Họ chính là đội ngũ bảo mẫu, cấp dưỡng, … những người bên cạnh thầy cô giáo, vẫn ngày ngày chăm lo bữa ăn, giấc ngủ của học trò. Thế nhưng họ đã không ngừng nỗ lực bằng ý chí và lòng yêu nghề để được âm thầm cống hiến sức mình cho giáo dục.
Đảng viên là… bảo mẫu
Suốt 17 năm làm bảo mẫu, với 12 năm lao động tiên tiến, hai năm chiến sĩ thi đua cấp quận, năm 2006, cô vinh dự bước vào hàng ngũ của Đảng. Đó là những danh hiệu và thành tích đáng tự hào của cô bảo mẫu hiền hòa nhưng đầy nghị lực Nguyễn Thị Hoa Phượng, Trường Tiểu học Minh Đạo, quận 5. Nhìn tính cách hoạt bát, nụ cười ấm áp của cô, không ai nghĩ cô đã 47 tuổi. Hiện cô được chuyển sang quản lý thư viện kiêm bảo mẫu.
“Mình thích làm bảo mẫu lắm. Giờ làm quản lí thư viện nhưng thỉnh thoảng mình vẫn làm bảo mẫu thay cho người nào nghỉ. Nhiều em quen rồi, cứ giờ ra chơi lại chạy xuống thư viện để được nói chuyện với cô hoặc được cô chỉ học bài” - cô chia sẻ.
Khi biết mình được vào Đảng, cô vẫn không tin nổi, “mình hạnh phúc lắm vì không nghĩ một bảo mẫu như mình cũng được đứng vào hàng ngũ của Đảng, công sức của mình lâu nay cũng được công nhận” - cô Phượng kể lại trong niềm hạnh phúc.
Cô khoe năm 2002, khi nhà trường tổ chức các cuộc thi làm báo tường, thời trang, tổ bảo mẫu đều được giải nhất. Lúc đó cả trường vô cùng ngạc nhiên vì thấy bảo mẫu cũng không hề thua kém ai từ công việc đến các hoạt động. Đó cũng là động lực để bảo mẫu vượt qua khó khăn và dần được coi trọng hơn.
Ngoài nấu ăn, cấp dưỡng còn đi dự giờ các lớp để có thay đổi cho phù hợp. Trong ảnh: Trong khi đi dự giờ, “bà bếp” Thanh Loan thấy các cháu ăn ngon là vui lắm rồi. Ảnh: PHẠM ANH
Cô bảo mẫu không muốn nghỉ hưu
“Được chăm sóc cho trẻ là cuộc sống của tôi. Chắc tôi sẽ rất buồn nếu không có chúng. Chỉ cần còn sức khỏe, tôi sẽ tiếp tục làm bảo mẫu để chăm sóc các cháu” - đó là tâm tư của cô bảo mẫu Thanh Y, công tác tại Trường Mầm non Tuổi Thơ 7, quận 3. Năm nay cô đã 58 tuổi và có thâm niên 32 năm làm bảo mẫu. Do không có gia đình riêng, niềm an ủi và động lực lớn nhất của cô là được gần gũi với trẻ nhỏ trong trường mầm non này.
Khi nghĩ về những kỷ niệm quãng thời gian dài chăm bẵm từng thế hệ trẻ mầm non, cô lại không cầm được nước mắt: “Chúng nó ngây thơ lắm, lúc nào cũng sà vào lòng cô để được vỗ về. Chúng bị cô giáo la, giận bạn hay có chuyện gì vui cũng sà vào cô bảo mẫu. Nhiều khi cô chỉ nói: “Sao con hư quá, cô không thương nữa” thế là nó đứng khóc ngon lành. Thấy cô mệt, chúng nó chạy lại hôn lên má cô cho cô hết mệt. Thấy cô nghỉ một ngày là hôm sau chúng chạy đến hỏi: “Cô bệnh hả cô, cô đi khám bác sĩ chưa, ai chở cô đi? Trước khi về các cháu cũng chạy lại ôm cô rồi mới về”.
Có nhiều phụ huynh, ngoài giờ ở trường còn đưa bé đến tận nhà cô bảo mẫu để bé chơi và được cô chăm sóc. Với cô, chỉ cần thương trẻ bằng trái tim người mẹ thì sẽ có cách vượt qua khó khăn trong công việc vì lo một lần cho hàng chục đứa trẻ là việc không dễ dàng. Và “trừ khi nhà trường không cho làm nữa chứ mình còn sức khỏe là còn tiếp tục ở lại trường làm bảo mẫu chăm sóc các cháu” - cô tâm sự.
Họ xứng đáng được ngành và xã hội tôn vinh nhưng… Đội ngũ gián tiếp như bảo mẫu, cấp dưỡng… là lực lượng không thể thiếu trong nhà trường. Không có họ, nhà trường không thể làm tốt công tác giáo dục. Mặc dù không đứng lớp nhưng họ trực tiếp chăm sóc, hỗ trợ giáo viên giáo dục các em nên người. Công lao đó rất xứng đáng được ngành và xã hội tôn vinh. Tuy nhiên, đây là vấn đề lâu nay ngành giáo dục chưa làm được vì đội ngũ này không có chức danh, chưa có định biên nên chịu nhiều thiệt thòi trong cùng môi trường sư phạm. Hơn nữa, ngành cũng không có kinh phí để hỗ trợ riêng, chủ yếu động viên về tinh thần, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn thông qua hỗ trợ từ bên ngoài. Đồng thời, ngành cũng rất mong các trường cố gắng, cùng với sự giúp đỡ của phụ huynh chăm lo cho đội ngũ này để họ có điều kiện cống hiến cho giáo dục. Bà TRẦN THỊ KIM THANH, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Đang từng ngày đóng góp thầm lặng cho giáo dục nhưng đội ngũ này dường như bị “lãng quên” mỗi khi đến ngày 20-11. Là người từng có 15 năm làm giáo viên mầm non và 13 năm làm cấp dưỡng, cô Phạm Thị Thanh Loan, Trường Mầm non 11, Tân Bình, hiểu hơn ai hết nỗi niềm về ngày Nhà giáo của đội ngũ gián tiếp trong trường. Vì hoàn cảnh gia đình, cô không thể tiếp tục làm giáo viên mầm non một thời gian. Khi quay lại với nghề giáo, thấy mình không còn phù hợp với sự đổi mới của giáo dục nhưng vẫn muốn tiếp tục gắn bó với trường lớp và được chăm sóc các cháu nhỏ nên cô xin vào làm cấp dưỡng. Cô tâm sự, khi còn làm giáo viên, cứ đến ngày Nhà giáo là vui lắm. Phụ huynh, học sinh tặng hoa cho thầy cô nhộn nhịp hẳn lên và cô thấy mình thật hạnh phúc vì được tôn vinh. Giờ vào làm cấp dưỡng, đến ngày này ai thương thì cho chai nước mắm, bịch xà bông, còn không thì chẳng ai biết đến mình. Phải mất một thời gian dài cô mới quen được không khí ngày Nhà giáo trong trường. “Mình phải vì các cháu nhỏ để tiếp tục làm việc, riết rồi cũng quen!” - cô Thanh Loan nói. |
PHẠM ANH