Nỗi đau của ngành thời trang Việt: Vì sao lụa Việt Nam tốt lại không bán được?

(PLO)-  Lụa tơ tằm, vải vóc Việt Nam rất đẹp nhưng tại sao người Việt toàn đổ xô đi mua vải Trung Quốc, nhà thiết kế Việt Nam đổ xô sang Trung Quốc mua?

Bà Trang Lê trò chuyện cùng các khách mời trong giờ nghỉ giữa giờ. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Đó là nỗi đau của ngành thời trang Việt Nam cũng là một vấn đề nhức nhối được đặt ra tại Hội thảo: ‘Chất liệu tự nhiên cho thời trang và nội thất’. Hội thảo vừa diễn ra hôm nay 25-5 tại TP.HCM, do tạp chí Harpers Bazaar Việt Nam tổ chức.

Vì sao lụa Việt Nam rất tốt nhưng lại không bán được?

Bà Trang Lê –Chủ tịch Hiệp hội các nhà thiết kế thời trang Đông Nam Á nói rằng một vấn đề khiến bà luôn trăn trở đó là tại sao lụa Việt Nam rất tốt mà lại không bán được trong khi nhà thiết kế Việt Nam đi sang Trung Quốc và mua?

Những câu chuyện của người phụ nữ Việt đầu tiên trong lĩnh vực truyền thông vinh dự nhận Huân chương công trạng, tước hiệu Hiệp sĩ của Chính phủ nước Cộng hòa Italiantại hội thảo khiến nhiều người chạnh lòng.

Sản phẩm dệt may của Việt Nam nhận được sự quan tâm của nhiều khách tham dự đặc biệt là các mặt hàng thổ cẩm. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

NTK trẻ Phan Đăng Hoàng chia sẻ sẽ hướng tới những chất liệu thân thiện với môi trường và nhận định nó sẽ trở thành xu hướng trong tương lai. Tuy nhiên, một vấn đề khá khó khăn hiện nay theo anh đó là nguồn chất liệu chưa phong phú. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

“Ngày hôm đó, tôi có cơ hội tham dự một buổi gặp gỡ với một nhà máy dệt ở Nam Định. Trên đường đi, tôi tình cờ biết về làng nghệ lụa Nha Xã (Hà Nam) mà một số bạn trẻ đang tái tạo lại. Khi tôi đến, các bạn trẻ giới thiệu với tôi làng lụa này đã được 700 năm. Một làng lụa 700 năm mà đến giờ tất cả công tắc bật hoàn toàn thủ công? Bật một máy dệt mà là công tắc quả nhót?

Buổi chiều tôi đến dự hội thảo - là mục đích chính. Tại sao lại có buổi hội thảo ấy? Vì từ trước đến nay, nhà máy dệt đó chủ yếu cung cấp cho thương hiệu nước ngoài. Thời điểm đó là tháng 6-2020 vì dịch COVID-19, thế giới đóng cửa, công ty dệt mời các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đến để giới thiệu sản phẩm dệt trong nước.

Một điều đáng buồn, tôi nói về làng lụa Nha Xã cũng không ai biết. Lần đầu tiên, nhiều thương hiệu Việt Nam mới biết ở Việt Nam có một nhà máy dệt đầu tư hơn 2000 tỷ đồng, thuộc hàng top ở Đông Nam Á, Châu Á cung cấp cho các thương hiệu nước ngoài. Trong khi các thương hiệu Việt Nam mình lại không biết”- Bà Trang Lê trải lòng.

Nhiều câu chuyện buồn trong thời trang Việt được chính những người trong cuộc chia sẻ tại hội thảo. Bà Trang Lê mong rằng đã đến lúc tất cả cùng ngồi lại để xem ai có thế mạnh gì, cùng lên tiếng nói để thay vì các NTK, các thương hiệu thời trang phải đi sang Trung Quốc mua vải, thì họ sẽ đặt mua trong nước để tái tạo sản xuất, thúc đẩy người Việt dùng hàng Việt Nam.

“Khi thấy áo dài em…

Chẳng thấy hồn Việt Nam…”

Xin lỗi tác giả bài hát.

Hỏi sao?

Vì dạo một vòng công viên hội thi áo dài, chỉ thấy áo vải Trung Quốc.

Một anh giữ đồ trong đoàn trả lời với mình: lụa Việt Nam mắc lắm, hơn 500 ngàn nên mua áo dài “Hà Nội” gửi vô có trăm mấy thôi.

Nghe vậy mình về luôn.

(Bà Nguyễn Thị Thanh Thuý- Hội quán các bà mẹ).

Quần áo mặc vài 3 ngày không cần giặt

Chuyện tưởng đùa nhưng đó là sự thật. “Sợi cafe, sơ tơ tằm..vì bản chất của nó là sợi kháng khuẩn tự nhiên nên vi khuẩn không sinh sôi nảy nở trên mặt vải. Ba ngày không giặt đồ không sao cả”, chị Thiên Hương, Tổng biên tập tạp chí Harper's Bazaar VietNam nói với PLO.

Ông Michele D’ercole- Chủ tịch Phòng Thương mại Ý tại Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Dệt thổ cẩm trực tiếp tại Hội thảo. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Bà Trần Hoàng Phú Xuân (Giám đốc Faslink), Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Đan Thêu TP. Hồ Chí Minh chia sẻ có những chất liệu vải tái chế, thân thiện với môi trường hiện nay như: Vải sợi cafe, vải sợi sen, vài sợi hàu…Rất nhiều khán giả bất ngờ khi biết rằng vải sợi sen làm từ lá, sợi sen và thân sen cung cấp colagen, đặc biệt là lá sen.

Ông Michele D’ercole- Chủ tịch Phòng Thương mại Ý tại Việt Nam và đã có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành kinh doanh da thuộc nói rằng khi nói về tái chế thì phải thay đổi quy trình, tương lai không thể làm lại được. Chúng ta phải nghĩ nghiêm túc về điều này.

“Bởi chúng tôi hiểu rác thải giống như nấm mồ chết chóc. Chúng ta không thể phát triển nếu chỉ tạ0 ra những nấm mồ chết chóc. Tái sinh lại vòng đời sản phẩm, không đưa nó vào nấm mồ chôn lấp của những bãi rác là yêu cẩu bức thiết.

Da thải ra đó là nguyên liệu miễn phí. Đó là nguyên liệu quan trọng. Càng ngày càng nhiều công ty Ý sử dụng nguyên liệu này. Chúng ta có thế hệ tiêu dùng mới, nhận thức tốt hơn việc tái chế, sản phẩm xanh sạch hơn”- Ông Michele D’ercole chia sẻ.

NTK Hoàng Minh Hà (áo đen, giữa) là 1 trong 6 NTK nổi tiếng sẽ gửi đến khán giả những bộ trang phục được làm từ các chất liệu tái chế. Ảnh: FBNV

Một trong những nét độc đáo của Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Namlần thứ 13 tại TP.HCM sẽ diễn ra trong 4 ngày tới (từ ngày 26 đến 29-5) là những bộ trang phục được làm từ chất liệu tái chế, tưởng chừng bỏ đi như: bã cà phê, vỏ hàu…

Sự kiện này thu hút 18 nhà thiết kế, thương hiệu thời trang lớn trong nước và quốc tế tham dự như: NTK Tuyết Lê, NTK Linh San, NTK Hoàng Hải, NTK Hoàng Minh Hà…

Đặc biệt có 6 nhà thiết kế sẽ gửi đến khán giả những bộ trang phục được làm từ các chất liệu tái chế, những thứ tưởng chừng bỏ đi, không thể sử dụng. 6 NTK đó là: Võ Công Khanh, Adrian Anh Tuấn, Nguyễn Tiến Truyển, Hoàng Quyên, Lý Giám Tiền và Hoàng Minh Hà.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới