ICJ phán quyết Israel ngừng đánh Rafah: Ràng buộc pháp lý nhưng khó thực thi

(PLO)- Tòa Công lý Quốc tế (ICJ) ra phán quyết yêu cầu Israel ngừng đánh Rafah, liệu có dễ buộc Israel thực thi?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 24-5, Tòa Công lý Quốc tế (ICJ) ra phán quyết cho đơn kiện bổ sung do Nam Phi gửi ngày 11-5 yêu cầu ICJ khẩn trương đưa ra các biện pháp buộc Israel phải ngừng mọi hành động quân sự trong chiến dịch truy quét nhóm Hamas tại TP Rafah (miền nam Gaza), theo hãng tin Reuters.

Theo phán quyết của ICJ, Israel phải dừng mọi hành động tấn công tại Rafah, ngưng thực hiện những hành vi ảnh hưởng đời sống người dân Palestine. Ngoài ra, Israel phải mở cửa khẩu Rafah để dân thường có thể tiếp cận viện trợ nhân đạo và tạo điều kiện cho các nhà báo, điều tra viên tiếp cận Dải Gaza.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng phán quyết của ICJ chỉ khiến Israel chịu thêm áp lực pháp lý và sự chỉ trích từ cộng đồng quốc tế, chứ không dễ buộc nước này thực thi.

ICJ và câu hỏi về vấn đề đảm bảo thực thi phán quyết

ICJ là cơ quan tư pháp tối cao của Liên Hợp Quốc (LHQ), được thành lập dựa trên Hiến chương LHQ, có thẩm quyền xét xử các vụ kiện liên quan các cáo buộc vi phạm luật pháp quốc tế, gồm tranh chấp biên giới, lãnh hải, các vi phạm quyền con người, và ra phán quyết bồi thường thiệt hại, cũng như giải thích các điều ước quốc tế.

Israel (9).png
Các thẩm phán Tòa Công lý Quốc tế tại phiên điều trần hôm 24-5 liên quan vụ kiện của Nam Phi đối với Israel. Ảnh: REUTERS

Theo trang Politico, dù phán quyết của ICJ về Israel mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng cơ quan này thiếu các phương thức đảm bảo phán quyết sẽ được thực thi, nên khả năng Israel tuân thủ phán quyết là rất khó.

Cụ thể, ICJ hoạt động độc lập khỏi các cơ quan khác của LHQ, để đảm bảo tính khách quan và công bằng trong các phán quyết, nên cơ quan này không có lực lượng cưỡng chế như cảnh sát hay quân đội để đảm bảo các cá nhân, tổ chức thực hiện phán quyết.

Ngoài ra, một số quốc gia thường viện dẫn rằng các phán quyết của ICJ vi phạm đến lợi ích quốc gia của họ nên họ từ chối việc thực thi những phán quyết này.

Trong trường hợp đó, theo Điều 94 trong Hiến chương LHQ - nếu một bên không tuân thủ phán quyết của ICJ, bên kia có thể đưa vấn đề này lên Hội đồng Bảo an LHQ - lúc này Hội đồng Bảo an sẽ chịu trách nhiệm đưa ra các biện pháp cần thiết để buộc các cá nhân, tổ chức thi hành phán quyết, trong đó có các biện pháp cưỡng chế quân sự hoặc áp đặt lệnh trừng phạt.

Tuy nhiên, quyết định cưỡng chế sẽ phụ thuộc vào biểu quyết của các thành viên trong Hội đồng Bảo an, và không vấp phải phủ quyết từ bất kỳ thành viên thường trực nào, gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, và Pháp.

Theo Politico, sở dĩ phán quyết của ICJ khó buộc Israel tuân theo vì Mỹ - một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an và là đồng minh của Israel - có khả năng sẽ dùng quyền phủ quyết của mình để bảo trợ Israel nếu Nam Phi quyết định đưa vấn đề này lên Hội đồng Bảo an LHQ.

Theo Reuters, trường hợp cá nhân, tổ chức không tuân thủ phán quyết của ICJ đã từng xảy ra, vụ gần nhất là phán quyết liên quan chiến sự Nga-Ukraine.

Vài tháng sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào năm 2022, Ukraine đã đệ đơn kiện Nga với cáo buộc tội diệt chủng. ICJ cũng ra phán quyết yêu cầu Nga lập tức ngừng mọi hoạt động quân sự và rút quân khỏi Ukraine. Tuy nhiên, Nga phớt lờ phán quyết này và chiến dịch quân sự tại Ukraine vẫn tiếp diễn đến nay.

Israel vẫn kiên quyết về Rafah?

Theo Reuters, dù đang chịu nhiều áp lực từ cộng đồng quốc tế, nhưng gần như chắc chắn Israel vẫn sẽ kiên định theo đuổi kế hoạch của mình tại TP Rafah. Israel cho rằng Rafah là thành trì cuối cùng của Hamas - nơi hàng ngàn chiến binh, cũng như các con tin Israel mà lực lượng này bắt sang Gaza hôm 7-10-2023, đang trú ẩn.

Israel (8).png
Người dân Palestine ở TP Rafah (niềm nam Gaza) sơ tán hôm 23-5. Ảnh: THE GUARDIAN

Hôm 20-5, Thủ tướng Israel - ông Benjamin Netanyahu tuyên bố chiến dịch tấn công Rafah là cần thiết vì nó là đòn đánh quyết định, sẽ tiêu diệt tận gốc rễ lực lượng còn lại của Hamas, cũng như giúp quân Israel đạt được “chiến thắng toàn diện” trong chiến dịch tại Gaza.

Mới đây, Cố vấn An ninh Quốc gia Israel - ông Tzachi Hanegbi cho biết quân đội Israel chưa từng và sẽ không bao giờ tiến hành các hoạt động quân sự dẫn đến sự hủy diệt hoàn toàn đối với điều kiện sinh sống của người dân Palestine ở Rafah.

Ông Hanegbi còn nhấn mạnh rằng quân đội Israel đã huy động dân thường sơ tán khỏi Rafah từ đầu tháng 5, cũng như đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân.

Ông Philippe Lazzarini - người đứng đầu Cơ quan LHQ về hỗ trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) - cho biết tính đến ngày 20-5 hơn 800.000 người Palestine rời khỏi TP Rafah.

Di tản sang nơi khác không đồng nghĩa với việc sẽ an toàn. Người dân Gaza vẫn phải đối mặt với nhiều nguy hiểm vì khi di chuyển họ vẫn có thể bị bom đạn, tên lửa đánh trúng. Hơn nữa, việc di dời có thể khiến họ khó tiếp cận các nguồn hỗ trợ nhân đạo, dẫn đến nguy cơ cao về thiếu thốn lương thực và thậm chí dễ mắc nhiều bệnh tật dẫn đến thiệt mạng, theo ông Lazzarini.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm