"Chuyện ma men quây tưng khi gặp CSGT không hiếm gặp vì người vi phạm có rượu bia, không làm chủ được hành vi, bị xử phạt nặng đã đành còn những người hổng uống giọt nào cũng cãi chày cãi cối, dù hành vi vi phạm của họ sờ sờ ra đấy", Đội trưởng một Đội CSGT trên địa bàn TP.HCM cho hay.
Theo vị này, rất nhiều người vi phạm cứ chày cối, khăng khăng: “Tôi không sai”, “Anh chứng minh tôi vi phạm đi”...
CSGT TP.HCM cho biết nhiều trường hợp người vi phạm từ chối thừa nhận vi phạm dù CSGT đã tận mắt chứng kiến. Ảnh minh họa. Ảnh: L.THOA
Ông này kể: Có lần tại ngã tư, CSGT thấy một thanh niên chạy xe máy nhưng nón bảo hiểm lại máng lên chỗ tay cầm xe, ông liền ra hiệu dừng xe để nhắc nhở. Người này chấp hành, tấp xe lên lề, lấy nón bảo hiểm đội lên rồi tiến lại chỗ CSGT làm việc hỏi: “Tôi vi phạm lỗi gì mà anh dừng xe?”.
CSGT liền giải thích rằng: “Anh không đội nón bảo hiểm” thì người này gạt phăng: “Hồi nào? Tôi đang đội nón đây này. Ai nói tôi không đội nón? Anh chứng minh đi”.
Lần khác, một xe máy đang đi ngược chiều, CSGT phát hiện, đề nghị dừng xe kiểm tra thì người này chấp hành. Nhưng khi hạ chống xe, rất nhanh chóng, người này quay đầu xe lại cho đúng hướng rồi mới đến hỏi CSGT: “Anh nhìn đi, xe tôi chạy đúng chiều chứ có ngược chiều đâu”.
Một CSGT ở quận 1 cũng kể, có trường hợp thấy xe ô tô đi vào đường cấm, CSGT liền ra hiệu cho xe lùi ra khỏi khu vực đó rồi mới xử lý vi phạm để tránh gây kẹt xe cho tuyến đường này. Lái xe làm theo nhưng khi đến lúc ra khu vực đó thì lái xe chối bay chối biến hành vi vi phạm của mình. Vì rõ ràng xe của mình đang đậu đúng nơi quy định chứ không phải đang vào đường cấm.
Thậm chí họ còn đòi CSGT phải xin lỗi vì bị dừng xe sai!
Chưa kể, nhiều lần kiểm tra và xử phạt lỗi vi phạm tốc độ, CSGT cũng gặp nhiều chuyện "dở khóc, sở cười". Trong đó, khi cho người vi phạm xem hình ảnh ghi nhận được thì rất nhiều người cho rằng máy bắn tốc độ sai, họ không vi phạm; còn đòi coi tem kiểm định, giấy tờ kiểm định. Thậm chí nhận hình ảnh vi phạm họ còn cho rằng đây là ảnh photoshop…
“Mang máy móc ra nói chuyện mà người vi phạm còn nói là giả mạo. Thì huống gì các trường hợp CSGT chứng minh trực tiếp bằng mắt thì khó mà đối chất lại với người vi phạm cố tình cãi lầy. Tuy nhiên, CSGT sẽ có cách buộc họ thừa nhận hành vi vi phạm như trích xuất camera, lập biên bản có người làm chứng... Tuy nhiên, nếu là những lỗi nhỏ, không gây nguy hiểm đến tính mạng người lái xe và người đi đường thì CSGT sẽ linh động nhắc nhở rồi cho đi. Nếu người vi phạm hành xử quá đáng thì nhờ các lực lượng khác hỗ trợ can thiệp.” - một CSGT cho hay.
Trong quá trình làm việc với người vi phạm, có trường hợp người dân phản ứng với cách xử lý của CSGT thì CSGT phải giữ bình tĩnh, ứng xử mềm dẻo nhưng cương quyết. Nếu đã giải thích lỗi và yêu cầu hợp tác mà người vi phạm vẫn không chấp hành, có những hành động gây mất an ninh trật tự, gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của người dân xung quanh và của CSGT thì phải nhanh chóng khống chế, đưa về trụ sở cơ quan công an gần nhất để tiến hành xử lý. Không được để xảy ra tình trạng người vi phạm lôi kéo, kích động quần chúng nhân dân gây mất an ninh trật tự. Thượng tá NGUYỄN HOÀNG DIỆP, Phó Trưởng phòng PC67 |