Từ ngày 2-12, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) tổ chức phiên điều trần để đưa ra cách sử dụng luật pháp quốc tế đối phó tình trạng nóng lên toàn cầu. Đây là lần đầu tiên cơ quan tư pháp cao nhất của Liên Hợp Quốc tổ chức phiên điều trần liên quan biến đổi khí hậu và đây cũng là phiên điều trần quy mô lớn nhất kể từ khi ICJ được thành lập.
Theo tờ The New York Times, phiên điều trần lần này được tổ chức theo yêu cầu được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đưa ra vào năm 2023. Phiên điều trần dự kiến kéo dài 2 tuần.
Đại hội đồng đã yêu cầu ICJ đưa ra ý kiến về 2 câu hỏi: Các chính phủ có nghĩa vụ gì theo luật pháp quốc tế để bảo vệ Trái đất khỏi hiện tượng nóng lên toàn cầu do khí nhà kính gây ra? Và "hậu quả pháp lý" là gì nếu các chính phủ không thực hiện nghĩa vụ của mình trong việc chống biến đổi khí hậu và "gây ra tác hại đáng kể"?
Khởi động phiên điều trần
Ý tưởng về phiên điều trần ban đầu được một nhóm sinh viên luật từ Vanuatu và các quốc đảo Thái Bình Dương khác đưa ra. Sau đó, một số đại diện từ vùng Caribe và châu Á cũng ủng hộ tổ chức phiên điều trần.
Nhóm những người đề xuất và ủng hộ phiên điều trần lập luận rằng các quốc gia nhỏ như họ không có đóng góp nhiều trong việc làm nóng hành tinh nhưng vẫn phải gánh chịu hậu quả thảm khốc của biến đổi khí hậu. Các quốc gia này đã phải gánh khoản nợ lớn để đối phó với các thảm họa thiên nhiên, cơ sở hạ tầng xuống cấp, mất đất canh tác và trữ lượng cá biến mất khi nước biển ấm lên. Một số hòn đảo còn có nguy cơ bị nhấn chìm.
Họ cho rằng chừng nào các thỏa thuận về khí hậu còn dựa trên các cam kết tự nguyện, thì các quốc gia của họ sẽ không bao giờ nhận được sự hỗ trợ mà họ xứng đáng được nhận. Họ cũng lập luận rằng trong nhiều năm qua, danh sách các lời hứa bị phá vỡ và các cam kết bị hủy bỏ rất dài và việc kiện để đòi bồi thường thiệt hại là điều nên làm.
Theo The New York Times, mặc dù ý kiến tư vấn của ICJ về các vấn đề pháp lý liên quan khí hậu sẽ không mang tính ràng buộc, nhưng ý kiến của ICJ có thể gây áp lực và buộc các nước cân nhắc lại việc hoạch định chính sách.
Ngoài ra, ý kiến kết luận từ phiên điều trần của ICJ cũng có thể ảnh hưởng đến các toàn án tại các nước, đặc biệt là tại các nước có phong trào biểu tình mạnh về chống biến đổi khí hậu và chống sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Vấn đề được thảo luận trong phiên điều trần
Cuộc khủng hoảng khí hậu từ lâu đã là điều được các nhà khoa học cảnh báo. Trong 3 thập niên qua, các nước tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP) vẫn họp định kỳ mỗi năm để tìm ra giải pháp hiệu quả giải quyết vấn đề khí hậu.
Trong tháng 11, Hội nghị COP29 được tổ chức tại Baku (Azerbaijan) tập trung vào việc đàm phán tài chính để chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch và giúp các nước đang phát triển giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Trong phiên điều trần đang diễn ra, tác động của biến đổi khí hậu đối với các quốc gia đang phát triển cũng là tâm điểm. Phiên điều trần mời đại diện của hơn 100 quốc gia và tổ chức quốc tế phát biểu, trong đó bao gồm các quốc đảo đang bị mực nước biển đe dọa; các quốc gia đang nỗ lực loại bỏ dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch bằng năng lượng sạch; và các nhà sản xuất lớn phụ thuộc vào thu nhập từ than, dầu và khí đốt.
Đại diện từ Mỹ, Anh, Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Nga, Saudi Arabia, Nam Phi nằm trong số những quốc gia được mời phát biểu. ICJ cũng sẽ lắng nghe ý kiến từ các tổ chức chuyên môn như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Các luật sư của các quốc gia bị ảnh hưởng tham gia phiên điều trần cho rằng các quốc gia phát triển không thể chỉ đưa ra các bài phát biểu chính trị như thông thường. Thay vào đó, họ cần phải đưa ra các lập luận pháp lý về lý do tại sao họ tiếp tục trợ cấp nhiên liệu hóa thạch và thải ngày càng nhiều khí nhà kính có hại vào khí quyển.
Luật pháp quốc tế quy định ra sao về biến đổi khí hậu?
Nhiều quốc gia có luật rất chặt chẽ để giải quyết ô nhiễm, bảo vệ thiên nhiên cũng như các loài bị đe dọa. Tuy nhiên, dù đang dần phát triển, luật quốc tế liên quan giải quyết toàn bộ vấn đề biến đổi khí hậu nói chung vẫn còn ít.
Một trong những ví dụ điển hình là Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Thỏa thuận này chỉ yêu cầu các quốc gia thực hiện các bước tự nguyện để giữ nhiệt độ toàn cầu ở mức thấp. Nó không có cơ chế thực thi các mục tiêu được đưa ra, không có quy định về bồi thường cho tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.
Các chuyên gia chỉ ra Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) cũng được xem là khuôn khổ pháp lý quốc tế để bảo vệ môi trường biển. Vào tháng 5, Tòa án Quốc tế về Luật biển – tòa án chuyên trách của Liên Hợp Quốc có trụ sở tại Hamburg (Đức) – đã có bước đột phá mới khi đưa ra ý kiến rằng khí nhà kính quá mức là chất gây ô nhiễm có thể gây hại, gây nên tình trạng không thể phục hồi cho môi trường biển và phải cắt giảm. Tòa án cho biết các quốc gia gây ô nhiễm có thể phải chịu trách nhiệm.
Theo The New York Times, các thẩm phán của ICJ có thể sẽ lưu ý đến ý kiến này của Tòa án Quốc tế về Luật biển.
Vào tháng 9, Vanuatu và các đảo Thái Bình Dương khác đã chính thức đề xuất Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) – cơ quan chuyên xét xử các cá nhân về tội diệt chủng, tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người – đưa "diệt chủng sinh thái" thành một dạng tội phạm. Tuy nhiên, quá trình này có thể mất nhiều năm.
Dù vậy, các chuyên gia cảnh báo rằng luật pháp quốc tế có thể chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh khổng lồ về nỗ lực bảo vệ hệ thống khí hậu toàn cầu. Một số người cho rằng sự thay đổi hiệu quả nhất sẽ chỉ đến khi ngành năng lượng sạch phát triển mạnh hơn và rẻ hơn so với việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Hiện tại, các thẩm phán ICJ chưa ấn định ngày họ sẽ đưa ra ý kiến kết luận về phiên điều trần hiện tại. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ý kiến kết luận của ICJ có thể được đưa ra vào mùa hè năm 2025.