Khi tiếng gõ mõ tụng hồi kinh đầu ngày vang lên, ông ở đó giăng tấm bạt đơn sơ, treo lủng lẳng một chiếc gương, hai cây kéo và một cái tông đơ, cặm cụi làm công việc hớt tóc cho người lao động nghèo.
Năm 1980, ông Diệu đưa gia đình từ quê nhà Quảng Ngãi vào Đồng Nai lập nghiệp. Hai năm sau, khu phố ông ở bị hỏa hoạn, nhiều gia đình lâm vào cảnh điêu đứng, có một ngôi chùa ở Sài Gòn đã không quản đường sá xa xôi tìm xuống quyên góp cứu trợ. Chứng kiến tấm lòng từ thiện này, ông Diệu cảm động rồi theo các vị sư lên Sài Gòn quy y. Hơn 10 năm trời ăn ở trong chùa, ban ngày ông Diệu hành nghề mộc mưu sinh nuôi nấng gia đình, tối đến vừa học giáo lý và tích cực làm công quả.
Ông Phạm Văn Diệu hớt tóc cho một cậu sinh viên và ngồi đọc kinh lúc rảnh rỗi. Ảnh: H.Lê
Năm 2000, khi trở về Đồng Nai đưa con gái đầu lòng đi thi đại học, ông nhận ra sức khỏe của mình không còn cho phép bản thân tiếp xúc với bụi gỗ. Nhưng gánh nặng từ tiền học phí, ăn ở của con lại ngày một dày lên. Giữa lúc đang hoang mang, người đàn ông quyết định xách kéo theo một người hớt tóc lề đường, rồi liều mở căn chòi hớt tóc trước cổng chùa xưa.
Ông Diệu nhớ lại: “Mấy tuần đầu mới ra nghề, khách liên tục la toáng lên vì tôi cắt không êm. Nhiều lần như vậy, tôi nản quá muốn bỏ nhưng nghĩ đến con lại không cho phép mình buông xuôi”.
Dần dà ông Diệu dần trở nên lành nghề, được nhiều người xung quanh tin tưởng. Nhờ sự cố gắng không ngừng nghỉ, cái lều rách nát và mấy cây kéo cũ mèm đã giúp ông Diệu nuôi nấng hai đứa con học nên người, giúp gia đình ông có một mái ấm vững chãi trên đường Nguyễn Du (quận Gò Vấp).
Giờ đây không còn gì vướng bận, ông Diệu vẫn chọn ngồi dưới tấm bạt đơn sơ, ôm bộ đồ nghề chờ đợi làm đẹp mái đầu cho thiên hạ, mà phần nhiều là hớt miễn phí. Ông không còn nhớ đã bao nhiêu lần mình hớt tóc miễn phí cho cặp vợ chồng bán vé số này, chú xe ôm nọ, người gánh hàng rong kia. Lắm lúc cả ngày kiếm được mấy chục ngàn đồng, người đàn ông ấy cũng sẵn sàng đưa hết số tiền cho một người ăn xin ướt mưa lỡ đường. Một tháng hai lần, ông Diệu tự nguyện xuống tóc cho những nhà sư trong chùa Pháp Vân. Không còn sức khỏe như xưa, ông chỉ có thể vào chùa làm công quả, quét lá, nấu đồ chay. Ông tâm niệm đó như một cách tạ ơn đời đã giúp mình vượt qua những ngày khó khăn nhất.
Trời đổ mưa lớn, gió tạt vào căn chòi. Ông Diệu thu xếp hành trang, khoan thai trở về nhà bằng chiếc xe máy cà tàng. Hôm nay, riêng tôi đã chứng kiến ông đem lại niềm vui cho hơn năm mái đầu bụi bặm.