Nỗi niềm người tị nạn Syria sau chính biến quê nhà

(PLO)- Nhiều người tị nạn Syria bày tỏ mong muốn được trở về quê nhà sau chính biến nhưng trước hết họ sẽ chờ đợi tình hình ổn định hơn. 

Chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Syria Bashar al-Assad rời khỏi Syria, các chính trị gia châu Âu đã khơi lại cuộc tranh luận về cuộc khủng hoảng người tị nạn kéo dài hàng thập niên của châu lục này, theo tờ The Wall Street Journal.

Hôm 9-12, chính quyền Đức và Áo cho biết đã tạm dừng xét đơn xin tị nạn của người Syria. Nhiều nước khác, bao gồm Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan và Anh, sau đó cũng thực hiện bước đi tương tự.

Tại Áo, Bộ trưởng Nội vụ Gerhard Karner cho biết đã chỉ thị cho các quan chức "chuẩn bị một chương trình hồi hương và trục xuất có trật tự" cho người Syria. Ông Karner cho biết chương trình đoàn tụ gia đình cho những người tị nạn Syria được chấp nhận cho nhập cư vào nước này cũng đã bị đình chỉ.

Người tị nạn Syria tràn vào biên giới Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2015. Ảnh: THE WALL STREET JOURNAL

Đã đến lúc khuyến khích người tị nạn Syria hồi hương?

Trong nhiều năm qua, tình trạng người tị nạn ồ ạt tràn vào châu Âu đã gây nên những tác động to lớn. Cuộc khủng hoảng người tị nạn đã làm xáo trộn nền chính trị châu Âu, làm tăng thêm sự ủng hộ cho các đảng chống nhập cư tại Đức, Pháp, Hà Lan, Thụy Điển, Phần Lan, gây căng thẳng cho tài chính công của các quốc gia cũng như làm dấy lên mối lo ngại về sự xâm nhập của tội phạm và khủng bố nước ngoài.

Vì những tác động này, nhiều chính trị gia cho rằng người Syria nên được yêu cầu rời khỏi châu Âu ngay bây giờ, mà không cần chờ tình hình tại Syria ổn định trở lại.

Trong một cuộc phỏng vấn hôm 9-12, ông Jens Spahn – nhà lập pháp và chính trị gia đối lập trung hữu ở Đức – cho rằng Đức nên cung cấp vé máy bay và 1.000 euro (1.055 USD) cho bất kỳ người Syria nào sẵn sàng trở về nhà.

“Không quốc gia nào tại Liên minh châu Âu tiếp nhận nhiều người tị nạn Syria như Đức. Cho đến nay, phần lớn những người được các nước châu Âu chấp nhận cho tị nạn là người Syria. Vì vậy, đây [tình hình chính biến tại Syria] có thể là một bước ngoặt lớn và thay đổi tình trạng hiện tại” – ông Gerald Knaus, chuyên gia về di cư và xung đột quốc tế, cho biết.

Tuy nhiên, ông Knaus cảnh báo rằng các chính phủ có thể mất nhiều thời gian để có thể đảo ngược dòng người tị nạn. Ông Knaus dẫn chứng rằng sau khi cuộc xung đột ở Bosnia kết thúc vào giữa những năm 1990, chính phủ các nước châu Âu phải mất khoảng 3 năm để có thể đưa lượng lớn người tị nạn Bosnia về quê hương của họ.

Dù vậy, chính quyền nhiều nước đang rục rịch các bước ngừng tiếp nhận người tị nạn.

Văn phòng Liên bang về Di cư và Người tị nạn của Đức cho biết đã tạm dừng xử lý 47.270 đơn xin tị nạn từ công dân Syria đang được xem xét. “Sau khi chính quyền ông al-Assad sụp đổ, tình hình trở nên cực kỳ khó đoán, dễ thay đổi và không rõ ràng” – phát ngôn viên của cơ quan này cho biết.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cũng kêu gọi chính phủ nước này tổ chức hội nghị quốc tế về Syria để thảo luận về việc tái thiết đất nước và khả năng hồi hương của những người tị nạn Syria.

Các container được sử dụng làm nhà cho người tị nạn ở Berlin (Đức). Ảnh: THE WALL STREET JOURNAL

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser cho biết tình hình chưa đến mức cấp thiết như vậy. Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh David Lammy cho biết tình hình bất ổn ở Syria thậm chí có thể khiến nhiều người rời Syria đến Anh trong thời gian ngắn.

Không nhiều người muốn quay về

Theo Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn (UNHCR), trong năm 2023, người Syria là nhóm người tị nạn lớn thứ hai trên toàn thế giới sau người Afghanistan, với 6,36 triệu người rời bỏ quê hương và gần 300.000 người xin được tị nạn tại quốc gia khác. Cộng đồng người Syria ở nước ngoài, bao gồm thường trú nhân và công dân có hai quốc tịch, còn cao hơn con số này.

Thổ Nhĩ Kỳ là điểm đến chính của người Syria, với khoảng 2,9 triệu người đang có mặt tại nước này. Jordan và Lebanon cũng là nơi sinh sống của nhiều cộng đồng lớn người Syria. Ở châu Âu, Đức là quốc gia có nhiều người Syria nhất, với gần 1 triệu người và là nhóm người tị nạn lớn thứ 2 sau người Ukraine, theo The Wall Street Journal.

Anh Nouman Mallo (29 tuổi) là người rời khỏi quê hương Deir Ezzour (miền nam Syria) đến xin tị nạn ở Đức vào năm 2014. Sau thời gian dài sống tại Đức, anh cảm thấy Đức như quê hương thứ 2 của anh.

Hiện, anh Mallo học quan hệ quốc tế tại TP Dresden và làm nghiên cứu viên quốc hội tại Berlin. Anh Mallo đã nhập quốc tịch Đức vào năm 2021 và có vợ là người Đức.

"Tôi không nghĩ mình sẽ quay trở lại [Syria]. Tôi đã bám rễ sâu ở đây. Mọi thứ cần phải diễn ra cực kỳ tốt đẹp ở Syria thì tôi mới có thể nhổ rễ một lần nữa" – anh Mallo nói.

Chỉ vài giờ sau khi ông Bashar al-Assad bị lật đổ, hàng ngàn người Syria tại Đức, Áo, Anh, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ đã đổ xuống đường để ăn mừng.

Trong số những người này có anh Mazen Al Hamidi – một nhân viên công nghệ thông tin 29 tuổi. Anh Al Hamidi đến Đức vào năm 2015 và được nhập quốc tịch Đức vào năm 2021. Anh cũng cho biết có kế hoạch trở về Syria trong những năm tới nhưng trước hết, anh mong muốn Syria ổn định.

Tại Syria, lực lượng đối lập kêu gọi những người di cư trở về và giúp xây dựng lại đất nước. “Chúng tôi sẽ nỗ lực tạo ra các điều kiện thích hợp, đảm bảo môi trường an toàn và ổn định để tiếp nhận họ [những người di cư]" – lực lượng đối lập tại Syria cho biết.

Người tị nạn Syria là nhóm người tị nạn lớn thứ hai thế giới, sau người tị nạn Afghanistan. Ảnh: THE WALL STREET JOURNAL

Anh Marwan Habub (27 tuổi) chuyển từ thủ đô Damascus (Syria) đến Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2015 và hiện làm đầu bếp tại TP Istanbul. Anh cho biết muốn về nhà nhưng trước tiên sẽ đợi tình hình ổn định.

"Tôi sẽ đợi ít nhất 6 tháng để mọi thứ ở Syria ổn định trở lại. Tôi có công việc ở đây, an sinh xã hội, giấy phép lao động. Tôi nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là đất nước thứ hai của tôi, nhưng cuối cùng tôi vẫn sẽ quay lại Syria" – anh Habub nói.

Một cuộc thăm dò của UNHCR về những người tị nạn Syria ở Ai Cập, Iraq, Jordan và Lebanon được tiến hành vào mùa hè này cho thấy chỉ có 1/3 người được hỏi nghĩ rằng họ sẽ có thể quay về Syria trong vòng 5 năm tới. Nhiều người cho biết lý do chính họ không muốn lại là do tình hình kinh tế của Syria.

Theo ông Knaus, nếu tình hình chính trị và kinh tế ở Syria ổn định, những người tị nạn Syria đang ở các nước Trung Đông sẽ là những người đầu tiên quay lại, vì họ đang ở gần Syria và các quốc gia tiếp nhận có mức hỗ trợ cho người tị nạn không cao. Người Syria ở phương Tây, đặc biệt là những người đã nhập quốc tịch mới, có thể sẽ không muốn quay về.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới