Những kỷ niệm với nhà văn Triệu Xuân của Giấy trắng, Cõi mê…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

3 người thầy Nguyễn Duy-Hoài Anh-Triệu Xuân

Ba anh có ba cá tính rất khác nhau và phong cách cũng khác nhau.

Nhà thơ Nguyễn Duy chuyên thể loại thơ lục bát mà anh gọi là thơ 6-8 với những bài thơ được đưa vào sách giáo khoa mà tôi cẩn thận chép sổ tay và chép tặng những người bạn gái yêu thơ từ thời học sinh đến đại học như: Tre Việt Nam, Ánh trăng, Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, Đò Lèn, Sông Thao...

Những kỷ niệm với nhà văn Triệu Xuân của Giấy trắng, Cõi mê… ảnh 1

Nhà văn Triệu Xuân và nhà thơ Hoài Anh. Ảnh: NT

Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi “bạo gan” xin vào báo Văn Nghệ tập tành con chữ nhưng chủ yếu là viết chân dung văn học. Tôi viết về những vị thầy, những nhà văn, nhà thơ… mà tôi yêu thích.

Chính nhà thơ Nguyễn Duy (Trưởng đại diện báo Văn Nghệ tại miền Nam) là người bắc cầu cho tôi đến với con đường văn nghệ mà từ khi ngồi ghế nhà trường tôi đã nghe các Thầy thường nói: “Lập thân tối hạ thị văn chương” (Lập thân hèn nhất ấy văn chương) của Viên Mai nhưng tôi vẫn muốn thử sức.

Nhà thơ Hoài Anh là người đa tài, ông sáng tác đủ thể loại từ Thơ, Tiểu thuyết lịch sử, truyện ngắn, kịch, phê bình văn học và dịch thơ... từ Đuốc lá dừa, bộ sách Tuyển tập 16 truyện lịch sử… đến Chân dung văn học…

Ông lặng lẽ viết, tận hiến từng con chữ trên cánh đồng văn học. Đồng nghiệp gọi ông là “từ điển sống”. May mắn gặp ông được ông xem là người bạn vong niên, người học trò nhỏ như tôi hạnh phúc vô cùng.

Người viết cùng nhà văn Triệu Xuân trong một lần sinh hoạt của nhóm Văn chương Hồn Việt. 

Nhà văn Triệu Xuân tôi biết được từ sự quen thân cùng nhà thơ Hoài Anh tôi mới có dịp gặp trực tiếp làm việc cùng anh. Cũng như nhà thơ Nguyễn Duy và nhà thơ Hoài Anh, nhà văn Triệu Xuân rất trân trọng những cây bút trẻ.

Tôi được anh giao việc đọc bản bông sửa mo-rát những tập thơ, tiểu thuyết, văn học dịch… để kiếm thêm thu nhập vì khi ấy tôi làm báo Văn Nghệ rất khó khăn về lương bổng.

Khi giao lại bản thảo anh lật từng trang, cẩn thận, tỉ mỉ chi li gạch chân dưới những câu sai ngữ pháp, lô-gic… để chỉ tôi. Anh chỉn chu từng con chữ vì chính anh là “bà đỡ” bản thảo văn học cho nhiều cây bút trẻ đã và chưa thành danh, vì khi ấy anh là Trưởng đại diện Nhà xuất bản Văn học tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Anh chỉ bảo ân cần, nhẹ nhàng như người thầy truyền thụ kinh nghiệm biên tập sách mà nhất là sách văn học cần có kiến thức nền vững vàng, nói chung là phải có bản lĩnh biên tập mới cảm thụ được phong cách của từng nhà văn, nhà thơ…

Nhà văn Triệu Xuân (áo trắng) cùng anh chị em văn nghệ trong dịp kỷ niệm 5 năm ngày mất nhà thơ Hoài Anh.

Ngoài tôi nhà văn Triệu Xuân cũng trân trọng tiếp nhận các cây bút trẻ thử việc và làm việc. Những ngày mới vào Sài Gòn lập nghiệp, Tiến sĩ, nhà phê bình văn học Phạm Ngọc Hiền qua giới thiệu của tôi đã được nhà văn Triệu Xuân nhận vào làm biên tập.

Trên trang cá nhân, ngày 17-2-2020 nhà phê bình Phạm Ngọc Hiền đã viết: “Tới nhà anh Triệu Xuân nhận sách tặng (Sống và viết) và tặng lại sách (Đời thực và mơ). Cách đây 12 năm, khi mới vào Sài Gòn, mình có cộng tác biên tập ở NXB Văn học (do Triệu Xuân làm trưởng Chi nhánh). Nhờ vậy, mình cũng biết chút ít kỹ năng biên tập. Cuốn sách đầu tiên tham gia biên tập là truyện kiếm hiệp Bạch ngọc lão hổ (Cổ Long)".

Khi xong việc cứ đúng 11 giờ 30 anh tắt đèn, đóng cửa bảo tôi đến quán 81 trò chuyện cùng nhà thơ Hoài Anh. Hầu như tuần nào chúng tôi cũng ít nhất năm ba hôm lại gặp nhau ở quán 81 Trần Quốc Thảo – một địa chỉ của giới văn nghệ một thời của Sài Gòn lúc bấy giờ.

Anh bảo: “Em được anh Hoài Anh nhận làm “đệ tử” là phúc lắm đấy. Phải cố học và học cho bằng được những gì có thể từ ông. Vì ông là “từ điển sống” nên khi gần ông nên học hỏi rồi ghi chép vào sổ tay cất giữ như nguồn tư liệu rất có giá trị cho nghề viết về sau của em”.

Một số tác phẩm của nhà văn Triệu Xuân. 

Chính những tư liệu từ nhà thơ Hoài Anh, nhà văn Triệu Xuân đã tích lũy để đưa vào trang viết. Nhà văn Triệu Xuân cũng đã lập hẳn trang văn học trieuxuan.info như một thư viện của cả nền văn học Việt Nam cũng như tác giả và văn học thế giới.

Anh kể, bản thảo Những người mở đất năm 1980 có công rất lớn của nhà thơ Hoài Anh. Gần gũi, chân tình nên khi nhà thơ Hoài Anh ra mắt 16 cuốn tiểu thuyết lịch sử, nhà văn Triệu Xuân viết Lời tựa “đã tổng kết về ông với bảy cái khôngkhông thích nói về mình, không xe cộ (suốt đời cuốc bộ), không bao giờ ăn mặc bảnh bao, không nhà đất, không danh hiệu, chức vị, không xu nịnh, cơ hội, không chung chiếu với những kẻ phi nhân cách!

Tôi từng nghe Thu Bồn thốt lên: “Ông Hoài Anh ơi! Ông tài nhưng kín đáo quá xá! Về tôi, thơ phú thế nào, tiểu thuyết ra sao, bạn bè, bồ bịch nhiều ít, cái gì ông cũng biết. Vậy mà, về đời tư của ông, tôi mù tịt, cạy răng ông cũng không nói!”. Hoài Anh không thích nói về mình, nhưng ông đã nói về, viết về ít nhất hơn một ngàn nhà văn, và viết khá kỹ khoảng hai trăm nhà văn! Làm được điều đó, ông đã đọc rất nhiều tác phẩm của đồng nghiệp. Không phải nhà văn nào cũng đọc nhiều như thế!”.

Người viết đến thăm nhà văn Triệu Xuân ngày 28-6-2019 khi ông mắc bệnh ung thư phổi và được nhà văn tặng sách. Đây cũng là lần trò chuyện cuối cùng với anh. (Ảnh do chị Lê Hạnh vợ nhà văn Triệu Xuân chụp tại nhà riêng trên đường Hồ Biểu Chánh).

Từ Giấy trắng đến Cõi mê

Nhà văn Triệu Xuân tặng tôi những cuốn truyện dài, tiểu thuyết như: Những người mở đất, Trả giá, Bụi đời, Sóng lừng… nhưng tôi thích nhất là Giấy trắngCõi mê.

Từ những năm đầu thập kỷ Tám mươi của thế kỷ 20, Triệu Xuân là một trong số không nhiều nhà văn đã lao vào những vấn đề nóng bỏng nhất của xã hội, trực diện phê phán những mặt trái của hiện thực xã hội, nhất là một bộ phận cán bộ thoái hóa, biến chất, đồng lõa, tiếp tay cho bọn tội phạm… Trong đó có tiểu thuyết Giấy trắng được NXB Văn học tái bản lần thứ Mười (6-2007). Tính đến nay, Giấy trắng đã được in hơn một trăm ngàn bản! 

Anh tâm sự: “Trong tiểu thuyết Giấy trắng, tôi phê phán những mặt lỗi thời của cơ chế quan liêu hành chính bao cấp và ca ngợi những mầm mống mới, những người lao động (chân tay và trí óc), có tâm huyết, có tài năng mong muốn đưa đất nước, dân tộc này ngang tầm với những nước phát triển trên thế giới. 

Tôi viết Giấy trắng năm 1983, tôi phanh phui, lên án những người khư khư giữ lấy cơ chế chính sách lỗi thời đã trở thành phản tiến bộ, làm cho dân nghèo nước mạt… Tôi viết mà không sợ bị qui chụp”. 

Riêng tiểu thuyết Cõi mê (đã tái bản lần thứ 6), nhà thơ Hoài Anh nhận định: “Tiểu thuyết Cõi mê: hiện thực sâu sắc, đầy lòng nhân ái: “Nếu tôi không lầm thì Cõi mê của nhà văn Triệu Xuân là cuốn tiểu thuyết gia đình đầu tiên của Việt Nam không chỉ viết về năm thế hệ của một gia đình sống chung một nhà, mà còn viết về bốn thế hệ của một gia đình khác - gia đình ông Hoàng - từ đó khái quát được dòng tiến triển của cả dân tộc trong hơn một trăm năm, từ khi thực dân Pháp xâm lược đến ngày nay. Nếu như trong các tiểu thuyết gia đình nước ngoài câu chuyện diễn tiến trong cùng một chế độ xã hội, thì trong Cõi mê, các nhân vật đã trải qua sáu chế độ xã hội…”.

Năm 2007, nhóm Văn chương Hồn Việt do nhà văn Triệu Xuân sáng lập và làm Chủ tịch đã tổ chức sinh nhật 70 tuổi cho nhà thơ Hoài Anh tại Biên Hòa, Đồng Nai. Nhà thơ Hoài Anh xúc động ghi nhận tình cảm bạn bè văn chương, ông nói: “70 tuổi lần đầu tiên tôi mới được tổ chức sinh nhật. Cảm ơn Triệu Xuân và các bạn”. Nghe xong ai cũng ngậm ngùi nhưng hạnh phúc vì đã làm việc ý nghĩa tri ân nhà thơ Hoài Anh.

Ấn phẩm Văn chương Ngày nay của nhóm Văn chương Hồn Việt do nhà văn Triệu Xuân sáng lập.

Nhóm Văn chương Hồn Việt của nhà văn Triệu Xuân đã tổ chức những cuộc hội thảo văn học rất ý nghĩa về nhà thơ Thu Bồn, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhà văn Lê Văn Thảo… Ngoài ra nhóm còn xuất bản ấn phẩm Văn chương Ngày nay rất có giá trị cho văn học ngày nay.

Xứng đáng nhận Giải thưởng Nhà nước

Trong cuộc sống không phải lúc nào cũng là chuyện vui đôi khi cũng có nỗi buồn để cùng sống chậm, nhìn nhận lại tình cảm bạn bè, tình văn chương.

Nhà văn Triệu Xuân từng gọi cho tôi hơn 10 phút tâm sự và cũng để giải bày những khúc tất “tình bạn” giữa anh và nhà thơ Hoài Anh. Mà thật lạ, tôi cố gặng hỏi: “Vì sao anh (nhà thơ Hoài Anh-NT) lại “giận” anh Triệu Xuân” nhưng tuyệt nhiên ông không nói.

Chỉ khi nghe tôi giải thích chuyện nhà văn Triệu Xuân đã gọi kể về những hiểu nhầm do nhà thơ Hoài Anh lãng tai không nghe rõ chuyện nhà văn Triệu Xuân trích 5 triệu đồng của anh từ nhuận bút bộ sách Tuyển tập truyện lịch sử cho Quỹ Phát triển Tài năng Văn học mà nhà thơ Hoài Anh đã đồng ý trước đó. Sau khi tôi tâm sự, ông hết giận bảo tôi: “Em hẹn Triệu Xuân trưa nay ra 81 nhé”.

Năm 2011, nhà thơ Hoài Anh bệnh nặng, nhà văn Triệu Xuân đã kêu gọi, vận động số tiền để cùng gia đình lo thuốc men cho ông. Tuy nhiên sau bảy ngày nằm viện nhà thơ Hoài Anh qua đời ngày 24-3-2011 tại bệnh viện Nguyễn Trãi. Lúc đó nhà văn Triệu Xuân đang cùng vợ có chuyến hành hương về quê hương nhà bác học Lê Quý Đôn. Được biết, chị Lê Hạnh là cháu nhiều đời của nhà bác học Lê Quý Đôn. Tuy nhiên nhà văn Triệu Xuân đã gọi gửi gắm đến bạn bè trong nhóm Văn chương Hồn Việt và anh em nhà văn chung tay lo chu đáo đám tang nhà thơ Hoài Anh.

Khi hai con trai nhà thơ Hoài Anh gọi hỏi chú Triệu Xuân viết gì cho bia mộ ba cháu. Nhà văn Triệu Xuân sau đó đã gửi hai câu đối:“Nhân hậu, đa tài, bình dị/ Đam mê sáng tạo trọn đời” được khắc ghi trên bia mộ nhà thơ Hoài Anh. Nhân  100 ngày mất nhà thơ Hoài Anh, tôi sưu tầm những bài viết gửi nhà văn Triệu Xuân biên soạn cuốn “Hoài Anh và đồng nghiệp” (NXB Văn học, 2011) để tri ân những đóng góp của nhà thơ Hoài Anh.

Năm 2007, nhóm Văn chương Hồn Việt do nhà văn Triệu Xuân sáng lập và làm Chủ tịch đã tổ chức sinh nhật 70 tuổi cho nhà thơ Hoài Anh tại Biên Hòa, Đồng Nai. 

Khi tôi đang viết những dòng chữ này thay cho nén tâm hương về nhà văn Triệu Xuân thì 13 giờ chiều nay (27-10-2021 tức 22 tháng 9 năm Tân Sửu) là anh vĩnh viễn rời xa cõi tạm. Anh sẽ về với nhà thơ Hoài Anh - người anh mà sinh thời anh rất quý trọng tài năng lẫn nhân cách.

Xin mượn những câu thơ Hoài Anh khắc họa Triệu Xuân thay cho tình bạn, tình văn chương của hai anh: “Nổi chìm dòng xoáy văn chương/ Lòng như giấy trắng không vương bụi đời/ Đến cùng trả giá cuộc chơi/ Cõi mê đánh thức bao người trầm luân/ Sóng lừng còn triệu mùa xuân/ Góp công mở đất dấn thân chiến trường” (Những chữ in nghiêng là tên tác phẩm của nhà văn Triệu Xuân).

Vậy đó, bao tình cảm, bao kỷ niệm giữa những bậc đàn anh, những người thầy trong đời tôi đã lặng lẽ ra đi nhưng những gì họ đã tận hiến, đã để lại lao động chữ nghĩa bằng những trang sách vô cùng quý giá sẽ còn mãi với bạn đọc với thời gian…

Với những đóng góp cho nền văn học nước nhà, tôi thiết tha đề nghị tặng Giải thưởng Nhà nước cho nhà thơ Hoài Anh và nhà văn Triệu Xuân.

Nhà văn Triệu Xuân

Những kỷ niệm với nhà văn Triệu Xuân của Giấy trắng, Cõi mê… ảnh 10

Nhà văn Triệu Xuân tên khai sinh là Triệu Xuân Điến, sinh ngày 4-9-1952, mất ngày 26-10-2021 hưởng thọ 70 tuổi. Ông sinh tại An Đức, Ninh Giang, Hải Dương. Ngoài bút danh Triệu Xuân, ông còn có một số bút danh khác: Triệu Minh, Minh Đức, Triệu Minh Đức. Ông là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ 1986.

Nhà văn Triệu Xuân là tác giả của nhiều tiểu thuyết được bạn đọc yêu mến như: Giấy trắng, Nổi chìm trong dòng xoáy, Trả giá (giải thưởng văn học giai đoạn 1986 - 1990 của Hội Nhà văn Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), Sóng lừng, Bụi đời, Đâu là lời phán xét cuối cùng, Cõi mê… 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm