Bộ GD&ĐT vừa gửi Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội báo cáo công tác tuyển sinh ĐH và tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022. Trong đó có nhiều phân tích đáng chú ý về kết quả tuyển sinh năm nay.
Theo báo cáo này, năm nay, Bộ GD&ĐT đã đưa ra một số thay đổi trong kỹ thuật xét tuyển ĐH. Cụ thể, thí sinh (TS) đăng ký xét tuyển vào ĐH-CĐ sau khi đã thi có và có kết quả tốt nghiệp THPT.
Hơn nữa, TS đăng ký nguyện vọng xét tuyển của tất cả phương thức xét tuyển vào hệ thống phần mềm hỗ trợ tuyển sinh chung trên hệ thống (cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT hoặc cổng dịch vụ công quốc gia). Trong đó bao gồm cả các nguyện vọng đăng ký xét tuyển sớm đã được trường ĐH thông báo đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT).
Do đó, các trường ĐH tổ chức xét tuyển sớm phải tải danh sách TS đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) lên hệ thống để xử lý nguyện vọng chung giúp TS trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng đã đăng ký và đủ điều kiện trúng tuyển.
Việc thanh toán lệ phí của TS cũng hoàn toàn bằng trực tuyến. Sau khi có thông báo về kết quả xét tuyển đợt 1, TS phải xác nhận nhập học lên hệ thống thì mới được xem là đã trúng tuyển. Việc xác nhận này đã hoàn tất vào ngày 30-9.
35% TS trúng tuyển sớm không đăng ký lại trên hệ thống
Từ những thay đổi này, Bộ GD&ĐT đánh giá rằng kỳ tuyển sinh năm 2022 rất thành công, có những kết quả đúng như kỳ vọng.
Nhờ đó, tỉ lệ TS ảo giảm hẳn, các trường tuyển sát hơn với chỉ tiêu. TS được bảo đảm quyền lựa chọn trường, chọn ngành và cơ hội trúng tuyển lớn nhất. Các trường ĐH được bảo đảm cạnh tranh một cách bình đẳng và minh bạch.
Số liệu đáng chú ý được Bộ GD&ĐT đưa ra là số TS nữ trúng tuyển chiếm 55% trong khi số TS nam chỉ là 45%. Số TS nữ xác nhận nhập học cũng cao hơn nam khi ở mức 56%.
Theo Bộ GD&ĐT, từ năm nay, với những dữ liệu đầy đủ, chính xác và minh bạch về tuyển sinh, nhập học của cả hệ thống sẽ hỗ trợ, bộ có thể phân tích phục vụ xây dựng, điều chỉnh chính sách, kiểm tra và giám sát tốt hơn.
Bên cạnh đó, một phân tích đáng chú ý của Bộ GD&ĐT là khi kết thúc đợt 1, trong số những em đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm, chỉ 35% đăng ký nguyện vọng 1, đồng thời có 30% em không đăng ký nguyện vọng 1 vào phương thức xét tuyển sớm. Điều này nghĩa là những em này đặt nguyện vọng 1 và các nguyện vọng cao hơn vào phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT 2022, nhưng không đỗ.
Đặc biệt, khi bắt đầu xét tuyển đợt 1, có tới 35% thí sinh tuy đã đăng ký xét tuyển sớm và được trường ĐH thông báo đủ điều kiện trúng tuyển nhưng không đăng ký các nguyện vọng xét tuyển sớm vào hệ thống. Điều đó cho thấy các em trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm nhưng lại hoàn toàn không muốn vào các ngành mà mình đã được công bố trúng tuyển sớm.
Ngoài ra, theo Bộ GD&ĐT, chỉ có 28% TS trúng tuyển thẳng (được các giải học sinh giỏi quốc gia, giải thưởng cuộc thi khoa học kỹ thuật…) xác nhận nhập học ngay. Nghĩa là có 72% TS đã trúng tuyển thẳng đã không dùng quyền được tuyển thẳng, mà tiếp tục lựa chọn đăng ký xét tuyển.
Trung bình số nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển so với số nguyện vọng đạt (số TS trúng tuyển) sau khi xử lý nguyện vọng (lọc ảo) là 2,22 lần. Trong đó, có những cơ sở đào tạo có tỷ lệ ảo gấp gần sáu lần (như Khoa Y dược, ĐH Đà Nẵng). Chỉ có các trường thuộc khối ngành công an, quân đội do chỉ xét tuyển nguyện vọng 1 nên không gặp phải hiện tượng ảo như các cơ sở đào tạo khác.
Thí sinh trúng tuyển nhập học tại các trường đại học ở TP.HCM năm 2022. Ảnh: NTCC |
Sẽ loại bỏ phương thức xét tuyển không hiệu quả
Từ những thay đổi này, Bộ GD&ĐT dự kiến công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo về cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2022, đồng thời tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh của các CSĐT và hỗ trợ tốt hơn cho các TS trong quá tình xét tuyển.
Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo và thực hiện nâng cấp và bổ sung thêm chức năng cần thiết khác của phần mềm, nâng cấp đường truyền Hệ thống, tăng cường các giải pháp để kiểm tra các thông tin thí sinh nhập lên hệ thống nhằm giảm thiểu sai sót, nhầm lẫn có tính logic.
Bộ GD&ĐT chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở đào tạo rà soát các phương thức xét tuyển hiệu quả, loại bỏ (không sử dụng) các phương thức không phù hợp, không hiệu quả, không đủ cơ sở khoa học, có thể gây nhiễu Hệ thống cũng như khó khăn, vướng mắc cho thí sinh.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT rà soát, cân nhắc để hoàn thiện quy trình tuyển sinh, trong đó có thể xem xét khuyến cáo các CSĐT không thực hiện việc xét tuyển sớm như năm 2022, mà tất cả các phương thức xét tuyển được tổ chức cùng thời điểm với đợt xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT – tuyển sinh đợt 1
Ngoài ra, từ năm 2023, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ áp dụng chính sách giảm điểm ưu tiên đối tượng và khu vực đối với thí sinh có kết quả điểm xét tuyển cao (từ 22,5 điểm trở lên khi quy đổi theo thang điểm 10 và tổng điểm 3 môn) nhằm đảm bảo sự công bằng và khắc phục tình trạng có TS đạt kết quả điểm xét tuyển là 30 điểm nhưng vẫn không trúng tuyển ĐH, CĐ.
TS trúng tuyển nhiều nhất ở xét điểm thi tốt nghiệp THPT
Năm 2022, tổng chỉ tiêu của các trường ĐH và của trường CĐ ngành giáo dục mầm non là hơn 585.000 TS.
Số TS đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT là hơn một triệu em. Số TS đăng ký xét tuyển vào ĐH, cao đẳng là 642.270 em, chiếm 64,07% số đăng ký dự thi.
Số nguyện vọng đăng ký xét tuyển là hơn ba triệu. Trung bình mỗi em đăng ký 4,78 nguyện vọng.
Qua quá trình xử lý nguyện vọng, đã có 567.000 TS được xác định trúng tuyển. Tổng số TS được xét trúng tuyển đợt 1 là 567.399 em (trong đó 3.580 em trúng tuyển cao đẳng sư phạm mẫu giáo), đạt 97,03% chỉ tiêu.
Số lượng TS xác nhận nhập học đạt 464.000, đạt trên 82% so với số TS trúng tuyển.
Đặc biệt, có tới 75% số trường ĐH có tỷ lệ nhập học vượt 80%, trong khi chỉ có 6% số trường ĐH có tỷ lệ nhập học dưới 50%.
Trong đó, số TS trúng tuyển cao nhất ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT với 51,16%, xét học bạ là 41.86%, ở các phương thức khác là gần 7%.