Hai tuần sau khi bị hành khách đuổi đánh ở sân bay, anh Ngô Đức Hưng, nhân viên hãng hàng không Vietjet vẫn không hiểu nổi vì sao nữ hành khách đó lại hành xử như vậy.
Anh Hưng kể, chuyến bay VJ 8687 từ Hà Nội đi TP HCM dự định cất cánh lúc 22h ngày 29/9. Lúc hơn 21h, tại cửa ra tàu bay số 15, anh Hưng thấy một khách nữ mang theo hành lý cồng kềnh, nên đã yêu cầu cân lại. Tuy nhiên, vị này không đồng ý và cũng không muốn ký gửi hàng, tỏ thái độ bất hợp tác. Anh Hưng đã thông báo từ chối vận chuyển vị khách.
“Ngay sau khi tôi thông báo hành khách sẽ không được lên máy bay thì chị ấy giật áo tôi, đuổi theo tôi từ cửa ra tàu bay số 15 đến khu vực soi chiếu an ninh hàng không, xé rách áo của tôi”, anh Hưng kể lại.
Sự việc chỉ dừng lại khi an ninh sân bay tới lập biên bản, áp giải nữ hành khách bàn giao cho Cảng vụ Hàng không miền Bắc. Tại đây, nữ hành khách đã bị phạt số tiền 7,5 triệu đồng.
Vị hành khách hung hãn như trên không phải là hy hữu. Trước đó, trên chuyến bay của hãng Vietjet Air từ TP HCM đi Bangkok ngày 5/5/2014, hành khách tên Quỳnh mang theo hành lý quá cước, khi bị nhắc nhở đã thoá mạ nhân viên hãng và gào thét đòi lên máy bay.
Được “nhân nhượng” cho lên máy bay, phụ nữ này để hành lý quá cước sai vị trí. Bị nhắc nhở, bà Quỳnh lại thoá mạ nhân viên của hãng khiến lực lượng an ninh cụm cảng phải can thiệp, đưa hành khách trở lại sân bay Tân Sơn Nhất.
Hãng hàng không Vietnam Airlines cũng gặp tình huống tương tự. Ngày 23/9, hành khách tên Trung đi chuyến bay VN172 tại sân bay Đà Nẵng có biểu hiện say xỉn, lăng mạ nhân viên hãng và nhân viên an ninh tại cửa ra máy bay. Xác định người đàn ông đang trong tình trạng không đủ điều kiện lên máy bay, nhân viên an ninh đã làm thủ tục xuống máy bay cho khách.
Cùng ngày, tại sân bay Cam Ranh, hành khách tên Hiệu đi chuyến bay VN1560 có hành vi gây rối với nhân viên an ninh tại cửa an ninh soi chiếu, nên bị bộ phận an ninh lập biên bản. Chuyến bay đã bị chậm 40 phút.
Môt số chuyến bay bị chậm do hành khách gây rối, không chấp hành quy định hàng không. Ảnh minh họa:Đ.Loan. |
Đại diện một hãng hàng không cho biết, nhân viên tại quầy làm thủ tục thường xuyên bị hành khách ném bình hoa vào đầu, đến nỗi hãng này không dám đặt bình hoa ở quầy. Mới đây, một nữ nhân viên tại quầy thủ tục Tân Sơn Nhất đã bị hành khách đe dọa cho côn đồ đánh “dằn mặt” khi khách tới trễ và không được lên máy bay.
Nhiều khách vi phạm các quy định về an toàn bay không phải do thiếu hiểu biết hoặc do lần đầu đi máy bay mà cố tình vi phạm, như giấu hành lý quá khổ, quá cân, cố tình bỏ qua khuyến cáo an toàn bay như không tắt điện thoại khi máy bay cất, hạ cánh. Mới đây, một nữ hành khách sử dụng điện thoại trên máy bay đã bị Vietnam Airlines cấm bay 4 tháng.
Bên cạnh những người cố tình vi phạm quy định hàng không, nhiều khách phạm lỗi từ thói quen thiếu văn minh. Chuyến bay VN270 từ TP HCM đi Thanh Hóa ngày 22/7 vừa đáp xuống sân bay Thọ Xuân thì một hành khách 61 tuổi đã tự ý mở cửa thoát hiểm để xuống. Vị khách cho biết, lần đầu đi máy bay, thấy có cánh cửa nên mở để xuống cho nhanh.
Một hành khách cũng bất ngờ mở cửa thoát hiểm khiến phao trượt bung ra trên chuyến bay của Vietnam Airlines từ Vinh đi TP HCM ngày 25/8. Trong bản tường trình, vị này giải thích, mọi người đang xếp hàng rời máy bay thì nghe thấy người già kêu mở thêm cửa.
Hãng hàng không cho biết, khi máy bay bung phao trượt, chi phí cho việc thuê cuộn lại phao, đóng lại cửa thoát hiểm lên đến 10.000 USD, chưa kể thiệt hại do phải dùng máy bay khác để tiếp tục đường bay.
Cục Hàng không cho biết, 7 tháng đầu năm xảy ra 171 vụ vi phạm an ninh hàng không, tăng 82% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, sự cố do hành khách tung tin có bom tăng đột biến với 7 vụ, tăng 7 lần so với năm trước. Số khách mang vũ khí, công cụ hỗ trợ sai quy định, gây rối, đe dọa nhân viên hàng không cũng tăng gấp đôi năm ngoái, chủ yếu trên các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam.
Theo Đoàn Loan/VNE
* Tên một số hành khách đã được thay đổi.