Những sự kiện thể thao thế giới bị che mờ bởi mây đen chính trị

Mới đây nhất, các chính trị gia của Đức và Hà Lan kêu gọi tẩy chay World Cup 2018 tại Nga do quốc gia này không có thái độ hợp tác rõ ràng trong việc hợp tác đìều tra thảm họa máy bay MH17 bị bắn khiến gần 300 người chết.

Cùng PLO điểm lại 11 sự kiện thể thao bị ảnh hưởng bởi yếu tố chính trị:

1)    Thế vận hội Olympic Berlin (Đức) 1936

Năm 1931, Ủy Ban Olympic thế giới (IOC) đã bỏ phiếu cho Đức giành quyền đăng cai Olympic 1936. Kết quả bỏ phiếu này diễn ra trước khi Đức quốc xã lên nắm quyền điều hành nước Đức. Sau đó, chính quyền Đức quốc xã đã lợi dụng thể thao để biến Thế vận hội thành sự kiện quảng bá cho chủ nghĩa phát xít. Tiêu biểu cho việc này là các VĐV Đức gốc Do thái bị loại khỏi đội tuyển Đức một cách không thương tiếc. Điều này đã vi phạm hiến chương Olympic khiến Mỹ đòi tẩy chay Olympic.

Lãnh đạo Ủy Ban Olympic phải ra mặt dàn xếp và khẳng định Đức sẽ không loại VĐV gốc Do Thái nên người Mỹ lại vui vẻ nhận lời tham gia. Trên thực tế, Đức chỉ cử 2 VĐV gốc Do Thái tham dự Olympic Berlin 1936.

Sau khi chủ nghĩa phát xít Đức thất bại và thế chiến thứ 2 kết thúc, nước Đức cũng bị cấm tham gia 2 kỳ Olympic tiếp theo.

2)    World Cup 1942 và 1946 bị hủy

World Cup bóng đá lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1930 và cách 4 năm sự kiện này lại diễn ra một lần. Đến nay World Cup đã trải qua 20 giải đấu tại các quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh đã có 2 lần bị gián đoạn vào các năm 1942 và 1946 do ảnh hưởng của chiến tranh thế giới thứ 2.

3)    Các nước Châu Phi tẩy chay Olympic

Olympic 1956, các nước như Ai Cập, Liban, Iraq đã tẩy chay Olympic để phản đối sự xâm lặng của chủ nghĩa đế quốc Anh, Pháp lên đất nước họ.

20 năm sau Olympic 1976, hàng loạt các quốc gia Châu Phi cũng đòi đuổi New Zealand khỏi thế vận hội vì trước đó trong một giải thi đấu đội tuyển bóng bầu dục nước này “chơi xấu” Nam Phi. Tuy nhiên, IOC không chấp nhận đề nghị này với lí do bóng bầu dục không có tên trong chương trình thi đấu của Olympic. Sau khi yêu cầu không được chấp nhận, chính phủ của 25 quốc gia Châu Phi đã gọi đội tuyển của mình về nước không tham gia Olympic.

4)    Rắc rối Đông và Tây Đức


Bức tường Berlin sụp đổ cũng kết thúc luôn những rắc rối kéo dài nhiều năm giữa Đông và Tây Đức trong các sự kiện thể thao.

Khi nước Đức bị chia thành hai nửa Đông và Tây, tranh cãi đã nổ ra gay gắt giữa Liên Xô và Ủy ban Olympic về việc có nên xem Đông Đức là quốc gia độc lập để tham dự Olympic hay không?

Khi đó, Tây Đức đã được Ủy ban Olympic công nhận là thành viên vào năm 1951, trong khi Đông Đức vẫn chưa được công nhận. Liên Xô khi ấy muốn Đông Đức cũng được công nhận là thành viên Olympic trong khi Ủy ban Olympic do lo ngại nước Đức có thể bị chia rẽ sâu sắc thêm nên vẫn chần chừ.

Rắc rối được giải quyết tạm thời khi Đông và Tây Đức đồng ý gộp chung thành một đội tuyển tham dự 2 kỳ tranh tài tại Olympic mùa đông và mùa hè 1956. Sau đó, Tây Đức lại muốn tham gia các sự kiện thể thao thế giới riêng mà không muốn sáp nhập với Đông Đức nữa.

Để giải quyết vấn đề này, năm 1965, IOC đã đi đến quyết định coi Ủy ban Olympic Đông Đức là đại diện đầy đủ cho vùng địa lý Đông Đức. Việc dùng khái niệm vùng địa lý đã giúp IOC khéo léo tránh được việc phải dùng cái tên chính danh cho Đông Đức và giúp Đông Đức có thể tham gia các sự kiện thể thao lớn từ đó đến khi nước Đức thống nhất.

5)    Thảm sát đẫm máu tại Thế vận hội Olympic Munich (Đức) 1972

Căn phòng nơi các VĐV Israel bị bắt làm con tin sau cuộc giải cứu bất thành.

Trong khi Olympic đang diễn ra, thì ngày 5-9-1972, nhóm khủng bố Black September đã đi vào làng Olympic Munich bắt cóc 11 vận động viên Israel làm con tin. Chúng ra yêu sách phải trả tự do cho 234 tù nhân Palestine để đổi lấy mạng sống cho các VĐV.

Do yêu cầu không được chấp nhận, bọn khủng bố đã giết chết 2 con tin và giữ 9 con tin còn lại để tìm đường thoát thân. Trong quá trình đào tẩu, những kẻ khủng bố đang bị bao vây đã đấu súng với lực lượng cảnh sát Đức. 9 con tin còn lại bị bọn khủng bố bắn chết trong khi 5 tên khủng bố cũng bị cảnh sát tiêu diệt.

Olympic bị gián đoạn một thời gian sau sự kiện bi thảm này và chỉ có thể tiếp tục thi đấu sau lễ an táng 11 nạn nhân xấu số.

6)    Olympic thời chiến tranh lạnh

Cuối thập kỷ 70 đầu những năm 80 là thời kỳ chiến tranh lạnh giữa các cường quốc đặc biệt là Mỹ và Liên Xô. Thể thao thế giới cũng không thoát khỏi ảnh hưởng từ sự kiện này.

Olympic 1980 tại Matxcơva, nước Mỹ đã không cử VĐV tham gia tranh tài. Đến năm 1984 tại Olympic Los Angeles, Liên Xô trả đũa khi cũng không tham dự sự kiện này.

Điều đáng chú ý là cả hai bên đều tránh dùng từ tẩy chay mà chỉ gọi là không tham gia.

7)    Euro 1992: Kẻ thay thế Đan Mạch lên ngôi nhờ nội chiến Nam tư

Đan Mạch lên ngôi đầy bất ngờ

Chính trị không hẳn mang lại những điều đen tối cho những sự kiện thể thao lớn. Đôi khi, rắc rồi về chính trị ở quốc gia này lại đem đến niềm vui thể thao cho quốc gia khác. VCK Euro 1992 tổ chức tại Thụy Điển đã xảy ra một sự kiện như vậy.

Năm đó, Nam Tư đội vượt qua vòng loại nhưng do cuộc nội chiến đã không thể tham gia và Đan Mạch được chọn là đội thay thế.

Một đội khác không thi đấu vòng loại mà vẫn có mặt tại VCK là đội SNG (tên viết tắt của Cộng đồng các Quốc gia độc lập mới được tách khỏi Liên Xô). SNG được thay thế do Liên Xô đội vượt qua vòng loại đã tan vỡ và bị tách ra làm nhiều nước khác nhau không thể tham gia.

Cũng từ đây đội Đan Mạch thay thế cho Nam Tư đã gây bất ngờ khi vượt qua hàng loạt ông lớn để đăng quang ngôi vô địch tại Euro 1992 sau khi thắng Đức 2-0 ở chung kết.

8)    World Cup 2010 (Nam Phi): Cầu thủ Triều Tiên bị trừng phạt vì thua trận

Các cầu thủ Triều Tiên trong thất bại đậm đà 0-7 trước Bồ Đào Nha.

Tại World Cup 2010, các cầu thủ bóng đá Triều Tiêu đã thi đấu không thành công khi thua cả ba trận vòng bảng trong đó có trận thua đậm 0-7 trước Bồ Đào Nha đành về nước sớm.

Chuyện không có gì đáng nói nếu không có thông tin sau khi về nước, đội tuyển bóng đá Triều Tiên đã bị nhà lãnh đạo nước này chê trách nặng nề do thành tích kém cỏi. Toàn bộ các cầu thủ Triều Tiên bị bắt đứng trên Cung Văn hóa nhân dân tại Bình Nhưỡng để hứng chịu sự chỉ trích và buộc tội từ bộ trưởng Thể thao Triều Tiên cùng vài trăm quan chức khác.

Sau buổi "luận tội", HLV Kim Jong-hun buộc phải lao động khổ sai trong 1 năm và bị trục xuất khỏi Đảng Lao Động Triều Tiên.

Nhận được thông tin trên, ngay lập tức chủ tịch FIFA Sep Blatter lập tức gửi công văn đến LĐBĐ Triều Tiên để xác minh và xử lý vụ việc này. Cũng từ đó đến nay, vụ việc không có thêm thông tin gì mới.

9)   World Cup bóng đá nữ 2011 (Đức): Nghi án cầu thủ Triều Tiên bị sét đánh

World Cup bóng đá nữ 2011, Triều Tiên nằm cùng bảng đấu với Mỹ. Ai cũng biết đây là 2 quốc gia có những căng thẳng về chính trị. Vì thế không đơn thuần đây chỉ là cuộc so tài về thể thao, đặc biệt là với các cô gái Triều Tiên.

Ở trận đấu này, mặc dù thi đấu với quyết tâm rất cao nhưng Triều Tiên đành chịu thúc thủ 0-2 trước Mỹ.

Sau trận đấu, HLV Triều Tiên là Kim Kwang-min có tuyên bố gây sốc khi cho rằng thất bại của Triều Tiên là do các cầu thủ bị… sét đánh trong quá trình tập luyện chuẩn bị cho trận đấu. Sự cố này khiến 5 cầu thủ Triều Tiên phải nhập viện. Ngay sau khi kết thúc trận cuối cùng vòng bảng, các cầu thủ Triều Tiên nhận được lệnh phải về nước gấp.

Không biết thực hư chuyện này thế nào, nhưng người ta ngờ rằng HLV Triều Tiên dựng nên câu chuyện này để tránh sự trừng phạt hà khắc của các nhà lãnh đạo nước này khi về nước.

10)  Thế vận hội Olympic London (Anh) 2012: Bóng đá nữ Triều Tiên dọa bỏ giải vì sai lầm của BTC


Ngày 26/7/2012, khi hai đội Triều Tiên và Colombia đang làm thủ tục chuẩn bị trước trận đấu thì các cầu thủ Triều Tiên bất ngờ rời khỏi sân. Nguyên nhân là do BTC đã ghép nhầm hình cảnh một nữ cầu thủ Triều Tiên với lá cờ Hàn Quốc khi chiếu hình ảnh về cầu thủ này.

Phải hơn 1 giờ sau, khi sự cố được khắc phục và BTC cũng có động thái xin lỗi, các cầu thủ Triều Tiên mới trở lại sân thi đấu và giành chiến thắng 2-0 trước Colombia.

11)  Triều Tiên thắng Mỹ, Nhật, Trung Quốc tại World Cup 2014

Mới đây, khi World Cup 2014 đang còn diễn ra, truyền hình Triều Tiên vốn do Nhà nước kiểm duyệt mọi thông tin, đã phát đoạn video các cầu thủ Triều Tiên thi đấu rất hay và giành 3 chiến thắng liên tiếp với tỉ số rất đẹp trước Nhật (7-0), Mỹ (4-0) và Trung Quốc (2-0) để lọt vào vòng sau gặp Bồ Đào Nha.

Điều đáng nói là Triều Tiên không vượt qua vòng loại nên không thể có mặt tại ngày hội lớn nhất hành tinh tại Brazil và Bồ Đào Nha, đối thủ ở vòng tiếp theo của Triều Tiên trên thực tế đã bị loại ngay từ vòng bảng.

Sau đó, các phóng viên quốc tế đã cất công tìm hiểu và được biết đây chỉ là video hài mang tính giải trí phát vào giữa hiệp đấu World Cup 2014 đang được truyền hình tại Triều Tiên.

Ai cũng biết, quan hệ chính trị giữa Triều Tiên với Mỹ, Nhật là không thực sự tốt đẹp. Do đó, nhiều người đặt dấu hỏi về dụng ý của truyền hình Triều Tiên khi phát đoạn video này.

PHẠM QUANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới