Những sai phạm đất đai ở thị trấn Lim: Dân kêu oan cho quan

(PLO)- Hơn 100 hộ dân đã kêu oan cho các bị cáo cựu lãnh đạo UBND thị trấn Lim, những người đã chấp nhận yêu cầu trích lại 10% đất sạch và đổi đất nông nghiệp thành đất ở cho dân...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 27-4, TAND huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh) xét xử 4 bị cáo, nguyên là lãnh đạo, cán bộ thị trấn Lim về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ.

Phiên tòa dự kiến kéo dài 2 ngày. Các bị cáo bị đưa ra xét xử gồm Nguyễn Trọng Hoàng (cựu Chủ tịch UBND thị trấn Lim), Nguyễn Hữu Nhuệ (cựu Chủ tịch UBND thị trấn Lim), Bạch Công Thưởng (cựu Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lim) và Bạch Trung Tín (cựu cán bộ địa chính UBND thị trấn Lim).

Trước khi tòa mở, hơn 100 hộ dân có đơn kêu oan cho 4 bị cáo. Đây là các hộ dân có đất bị thu hồi và đã được các bị cáo là cựu lãnh đạo thị trấn Lim cam kết trích lại 10% đất sạch tại Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu nhà ở để đấu giá quyền sử dụng đất tại thị trấn Lim, huyện Tiên Du (dự án khu Cầu Chiêu – Bãi Lán, còn gọi là dự án 5,2 ha).

Đơn thư của các hộ dân cho rằng thỏa thuận bồi thường trích lại 10% đất sạch là chỉ đạo của UBND huyện Tiên Du và các bị cáo ở UBND thị trấn Lim chỉ có trách nhiệm thực hiện.

Theo cáo buộc, năm 2005, UBND tỉnh Bắc Ninh đồng ý chủ trương Dự án 5,2 ha nói trên. Quá trình triển khai dự án, trong khoảng thời gian từ năm 2008-2018, một số cán bộ công chức UBND thị trấn Lim, có sai phạm trong việc thực hiện dự án. Các sai phạm về đất đai bao gồm việc thỏa thuận trích lại 10% đất sạch và hoán đổi đất nông nghiệp thành đất ở với các hộ dân.

Cụ thể, tháng 11-2009, Nguyễn Trọng Hoàng nhận chức Chủ tịch UBND thị trấn Lim, tiếp nhận đại diện Chủ đầu tư dự án sau khi người tiền nhiệm nghỉ hưu.

Trước đó, dự án đã có Quyết định thu hồi và giao đất của UBND tỉnh. Theo đó, sẽ thu hồi 5,2 ha để xây dựng hạ tầng sau đó tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định hiện hành.

Nhưng khi thông báo đến các hộ dân thì bị phản đối. Các hộ dân không đồng ý mức giá bồi thường, hỗ trợ, đề nghị bồi thường giá cao hơn, cấp đất cho người dân chứ không đấu giá quyền sử dụng đất. Họ cũng không nhận tiền đền bù, không giao đất. Vì vậy dự án không triển khai được.

Đến thời Nguyễn Trọng Hoàng làm Chủ tịch, bị cáo tiếp tục triển khai dự án.

Năm 2011, UBND huyện Tiên Du đã phê duyệt phương án bồi thường, tổng giá trị hơn 6,5 tỉ đồng. Phương án bồi thường này vẫn bị người dân phản đối. Người dân đề nghị trích lại 10% đất sạch cho họ và chỉ người dân địa phương được tham gia đấu giá nội bộ dự án.

Nguyễn Trọng Hoàng đã chấp nhận yêu cầu của người dân. Sau đó, người dân nhận bồi thường, giao đất thực hiện dự án. Riêng 2 hộ ông Nguyễn Thế Pha, Nguyễn Hữu Dụng bị thu hồi hơn 5.800m2 (tổng giá trị bồi thường là 1,1 tỉ đồng) không đồng ý giao đất mà yêu cầu được trích lại đất ở.

Tuy nhiên, khi bị cáo có văn bản gửi cơ quan có thẩm quyền tỉnh Bắc Ninh và huyện Tiên Du đề nghị cho phép đấu thầu hạn chế thì Sở TN&MT Bắc Ninh có công văn trả lời phải đấu giá rộng rãi cho mọi đối tượng theo quy định.

Quá trình triển khai dự án, bị cáo Hoàng đã không thực hiện đúng văn bản của Sở TN&MT cũng như chỉ đạo của UBND huyện Tiên Du.

Bị cáo chỉ đạo 2 Phó Chủ tịch là Bạch Công Thưởng, Nguyễn Hữu Nhuệ, Bạch Trung Tín thỏa thuận với 2 hộ ông Pha, ông Dụng, hoán đổi đất nông nghiệp bằng đất ở tại dự án 5,2ha.

Tháng 10-2014, bị cáo Hoàng bị UBND huyện Tiên Du kỷ luật cách chức, Nguyễn Hữu Nhuệ được phân công phụ trách, điều hành UBND thị trấn Lim. Tiếp nhận chủ đầu tư dự án, bị cáo tiếp tục thực hiện trái quy định, cho duyệt lại danh sách đăng ký đấu giá nội bộ tại dự án.

Ngày 7-12-2015, Nguyễn Hữu Nhuệ ký thông báo về việc hộ dân có đất 10% tại dự án tự thỏa thuận ghép lô với nhau, diện tích mỗi lô từ 80-100m2.

Năm 2017, hạ tầng dự án cơ bản hoàn thành, bị cáo Nhuệ có nhiều văn bản báo cáo UBND huyện Tiên Du đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh cho đấu giá toàn bộ khu đất cho một tổ chức kinh tế để bán lại cho các hộ dân đã được xét duyệt theo giá quy định của tỉnh.

Các văn bản này đều không được phúc đáp, trả lời.

Tháng 11-2017, UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành quyết định phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá 88 lô đất thuộc dự án 5,2ha.

Lúc này, bị cáo Nhuệ đã cho ông Pha, ông Dụng chọn 6 lô đất tại dự án.

Để giải quyết vấn đề, bị cáo Nhuệ đã có công văn đề nghị UBND huyện Tiên Du không đưa ra đấu giá 14 lô đất trong đó có các lô đất của ông Pha, ông Dụng với lý do "các hộ dân lấn chiếm chưa giải quyết được''.

Đến nay, ông Pha đã tiến hành xây dựng công trình trên các lô đất và kinh doanh, sinh sống. Ông Dụng thì quây hàng rào các lô đất và trồng rau. Hai hộ dân này không đồng ý nhận lại số tiền 1,1 tỉ đồng mà yêu cầu được cấp sổ đỏ cho 6 lô đất.

Về việc hơn 100 hộ dân liên tục có đơn thư kiến nghị yêu cầu thực hiện cam kết của các bị cáo, các cấp có thẩm quyền đã trả lời không có đất ở trích lại 10% cho các hộ dân bị thu hồi. Trách nhiệm của các cá nhân liên quan được xử lý trong vụ án này.

Sau một ngày xét hỏi, đại diện VKS đã đề nghị mức án với bị cáo Hoàng 11-12 năm, bị cáo Nhuệ 11-12 năm, bị cáo Thưởng 10 năm 6 tháng - 11 năm 6 tháng, bị cáo Tín 10-11 năm.

Kết luận của Sở Tài chính Bắc Ninh xác định số tiền Ngân sách Nhà nước thiệt hại do việc các bị cáo giao trái thẩm quyền 6 lô đất cho 2 hộ ông Nguyễn Thế Pha, Nguyễn Hữu Dụng là 11,1 tỉ đồng.

Sở TN&MT Bắc Ninh xác định 6 lô đất nói trên không thuộc trường hợp cấp sổ đỏ theo quy định và phải thu hồi trả lại cho Nhà nước.

Vì vậy, Nhà nước chưa mất đi quyền sở hữu. Cơ quan công tố xác định hành vi của các bị cáo chỉ gây thiệt hại cho 2 cá nhân là 1,1 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm