Theo tờ Global Post, tại một số quốc gia, thời tiết lạnh giá và kinh tế suy thoái là hai trong số những nguyên nhân chủ yếu khiến số người nghiện rượu tăng mạnh.
Trong danh sách 9 nước tiêu thụ lượng rượu lớn nhất trên thế giới thì phần đông là các quốc gia thuộc khối Liên Xô cũ.
Uống rượu trở thành thói quen hàng ngày của người dân Séc |
Cộng hòa Séc: 13 lít/người/năm
Số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy tại Séc, tỷ lệ dân số mắc bệnh nghiện rượu và không uống rượu là ngang nhau (2,6%).
Phần lớn người dân Séc coi uống rượu là hoạt động hàng ngày. Tuy nhiên, đôi khi họ cũng hay quá chén. Trung bình trong 30 ngày, 38,9% người dân Séc lại có một cuộc chè chén say sưa và đàn ông chiếm hơn một nửa trong tỷ lệ này.
Slovakia: 13 lít/người/năm
16,3% người dân Slovakia không đụng tới một giọt rượu nào trong đời. Trong khi đó, 5,5% dân số mắc căn bệnh nghiện rượu và 28,6% thường xuyên chè chén. Slovakia còn là một trong những quốc gia sản xuất nhiều loại rượu hoa quả nhất thế giới từ quả lê, mận, táo, anh đào và mơ.
Hungary: 13,3 lít/người/năm
Cứ trong vòng 30 ngày, 1/4 người dân Hungary lại tham gia chè chén say sưa. Trong đó, tỷ lệ nghiện rượu lên tới 9,4%.
Andorra: 13,8 lít/người/năm
Andorra, tên đầy đủ là Thân vương quốc Andorra là quốc gia trong lục địa nhỏ phía tây nam châu Âu, nằm ở phía đông dãy Pyrenees, tiếp giáp với Tây Ban Nha và Pháp. Andorra thực sự là một nơi tuyệt vời cho những người đam mê uống rượu. Trung bình mỗi ngày, một người dân Andorra tiêu thụ hết 42,1 gram rượu.
Ukraine: 13,9 lít/người/năm
Ukraine là một trong những quốc gia bán bia và rượu rẻ nhất trên thế giới. Chỉ với 4,5 USD, bạn đã có thể mua được một chai rượu hạng trung tại quốc gia này. Tỷ lệ người nghiện rượu tại Ukraine là 2,2% và 22,6% người dân thích “không say không về”.
Chính phủ Nga thắt chặt lượng rượu tiêu thụ trong người dân |
Nga: 15,1 lít/người/năm
Chính quyền Nga đang cố gắng kiểm soát lượng rượu tiêu thụ trong người dân. Năm 2011, Liên bang Nga đã sửa đổi bổ sung luật thắt chặt hoạt động mua bán và tiếp thụ mặt hàng rượu cũng như gia tăng hình phạt đối với những đối tượng cung cấp rượu cho trẻ vị thành niên.
Cảnh sát Nga còn tổ chức triệt phá các đường dây sản xuất và buôn lậu rượu. Ngay cả công dân Nga cũng bị hạn chế số lượng rượu mua.
Trong đó, 19,1% người dân Nga thích chè chén say sưa và 9,3% mắc bệnh nghiện rượu. Những người nghiện rượu tiêu thụ 48,3 gram rượu mỗi ngày.
Lithuania: 15,4 lít/người/năm
Số người kiêng uống rượu suốt đời tại Lithuania chiếm tới 16,8%. Tuy nhiên, với những người thích uống rượu, họ tiêu thụ hết 51 gram/ngày. Đây chính là lý do khiến gần 50% số vụ tai nạn giao thông tại Lithuania xuất phát từ hành vi uống rượu say.
Moldova: 16,8 lít/người/năm
Cứ trung bình trong vòng 30 ngày, gần 1/2 nam giới Moldova lại thường xuyên quá chén. Trong khi đó, 32,2% người dân nước này không đụng tới một giọt rượu.
Mặc dù, Tổ chức Y tế thế giới khảo sát chỉ 3,3% dân số Moldova sống nhờ năng lượng rượu. Song, thuật ngữ “nghiện rượu” lại hoàn toàn phụ thuộc vào cách hiểu của mỗi người. Bởi Moldova là một trong những quốc gia kém hạnh phúc nhất trên thế giới và nhiều người uống hết 55,1 gram rượu/ngày để quên đi nỗi sầu. Giá của một chia rượu hạng trung tại Moldova là khoảng 2,97 USD.
Belarus: 17,5 lít/người/năm
Điều đặc biệt quan ngại là lượng rượu tiêu thụ mỗi năm của người dân Belarus thường xuyên tăng đều. 7% người dân Belarus với hơn 20% là nam giới mắc căn bệnh nghiện rượu. Ngoài ra, gần 50% nam giới nước này thừa nhận họ thường xuyên chè chén. Do đó, hơn 1/2 số vụ tai nạn giao thông tại Belarus đều xuất phát từ rượu.
Theo Minh Thu (Infonet, lược dịch)