TS Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông): Mỗi năm, Cục Báo chí tiếp nhận và xử lý trên dưới 300 đơn thư khiếu nại liên quan đến nội dung thông tin báo chí.
Một số cơ quan báo chí cũng đã bày tỏ ý kiến về sự cần thiết phải có những quy định luật pháp rõ ràng liên quan tới cả hai việc: Bảo vệ quyền lợi cá nhân, tổ chức được định danh trên báo, quy định trách nhiệm của những bên liên quan; bảo vệ cho chính nhà báo, không để xảy ra tình trạng nhà báo bị các cá nhân, tổ chức lợi dụng, đe dọa quyền tự do báo chí.
(Hội thảo về chống xúc phạm danh dự, uy tín cá nhân và tổ chức trên báo chí, Hà Nội, 10-3-2010)
Không ít “sao” lợi dụng truyền thông để tung hê đời tư của mình tạo scandal theo cách hở hang, “gây sốc”, kể về những mối tình vụng trộm, kể cả việc quan hệ đồng tính, sống xa hoa, không chồng mà vẫn có con… Điểm lại thực tế vừa qua, các “sao” đã có nhiều độc chiêu dùng báo chí để lăng xê không kém Tam thập lục kế theo Binh pháp Tôn tử.
Tiên hạ thủ vi cường
Không cần nhờ vả ai, các “sao” chủ động ra tay. Chiêu đơn giản, phổ biến, mục đích chỉ cần tạo càng nhiều dư luận càng tốt, bất cần khen hay chê, đó là việc tự đưa hình ảnh sex của mình lên mạng để “mời” báo tham gia “bình loạn”.
Năm 2005, báo chí đầy rẫy những bài bình về ảnh sex của người mẫu La Ngọc Duy mà anh chính là người tự tìm đến báo chí để cung cấp thông tin.
Nếu người mẫu Đinh Ngọc Diệp, Thái Hà, Chung Thục Quyên khoe nội y thì người mẫu Ngọc Oanh, ca sĩ Thủy Tiên, cầu thủ Công Vinh cởi áo phô toàn thân trên. Ca sĩ Lê Kiều Như, Duyên Anh thì trần trụi hoàn toàn trên mạng… Dù bị dư luận báo chí chê trách là phi đạo đức, phi nghệ thuật, hay khen tặng có thân hình đẹp gợi cảm,… loại “sao” kiểu này cũng gặt hái được điều mình mong muốn: Được nhiều người chú ý.
Ỡm ờ “em chả”
Chiêu này kín đáo, tế nhị hơn nhưng mục đích cũng tương tự như chiêu trước và hiệu quả thậm chí còn thu hút sự chú ý tò mò nhiều hơn. Đó là chuyện bỗng dưng thông tin, hình ảnh sex ỡm ờ của các “sao” bị ai đó làm lọt ra trên mạng như diễn viên Tăng Thanh Hà, á hậu Trang Nhung… bị lộ ảnh sex. Thủy Top, Yến Trang… bị rơi vai áo, lộ ngực khi biểu diễn.
Khi những thông tin về lộ ảnh sex đã trở nên “xoàng” thì râm ran những tin bài “nghi vấn” lộ clip sex trong giới giải trí. Gần đây nhất là “nghi vấn” lộ clip sex của diễn viên kịch Thanh Vân. Trước đó thì rộ lên nghi vấn lộ clip sex và trang phục nội y của diễn viên-ca sĩ Minh Hằng hay một vài cô ca sĩ, người mẫu, MC tầm tầm khác.
Biến rồng thành phượng
Khi công chúng chán chuyện “lộ hàng”, ca sĩ, người mẫu, hoa hậu, diễn viên giở trò công khai những thông tin về đời tư. Hiền Thục, Phương Thanh trả lời phỏng vấn báo chí về việc sinh con, nuôi con một mình sau nhiều năm bí mật. Lập tức, hàng loạt “sao” khác ăn theo công khai việc sinh con, nuôi con mà chưa đám cưới. Mới nhất có người mẫu Kim Cương, diễn viên-ca sĩ Minh Thư, hay ca sĩ Thái Thùy Linh… trước đó.
Luật không quy định rạch ròi nên bí mật đời tư của các “sao” cũng được bảo vệ nghiêm ngặt như bí mật đời tư của người thường. Vậy chẳng lẽ “sao” tiết lộ cái gì thì báo chí mới được đăng cái đó? |
Ngư ông đắc lợi
Một thời dư luận ầm ĩ về những hình ảnh và đoạn phim phòng the của ca sĩ Nguyễn Hồng Nhung được đưa lên mạng Internet. Có người ngây thơ giận dữ lên án kẻ vi phạm đời tư, phát tán hình ảnh riêng tư người khác. Người theo đạo đức truyền thống thì bức xúc với những hành vi tình dục quá mới lạ của các nạn nhân và kêu gào đạo đức suy đồi.
Những kẻ phát tán băng hình đã bị pháp luật xử lý. Nhưng các nạn nhân trong trường hợp này đều có lợi. Được nổi tiếng hơn, đắt show hơn.
Với các chiêu đã nói, báo chí khen cũng dính, chê cũng rơi vào quỹ đạo của “sao”.
Tất nhiên, nói rằng truyền thông mắc bẫy chỉ là một cách nói tương đối. Trong thực tế, không ít tờ báo nhăm nhăm khai thác những chuyện rẻ tiền mà các “sao” tung ra, tiếp tay cho “sao” nhào nặn nên một kiểu thị hiếu lệch lạc, gây ô nhiễm môi trường giáo dục thanh thiếu niên. Hiện tượng này rất đáng phân tích. Nhưng trước hết, không lửa thì sao có khói? Và khi khói độc xuất hiện thì cần những biện pháp gì để ngăn chặn?
Trong những bài kế tiếp, chúng tôi sẽ giới thiệu ý kiến các chuyên gia luật, tâm lý, xã hội và báo chí để góp phần làm rõ thêm quan hệ xã hội giữa truyền thông và nghệ sĩ và vấn đề bí mật đời tư.
Bí mật đời tư nào bất khả xâm phạm? Vụ ca sĩ Hồ Ngọc Hà đang khiếu nại báo Pháp Luật và Cuộc sốngvề bài báo “Sự thật về đám cưới Hồ Ngọc Hà năm 16 tuổi”không chỉ đơn thuần là vụ tranh chấp dân sự giữa công dân với cơ quan báo chí. Đây sẽ là một tiền lệ ràng buộc về đưa tin liên quan đời tư của những người nổi tiếng trên mặt báo. Ai cũng biết đã là người nổi tiếng (người của công chúng) thì bất cứ thông tin gì liên quan đến họ công chúng cũng quan tâm theo dõi. Từ một buổi xuất hiện trên truyền hình, trên báo chí, từ một mối quan hệ với người khác giới hoặc đồng giới, từ một ca khúc, bộ phim mà họ đang quay, ngay cả những việc họ làm trong một ngày bình thường như thế nào… tất tần tật đều là thông tin mà báo chí cần đưa tới công chúng của báo chí và của cả “ngôi sao” đó. Những thông tin này nếu là của người thường thì chẳng ai muốn xem. Thế nhưng luật dân sự của nước ta lại không phân biệt giữa người thường với người của công chúng. Việc bảo vệ bí mật đời tư của người nổi tiếng cũng y như người thường. Luật dân sự lại trói quyền bí mật đời tư rất chặt. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý..., trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Như vậy, người nổi tiếng có quyền công khai bất cứ bí mật đời tư nào của mình mà mình muốn đưa lên mặt báo cho báo chí đăng tải, còn có chuẩn xác hay không, có bịa đặt để tự lăng xê mình hay không thì không thể nào biết hết được. Trong khi nhiệm vụ của báo chí là phải thông tin trung thực cho độc giả. Nếu dựa theo Điều 4 Luật Báo chí thì “sao” phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin của mình, thế nhưng chưa có “sao” nào bị phạt vì cung cấp thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục cả. LÊ ĐÌNH |
TÂM KHANH