Cùng PLO điểm qua những phong tục, tập quán trở thành nét văn hóa rất riêng của người Việt mỗi dịp tết đến xuân về.
Thăm mộ tổ tiên
Khi con cái tề tựu đông đủ trong gia đình sẽ cùng nhau đi thăm mộ tổ tiên và quét dọn khu mộ. Đến đây mọi người sẽ cùng nhau dâng hương hoa quả để cúng và mời vong linh của ông bà tổ tiên về ăn tết cùng con cháu.
Thời điểm diễn ra vào dịp cuối năm thường từ mùng 8 tháng Chạp đến ngày 30 tháng Chạp.
Ngày 23 tháng Chạp hằng năm, các gia đình Việt Nam thường có phong tục cúng ông Táo. Theo sự tích xưa vào ngày này ông Táo sẽ cưỡi cá chép lên chầu trời, báo cáo với Ngọc Hoàng hoạt động năm qua ở dưới hạ giới. Ngoài ra, ông Táo còn đại diện cho sự ấm no của gia đình thông qua căn bếp.
Để đảm bảo việc ông Táo lên chầu được đúng giờ các gia đình thường dọn dẹp bếp núc, nhà cửa sạch sẽ và thả cá chép xuống sông để Táo quân cưỡi lên thiên đình.
Chợ tết bày bán nhiều của ngon vật lạ, sản phẩm, hàng hóa đặc trưng tết. Phiên chợ tết ngập tràn sắc hoa đủ màu sắc nhưng hoa không thể thiếu trong mỗi gia đình chính là hoa mai, hoa đào hoặc quất cảnh.
Không khí chợ tết lúc nào cũng đông vui, sôi nổi không chỉ là nơi mua sắm chuẩn bị cho những ngày tết mà là nơi giao lưu gặp gỡ của người thân bạn bè để cùng nhau thưởng thức niềm vui với bao cảm xúc chộn rộn mỗi dịp tết đến.
Tết cổ truyền Việt Nam không thể thiếu bánh chưng, bánh giầy ngày tết. Mọi người quây quần cùng nhau gói bánh và luộc bánh.
Trong tiết trời lạnh mùa đông từng thành viên đều ngồi bên cạnh bếp lửa chờ đợi bánh chín để thắp hương tổ tiển, cũng như chia sẻ, trò chuyện công việc, gia đình, học tập trong một năm qua tạo không gian gần gũi, thân mật.
Mâm ngũ quả
Tết đến xuân về trên bàn thờ mọi gia đình đều được bày biện mâm ngũ quả đẹp mắt cúng gia tiên. Ngũ quả còn được xem như biểu tượng cho thành quả sau một năm lao động miệt mài của những người nông dân.
Những sản vật kết tinh từ mồ hôi, công sức của những người dân lao động chắt chiu qua những vụ mùa. Để đến khi xuân sang nắng ấm, lựa dịp tốt lành mà thành kính dâng lên ông bà tổ tiên.
Gọi là ngũ quả nhưng thật ra, việc lựa chọn và bày biện những loại quả gì trên mâm tùy thuộc vào từng địa phương với những đặc thù về khí hậu, sản vật và quan niệm văn hóa riêng.
Từ đó, người ta chọn ra những loại quả mang ý nghĩa tâm linh, tinh thần để “thiết kế” nên mâm ngũ quả.
Các cụ ta quan niệm: Mỗi năm Thiên Đình lại thay toàn bộ quan quân trông nom thiên hạ dưới hạ giới, đứng đầu là một ngài có vị trí như quan toàn quyền. Và các cụ hình dung phút giao thừa là lúc bàn giao các quan quân quản hạ giới hết hạn kéo về trời và quan quân mới được cử thì ào ạt kéo xuống hạ giới tiếp quản thiên hạ.
Những phút ấy, các gia đình đưa xôi gà, bánh trái, hoa quả… ra ngoài trời cúng, với lòng thành tiễn đưa người nhà trời cai quản mình năm cũ và đón người nhà trời mới xuống làm nhiệm vụ cai quản hạ giới năm tới để mong các quan phù hộ cho một năm mới mọi sự tốt lành.
Mỗi dịp tết đến các gia đình thường chuẩn bị các giỏ quà để đi chúc tết nhằm thể hiện sự biết ơn, lòng tôn kính và mối thân tình. Tuy nhiên, không nên quá làm dụng quà tết sẽ mất đi ý nghĩa tốt đẹp vốn có của nó.
Tình cảm phải xuất phát từ tấm lòng, những ngày tết chỉ cần câu chúc, quây quần bên mâm cơm, ly rượu thơm nồng, cái ôm thân thiết, cái năm tay siết chặt đã cảm thấy ấm nồng, tất cả những điều đó thể hiện rất rõ nét vẻ đẹp văn hóa của phong tục trong ngày tết truyền thống Việt Nam.
Xuất hành là lần đi ra khỏi nhà đầu tiên trong năm mới. Người ta tin rằng hướng đi này sẽ có ảnh hưởng tới tương lai của mỗi người trong năm sắp tới.
Cho nên theo tuổi tác của mình, mỗi người xem sách lịch do những nhà bói toán viết ra để chọn hướng đi và giờ bắt đầu cho thích hợp. Ngày nay phong tục này không còn được nhiều người làm theo.
Hy vọng các bạn sẽ biết biết thêm được các phong tục Việt Nam trong dịp tết Nguyên đán truyền thống diễn ra vào đầu năm, tính theo lịch âm của người Việt.