Nhiều vấn đề 'nóng' sẽ được đưa ra chất vấn 3 tư lệnh ngành

(PLO)- Nhiều vấn đề nóng được cử tri và đại biểu quan tâm sẽ được nêu ra trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ tám.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trước phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 8 diễn ra trong hai ngày 11 và 12-11, các tư lệnh ngành đã có các báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn.

Không loại trừ có hành vi thao túng thị trường vàng

Báo cáo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho hay giá vàng trên thế giới vừa qua tăng mạnh do căng thẳng địa chính trị, thương mại, xung đột vũ trang tại nhiều quốc gia, giá vàng trong nước cũng biến động theo, nhất là với vàng miếng SJC.

Dẫn chứng, báo cáo nêu tại thời điểm sáng 5-11, giá vàng miếng SJC được giao dịch ở mức 87-89 triệu đồng/lượng, tăng 13,5 triệu đồng/lượng (khoảng 18%) so với đầu năm. Đặc biệt, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cao, có thời điểm (vào tháng 5) giá vàng miếng SJC chênh lệch so với giá vàng thế giới là 18 triệu đồng/lượng.

Việc giá vàng biến động mạnh là do quan hệ cung cầu. Nhu cầu mua vàng chủ yếu tập trung tại TP Hà Nội, TP.HCM và có yếu tố tâm lý, kỳ vọng. “Bên cạnh đó, không loại trừ khả năng có sự tồn tại của các hành vi thao túng thị trường, vi phạm các quy định liên quan của pháp luật về thuế, cạnh tranh…” - báo cáo cho hay.

Nhiều vấn đề 'nóng' sẽ được đưa ra chất vấn 3 tư lệnh ngành trả lời chất vấn
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: QH

Nhằm ổn định thị trường vàng, NHNN đã triển khai nhiều biện pháp khác nhau như đấu thầu bán vàng miếng SJC, bán vàng miếng với khối lượng phù hợp thông qua bốn ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC. Tổng lượng vàng cung ứng ra thị trường từ ngày 19-4 đến 29-10 là hơn 13 tấn. Với giải pháp trên đã đưa mức chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới từ 18 triệu đồng/lượng (khoảng 25%) xuống còn 3-5 triệu đồng/lượng (khoảng 5%-7%).

NHNN cũng cho biết thời gian qua đã tăng cường công tác kiểm tra, phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn các tỉnh, TP kiểm tra các đơn vị có hoạt động kinh doanh vàng, từ đó có chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vàng.

Tuy nhiên, theo NHNN, hiện vẫn còn chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế. Thị trường vẫn chưa thực sự ổn định bền vững, vẫn chịu tác động bởi yếu tố tâm lý, kỳ vọng, tiềm ẩn rủi ro tác động đến thị trường tiền tệ, ngoại hối; chưa khuyến khích người dân bán vàng chuyển thành Việt Nam đồng để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh…

Trong thời gian tới, NHNN cân nhắc can thiệp thị trường vàng (nếu cần thiết) với khối lượng, tần suất phù hợp nhằm mục tiêu ổn định thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để triển khai công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường.

nhieu-van-de-nong-se-duoc-dua-ra-chat-van-3-tu-lenh-nganh-nguyen-manh-hung.jpg
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: QH

YouTube, Facebook, TikTok thâu tóm 80% thị phần quảng cáo

Còn theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, doanh thu quảng cáo trực tuyến năm 2023 tại Việt Nam đạt 1,3 tỉ USD, chiếm 50% tổng chi tiêu toàn ngành quảng cáo Việt Nam (2,6 tỉ USD), tăng khoảng 30% so với năm 2021 (khoảng 850 triệu USD).

Tuy nhiên, 80% thị phần quảng cáo trực tuyến tập trung vào các nền tảng xuyên biên giới như YouTube, Facebook, TikTok (hơn 1 tỉ USD), 20% còn lại là các báo điện tử, doanh nghiệp quảng cáo trực tuyến trong nước như 24h, VnExpress/Eclick, Dân Trí, VCCorp/Admicro, Adtima...

“Quảng cáo trực tuyến với lợi thế áp đảo về công nghệ đe dọa tiếp tục thu hẹp nguồn thu quảng cáo của các cơ quan báo chí, chiếm thị phần chi phối, trong khi, nội dung không được kiểm duyệt và chịu trách nhiệm như các cơ quan báo chí” - báo cáo nêu.

Theo báo cáo, các vi phạm về nội dung quảng cáo chủ yếu là quảng cáo cho dịch vụ, sản phẩm bất hợp pháp (tín dụng đen, tiền ảo, game cờ bạc, cá độ…); quảng cáo các loại thuốc gia truyền không rõ nguồn gốc, thậm chí quảng cáo chữa bách bệnh, kể cả ung thư...; quảng cáo sai sự thật lừa đảo (dùng hình ảnh mạo danh logo các báo, đài để tạo lòng tin)…

nhieu-van-de-nong-se-duoc-dua-ra-chat-van-3-tu-lenh-nganh-tra-loi-chat-van.jpg
Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của ngành báo chí trong giai đoạn bùng nổ về truyền thông trên mạng xã hội hiện nay là một trong những nội dung sẽ được đưa ra chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: THUẬN VĂN

Đáng lưu ý, quảng cáo của một số nhãn hàng, doanh nghiệp Việt Nam bị gắn vào nội dung xấu độc, phản động, vi phạm pháp luật Việt Nam, đặc biệt là trên YouTube, Facebook.

“Một phần doanh thu quảng cáo lại được YouTube, Facebook chia sẻ cho các đối tượng sản xuất clip xấu độc, phản động, vô hình trung gián tiếp tiếp tay cho các hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam” - theo báo cáo.

Trước tình hình trên, Bộ TT&TT đã phối hợp với các cơ quan triển khai hệ thống kỹ thuật rà quét, phát hiện các quảng cáo vi phạm pháp luật, tập trung vào các nền tảng mạng xã hội lớn có nhiều vi phạm là Facebook, YouTube, TikTok. Từ đó đấu tranh yêu cầu các nền tảng này gỡ các quảng cáo vi phạm và tuân thủ luật pháp Việt Nam về quảng cáo.

Về giải pháp, bộ trưởng Bộ TT&TT cho hay bên cạnh hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cần phát triển hệ thống giám sát, tập trung đẩy mạnh áp dụng công nghệ AI để rà quét, phát hiện các vi phạm về quảng cáo trên các nền tảng số.

Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quảng cáo trên báo chí và trên môi trường mạng; đấu tranh, đàm phán với các nền tảng xuyên biên giới như Google, Facebook, TikTok và các mạng lưới quảng cáo về việc tuân thủ quy định pháp luật về cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng, dịch vụ quảng cáo, thuế…

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng sẽ là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Thống đốc NHNN sẽ trả lời những vấn đề về điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới nhiều biến động. Công tác quản lý nhà nước về thị trường vàng, thị trường ngoại hối. Công tác hỗ trợ vay vốn và miễn, giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau thiên tai.

Đối với nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực y tế, Quốc hội tập trung chất vấn bộ trưởng Bộ Y tế về việc huy động, bố trí lực lượng y tế, bảo đảm thuốc men, vật tư y tế cung cấp cho người dân và công tác phòng, chống dịch bệnh sau thiên tai; việc cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực khám chữa bệnh.

bo-truong-y-te-dao-hong-lan.jpg
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan. Ảnh: PHẠM THẮNG

Thực trạng quản lý các mặt hàng thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm và giải pháp xử lý các vi phạm; công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường.

Đối với nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực TT&TT, Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng về giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của ngành báo chí trong giai đoạn bùng nổ về truyền thông trên mạng xã hội hiện nay, đặc biệt là vai trò của báo chí cách mạng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; việc quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm