Từ 6 giờ sáng 8-3, nhà thầu Obayashi đã bắt đầu chuẩn bị cho công tác dìm đốt hầm Thủ Thiêm đầu tiên. 14 giờ, nhà thầu đã đánh chìm đốt hầm xuống sông Sài Gòn được hơn 23 m, còn cách vị trí thiết kế 0,4 m và bắt đầu kéo đốt hầm dìm tiến sát đến đường dẫn phía Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM).
Kỹ sư trưởng Nguyễn Đỗ của nhà thầu Obayashi cho biết hệ thống tời sẽ kéo đốt hầm tịnh tiến ngang về phía đường dẫn. Khi đốt hầm cách đường dẫn 0,6 m thì ngừng kéo để tiếp tục bơm nước vào đốt hầm cho đốt hầm chìm vào đúng vị trí thiết kế rồi mới tiếp tục kéo đốt hầm vào sát đường dẫn. Sau khi đặt đốt hầm vào đường dẫn, nhà thầu sẽ kích hoạt ron cao su (có tuổi thọ tương đương với tuổi thọ của đốt hầm) có tác dụng chống thấm. Nhà thầu sẽ dùng cáp và đổ bê tông để hàn, kết nối đường dẫn với đốt hầm dính chặt lại với nhau.
Kỹ sư trẻ Hà Thanh Hải cho biết thêm: Khi đốt hầm số một được dìm xuống tới cao độ thiết kế dưới đáy sông thì các chuyên gia sẽ dùng kích thủy lực để nhấn cho phần hầm phía sông thấp gần 3,7 m nữa. Đốt hầm thứ hai sau này nối vào đốt số một sẽ còn sâu hơn nữa (25,7 m) và đốt số ba sẽ nằm ở độ sâu ngang bằng đốt số hai, đốt thứ tư thì tương tự đốt số một.
Sử dụng hệ thống máy đo tọa độ để cân chỉnh đốt hầm trong quá trình dìm. Ảnh: MP
“Tất cả phần việc đánh chìm, kéo đốt hầm tịnh tiến với đường dẫn đều được thực hiện thông qua hệ thống máy bơm, tời kéo cùng hệ thống máy định vị tọa độ. Thợ lặn chỉ có mặt ở giai đoạn cuối cùng để kiểm tra các mối nối xem có vật lạ gì lọt vào các ron cao su hay không” - kỹ sư Đỗ nói.
Chủ tịch UBND TP, ông Lê Hoàng Quân, cũng đã có mặt tại công trình, yêu cầu đơn vị thi công, giám sát phải tập trung cao độ, dự trù các tình huống xảy ra khi lai dắt, dìm ba đốt hầm còn lại. “Chỉ khi nào đến ngày thông xe, chúng ta mới tạm thời thở phào” - ông Quân lo lắng.
Ông Kenji Tokuhiko, Giám đốc gói thầu số hai nhà thầu Obayashi thì tự tin: “Chúng tôi tin rằng sẽ kiểm soát được tình hình, kể cả vào mùa mưa”.
Lão nông mê hầm dìm Trong lúc chúng tôi đang trao đổi với các kỹ sư phụ trách thi công dìm hầm thì có một người đàn ông trung niên luôn chăm chú lắng nghe và thỉnh thoảng cũng tham gia “phỏng vấn”. Hỏi ra mới biết ông chỉ là một người dân vì “quá mê hầm dìm” đã “hóa trang” để lẻn vào công trình. Ông cười: “Có ông kia còn mê mẩn hầm dìm hơn tui rất nhiều”. Qua lời người đàn ông trên, chúng tôi phát hiện ra lão nông Nguyễn Ngọc Tỷ, năm nay đã 73 tuổi, sinh sống ở Cần Đước, Long An. Từ tờ mờ sáng 7-3, ông Tỷ đã kêu con rể chở xuống bến phà Bình Khánh để chứng kiến cảnh lai dắt. Người Việt sẽ làm được công trình tương tự Đây là dự án đầu công nghệ thi công hạng mục hầm dìm chưa từng được thực hiện tại Việt Nam. Đội ngũ kỹ sư Việt Nam đã tiếp cận được công nghệ mới này. Sau này nếu có một dự án tương tự, tôi tin đội ngũ kỹ sư Việt có thể chủ động được công nghệ này. Kỹ sư trưởng NGUYỄN ĐỖ, 43 tuổi, kỹ sư Việt Nam phụ trách chung dự án Đại lộ Đông Tây Kinh nghiệm tốt cho metro Qua thời gian làm việc cho nhà thầu Obayashi, tôi đã học hỏi được rất nhiều điều như tính kỷ luật, tinh thần làm việc theo nhóm và về kỹ thuật, công nghệ thi công dưới nước. Tôi mong sau khi dự án kết thúc, tôi sẽ mang những kinh nghiệm học hỏi được tham gia thi công các tuyến metro mà UBND TP.HCM đang khởi động. Kỹ sư Hà Thanh Hải, 28 tuổi, phụ trách giám sát việc thi công phía đường dẫn quận 2 |
MINH PHONG