Để giữ những đội bóng đấy, đích thân bầu Kiên dùng mối quan hệ để xin tiền “bơm” cho một đội bóng sống hết mùa giải rồi thuyết phục các ông bầu ở lại ít nhất mùa bóng này. Có thể hiểu là một chuyến cập bến an toàn của VPF ở mùa đầu tổ chức giải.
Bây giờ thì số phận của hai đội bóng bầu Kiên đang bị đe dọa và đứng trước nguy cơ giải thể. LĐBĐ VN bắn tiếng sẽ trợ giúp các cầu thủ ở hai đội bóng Hà Nội và Trẻ Hà Nội nhưng trợ giúp bằng cách nào thì chính họ vẫn chưa thể có chương trình hành động cụ thể.
Tìm người “ôm” hai đội bóng của bầu Kiên ở mùa bóng mới là một câu hỏi khó trong tình cảnh có quá nhiều ông bầu muốn dừng cuộc chơi hoặc ốc không mang nổi mình ốc. Nó khác hẳn với cách đây ít nhất hai mùa bóng, các doanh nghiệp, ông bầu có tiền là có ngay đội bóng nhưng mục đích của họ đến với bóng đá lại là những phần ngoài bóng đá.
Ngay cả cái tổ chức VPF mới khai sinh chưa tròn năm cũng đối diện với cảnh đìu hiu và thiếu thốn khi cánh tay đắc lực nhất đã không còn, dù ai cũng nói là chẳng ảnh hưởng gì. Ví như 50 tỉ đồng của hội đồng bảo trợ do bầu Kiên kêu gọi sau khi giành thương quyền truyền hình vẫn chưa thấy đâu. Ngoài ra là những phần việc của bầu Kiên ở VPF giao lại cho Tổng Giám đốc Phạm Ngọc Viễn nhưng thực chất ông Viễn chỉ thạo việc điều hành giải và cái quan trọng nhất là cỗ máy chạy bằng “nhiên liệu” gì thì quả là một gánh nặng cho ông.
Việc lập hội đồng bảo trợ để các doanh nghiệp bạn bè bầu Kiên tham gia và hứa sẽ đổ tiền tỉ cho bóng đá Việt Nam xem như đã gãy sau khi bầu Kiên bị bắt. Ảnh: QUANG THẮNG
Bầu Kiên từng đi vận động Sacombank “bơm” tiền tài trợ để CLB TP.HCM sống trọn mùa bóng 2012. Ảnh: HẠNH PHÚC
Sự ảnh hưởng lớn nhất sắp tới của VPF còn là việc LĐBĐ VN sẽ đánh giá lại tổ chức này sau một mùa giải và đặc biệt “xem lại vai trò của các ông bầu VPF” như lời ông chủ tịch LĐBĐ VN gần đây thường nghe phản biện “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Bóng đá Việt Nam lâu nay cứ hay nghĩ về hai từ chuyên nghiệp là gắn liền với tiền từ túi các ông bầu và trong thời kinh tế khủng hoảng này, sự phụ thuộc ấy ngày càng lộ rõ bất cập về nền móng cơ bản qua việc đào tạo trẻ.
Rất hiếm hoi những ông bầu nhảy vào bóng đá quan tâm đến việc xây dựng cái nền cầu thủ trẻ như kiểu bầu Đức “nuôi gà chọi” bằng Học viện HA Gia Lai - Arsenal. Họ sẵn sàng đốt cháy giai đoạn với kiểu vung tiền “bắt” cầu thủ giỏi của nhau rồi kích thích bằng những khoản lương, thưởng phá giá nhau để lấy thành tích rồi cho rằng đấy là bóng đá chuyên nghiệp.
Cầu thủ thì hầu như chỉ nghĩ đến tiền với các phần lương, lót tay hậu hĩnh và rất khó tìm ra một đội bóng có bản sắc hay niềm tự hào truyền thống kiểu của Cảng Sài Gòn, Thể Công, SL Nghệ An trước đây.
Không chỉ có hai đội bóng của bầu Kiên có nguy cơ không nơi nương tựa mà còn hàng loạt các đội khác, thậm chí từ vùng kinh tế sôi động như TP.HCM vẫn đang lưỡng lự với việc nên đổ tiền vào cái túi bóng đá không đáy hay dừng cuộc chơi.
Đấy được xem là hiệu ứng domino từ cách làm bóng đá “có tiền là có chuyên nghiệp”.
VPF là đơn vị tổ chức giải V-League đã ký kết với những nhà làm bóng đá Nhật để hướng bóng đá Việt Nam đi theo con đường chuyên nghiệp như người Nhật. Tuy nhiên, VPF đến nay vẫn chưa tính đến khả năng mùa bóng mới sẽ còn bao nhiêu đội. Trong khi đó thì các lãnh đạo chủ chốt của LĐBĐ VN đã lo ngại mùa tới rất nhiều đội sẽ bỏ cuộc chơi do các ông bầu không kham nổi số tiền lớn hằng năm và tiền chi cho cầu thủ cứ bị đội giá lẫn làm giá từ nhiều nguồn. Bóng đá Việt Nam đang đứng trước nguy cơ “bong bóng vỡ” bởi gánh nặng tài chính mà các ông bầu đang đuối dần khi tham gia vào lĩnh vực bóng đá… |
CÔNG TUẤN