2 HCB.
Tú Chinh xuất sắc giành HCV cự ly 100 mét nữ.
Nam VĐV Roger Casogay của nước chủ nhà Philippines nhận giải thưởng Fair Play sau khi từ bỏ cơ hội giành HCV để cứu một VĐV trong cuộc thi lướt ván.
Trong buổi lễ bế mạc, Trưởng ban Tổ chức SEA Games 30 - Alan Cayetano đã gửi lời cảm ơn đến các VĐV và tình nguyện viên. Chủ tịch Ủy ban Olympic Philippines Abraham Tolentino gửi lời chào mừng kỳ SEA Games 31 tiếp theo tại Việt Nam vào năm 2021.
Nước chủ nhà Việt Nam của sự kiện thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á vào năm 2021 cũng có màn biểu diễn nghệ thuật giới thiệu về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam đến với bạn bè khu vực tại Lễ nhận cờ đăng cai. Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện nhận cờ đăng cai SEA Games 31 từ Chủ tịch Ủy ban Olympic Philippines, chính thức đánh dấu việc Việt Nam sẽ trở thành chủ nhà của kỳ SEA Games vào năm 2021.
SEA Games 31 sẽ diễn ra vào cuối năm 2021 tại Hà Nội và một số địa phương lân cận. Đây cũng là lần thứ hai Việt Nam đăng cai SEA Games, lần đầu là vào năm 2003.
Một số gương mặt vàng nổi bật của TTVN tại kỳ SEA Games 30:
Chân chạy Đinh Thị Bích vô địch nội dung 800 mét nữ.
Dương Văn Thái không có đối thủ ở đường chạy 800 mét và 1.500 mét.
Phạm Thị Huệ và Hồng Lệ đoạt cả hai ngôi nhất, nhì trên đường chạy vượt chướng ngại vật cam go 10.000 mét.
Nguyễn Thị Huyền vẫn giữ dáng vóc gọn gàng sau khi sinh em bé cùng phong độ rất ấn tượng với hai chức vô địch 400 mét và 400 mét rào.
Nguyễn Thị Oanh ba lần rạng rỡ trên bục nhận huy chương cao nhất.
Đô vật Nguyễn Văn Công (phải) cùng đồng đội mang về đến 12 HCV, 2 HCV trong tổng số 14 nội dung.
Nụ cười chiến thắng của nữ hoàng tốc độ Tú Chinh.