Ông thầy người Pháp cũng là nhà chiến lược có chung cái đích với đồng nghiệp Park Hang-seo giúp bóng đá Việt Nam phát triển cùng giấc mơ World Cup 2026.
Sáu năm nữa, cơ hội cho châu Á mở ra rộng hơn khi FIFA quyết định trao cho tám suất đá vòng chung kết cúp thế giới, thay vì 4,5 vé như thời điểm này. Ông Troussier đã tính rất kỹ cho lứa U-19 hiện tại lúc đó khoảng 24-25 tuổi, cộng thêm nhóm cầu thủ U-22 Việt Nam của ông Park sẽ tạo thành một bộ khung ổn định.
Nhưng giấc mơ World Cup của ông Troussier với làng bóng Việt có thành hiện thực hay không sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có hai điều kiện cốt lõi nhất là các giải đấu quốc gia phải chuyên nghiệp và cơ hội ra sân cho cầu thủ trẻ.
Nỗi lo trước mắt và lớn nhất của ông Troussier chính là góc nhìn về tiềm năng của cầu thủ trẻ rất tốt nhưng rào cản chủ yếu là thiếu sân chơi cọ xát. Ông thầy người Pháp dẫn chứng đã từng “năn nỉ” lãnh đạo HA Gia Lai cho cầu thủ ra sân và mãi sau này cầu thủ trẻ HA Gia Lai mới có suất khi cho đội Công an nhân dân mượn quân đá hạng Nhì.
Mối bận tâm của ông Troussier không khác gì HLV Park Hang-seo. Rất nhiều lần ông Park đề nghị VFF và các nhà tổ chức cần quy hoạch các giải đấu sao cho CLB có thói quen sử dụng cầu thủ trẻ nhiều hơn. Tuy nhiên, ý tưởng của ông Park thực hiện rất khó, nếu không muốn nói là không thể, do yêu cầu thành tích từ CLB không dám mạo hiểm cho lứa trẻ gách vác thay cho đàn anh và ngoại binh.
Hệ quả ngay trước mắt của đội tuyển trẻ dưới 22 tuổi bây giờ lên tuyển thử việc rất đông đảo nhưng đều phải tập các bài vỡ lòng của ông Park và cộng sự. Thiếu sân chơi, không có nhiều cơ hội ra sân học hỏi, cọ xát đã và đang làm khổ rất nhiều các HLV ở những đội tuyển trẻ, từ ông Park đến ông Troussier.
Cầu thủ trẻ tài năng của bóng đá Việt Nam không thiếu. Cái chính là cách khai thác và sử dụng họ thường xuyên để tạo sự phát triển đồng bộ. Cả HLV Troussier hay ông Park có tài giỏi cỡ nào cũng không thể biến cái không thành có, khi họ không được trao đầy đủ những điều kiện cần thiết.
Đường đến World Cup không đơn giản và đừng bao giờ để nuối tiếc khi đã thấy việc cần làm mà còn sụt sùi hai chữ “giá như”.