Ba tình yêu lớn ấy thành dành hẳn ra ba phần: Những ngày vắng em gồm 24 bài; Thưa thốt cội cành, 15 bài và 19 bài với “Gửi miền đất qua”. 58 bài thơ anh trình làng sau khi vượt qua cơn thập tử nhất sinh (anh mổ tim vào năm 2008) để tri ân bạn đọc gần xa đã giúp anh trong những ngày nằm ở Chợ Rẫy. Phần 1, anh dành hẳn phần nhiều để ghi nhớ về người vợ đã cùng anh vượt qua những ngày nằm viện vừa chăm sóc chồng vừa chăm hai con ăn học rất chi có nghĩa có tình: “hãy yêu anh như mẹ/ hãy yêu anh như chị/ và hãy yêu anh như tấm lòng em đã nghĩ về anh” (Những ngày vắng em). “Em” ở đây cũng có thể là bóng hồng của thi nhân khi nguồn cảm hứng làm chất liệu cho thơ nâng lên thành một tình yêu đẹp. Lẽ dĩ nhiên khi anh dùng hai câu: “trong vòng xoáy khuya khoắc tử sinh/ âm vị bài ca truyền hơi ngân dài” (Người bạn đường) làm đề từ cho phần 1, hẳn bạn đọc có khó hiểu lắm chăng.
Một câu thơ theo tôi là hay nhất trong phần một và cũng là toàn tập thơ 58 bài “quê hương trong lòng mỗi người đâu cần chen lấn” (Người bạn đường). Tuyệt lắm Thành à.
"nói một câu tan trong trời đất/ hay tan vào êm ái gió khuya"
Phần 2 chút lắng đọng cùng tấm lòng của người con xa xứ từ “Cua sông cá bể chim đầm/ mà nghèo vẫn cứ bám thân sóng dài” (Tam Giang) nơi anh đã sinh thành. Và cũng chính nơi ấy sản sinh ra một người con biết “mần” thơ ca ngợi quê hương của đất thần kinh. Đức Phật có dạy, khéo cúng dường cha mẹ chính là cúng dường Phật. Ngài là bậc đại hiếu cho ngàn đời noi theo. Đức Khổng Phu tử cũng dạy, trong các tội thì tội bất hiếu đứng hàng đầu. Làm con ghi nhớ công ơn cha mẹ không bằng tiền bạc của cải đầy nhà mà biết làm cha mẹ “nở mày nở mặt”. Tôi biết Thành là người con như thế. Anh từng tâm sự với tôi, hễ đăng báo bài thơ nào anh cũng dành mua một tờ gởi về phá Tam Giang để Ba Mạ xem. Vậy nên: “Mấy khi rót được chén trà/ Để nhìn lên phía vai cha hao gầy!/ Nửa đời chợt tỉnh cơn say/ Chén trà khói mỏng rót đầy con dâng” (Dâng trà). Với Mạ bằng “Lời thưa”: “Chén trà dâng mẹ chiều mưa/ bay đến cổng chùa chưa ngưng/ Thương con ngọn khói lưng chừng/ Biết vì sao cũng rưng rưng quê người!”. Đến bài “Bà về với sông” cũng mang nặng tình cháu nhớ về bà khi: “Tám mươi tuổi hóa dòng sông/ Bà đi thanh thản như không gọi đò/ Ánh mắt đã khép âu lo/ Tay buông chiều vẫn nắm hờ cháu con… Dẫu là một chuyến sông trôi/ Khuya nay nước mắt đằm nơi sóng tràn”. Theo tôi bài thơ này nếu được nên đưa vào sách giáo khoa giảng dạy cho học sinh tiểu học.
Nhà thơ Ngọc Khương, Phan Trung Thành, Lê Hưng Tiến cùng Đồng Chuông Tử (từ trái sang) tại Ngày thơ VN lần 6-2008- Ảnh Nguyễn Tý
Phần 3 là những địa danh mà Phan Trung Thành đã đi qua với bao kỷ niệm, dầu ở nơi đó là Phước Long, Bình Phước hay bến Ninh Kiều ở Cần Thơ, cho đến Đà Lạt, Hà Nội, Quảng Ngãi hay ở tận cùng tổ quốc Cà Mau… trong anh vẫn dành tình yêu cho Huế chiếm số nhiều.
“Những ngày vắng em” do NXB Hội Nhà văn ấn hành 2010 là chút tri ân mà Phan Trung Thành cảm ơn đời khi anh còn sống để mần thơ. PLO xin trích năm bài thơ để bạn đọc cùng thưởng thức nhân Ngày thơ Việt Nam.
RIÊNG EM
Nửa đời làm gió bạt xứ người
nhận ra mình hoang vu góc phố
nơi niềm vui không dài thêm nữa
nỗi buồn đọng giữa đêm rơi
Ngôi sao lạc cắt đường tên đêm
đóm lửa tàn mùa đông bắc cực
không thể sống bên nhau chân thật
thì quay về năm tháng chông chênh
Điều không thể là không thể nào em
xa nhau được và lẽ nào lại thế
em băng qua nửa kia dâu bể
một nửa này một nửa riêng em.
QUÊ GIÓ
Gió đi rời vườn thổi cong
Bay hoang tàn lá vàng không chạm đầy
ngồi xanh tuổi muộn hóa cây
quê lành chiếc bánh đa này vỡ tôi
Miếu không hương khói rạc rời
một rẻo mây bạc ngang trời thanh minh
trèo cây đu bóng là mình
xác thân vào gốc rễ tình dám leo?
Sang ao lụa đổi ngang bèo
thơ buồn thấu đáy còn eo nửa dòng
gió đi, úp mặt vào sông
gió đi có ngả mình không hở mình!
TAM GIANG
Mặt Trường Sơn lưng biển Đông
chị em ba nhánh hợp dòng Tam Giang
Cua sông cá bể chim đầm
mà nghèo vẫn cứ bám thân sóng dài
Mấy mùa bão rớt lụt rơi
quán mưa cửa khép đò rời rã xa
Đi là tung mẽ chài ra
có khi bội quả mà ta vẫn buồn
Vạn chài giỗ tổ trên sông
khom lưng mà lạy ròng ròng nước trôi
Phan Trung Thành qua sáu lần đã đọc thơ tại Ngày thơ VN - Ảnh N.Tý
NHẮN CÙNG HỒ GƯƠM
Loanh quanh mấy lượt vòng hồ
ngồi cỏ, nhường ghế đá cho nhân tình
nguyện cầu mặt nước thêm xanh
sóng thôi lỡ nhịp chúng mình ngày xưa…
Hồ Gươm đầu trận gió mùa
nhắn em khóa máy sa mưa dọc ngày?
đốt nhang Tháp Bút khói cay
cầu cho em được bến đầy cỏ hoa
Bao người đi dạo quanh hồ
còn ta ngồi vớt lá khô úa màu
lá nhìn đôi lứa yêu nhau
lặnh yên như sóng gật đầu lăn tăn!
Tháp Rùa đính một con tem
Thăng Long gửi lá thư tình Hồ Gươm
chụp hình với gốc bằng lăng
hoa như giấy mỏng kết bằng thiên thâu
5-2007
CẢM NHẬN DỌC SÔNG
(Tặng Nhân)
Sóng như những gã lang thang sông Hậu
bám mũi thuyền mưa đi dọc xanh
chầm chậm và mắc cạn
trên những luống cày hình bóng chúng ta…
Lá vú sữa chưa phai màu đất
trổ hoa thơm đền thờ họ Phan *
ông mài mực bóng đêm hòa bóng nước
dìu câu thơ thức với giang sơn!
Tôi níu một trái bần qua thốt nốt
thuyền máy đánh chìm đuôi mắt ướt
một trái mãng cầu chín trên cây
chưa chịu rời cành chưa chịu ai?
Thì vớt dùm ta khúc kèo nèo trong suốt
ở đi mà thương khúc Cần Thơ…
8.7.2005
(đền thờ Nhà thơ – Chí sỹ Phan Văn Trị ở huyện Phong Điền – Thành phố Cần Thơ)
Khai bút đầu Xuân 2010
NGUYỄN TÝ