Nóng bỏng nạn cướp giật ở kỳ họp HĐND TP.HCM: Không than vãn, chỉ biết cố hết sức!

“Nói về giải pháp và hiệu quả chống cướp giật trong thời gian tới, chúng tôi không than vãn, chỉ có thể nói là sẽ cố gắng hết sức. Tôi hứa là nếu còn được phân công làm việc thì chúng tôi sẽ nhìn thẳng vào thách thức, động viên anh em làm việc. Còn kết quả thì không thể nói trước được vì có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng”.

Đó là những lời tâm huyết của Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP.HCM (CATP), trong phiên trả lời chất vấn tại kỳ họp lần thứ bảy HĐND TP.HCM khóa VIII ngày 6-12. Phiên chất vấn vắt từ cuối giờ sáng qua đầu giờ chiều này đặc biệt nóng với vấn đề cướp, cướp giật ngày càng lộng hành trên địa bàn TP trong thời gian qua.

Nói vậy là oan cho công an

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Thanh Thúy đặt vấn đề: Tình hình tội phạm cướp giật ngày càng tăng, hành vi ngày càng dã man, cướp giật cả người nước ngoài gây tâm lý hoang mang trong quần chúng nhân dân. Vậy ngành CA có giải pháp nào đủ mạnh để trấn áp loại tội phạm này?

Thiếu tướng Phan Anh Minh cho biết năm 2012, phạm pháp hình sự giảm nhưng tháng 11 có xu hướng tăng nhẹ, đặc biệt là cướp giật với tính chất hung hãn, phạm tội công nhiên, táo tợn, dã man. “Chúng tôi đã khảo sát kỹ, xây dựng kế hoạch phòng, chống tội phạm nơi công cộng, tăng cường tuần tra của tổ đặc nhiệm... Thứ hai là kiểm tra hành chính để loại trừ tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có. Thứ ba là công tác quản lý địa bàn nhằm loại trừ nơi đối tượng có thể tụ họp để xuất phát gây án. Ghi nhận mấy ngày qua thấy có hiệu quả. Chúng tôi hứa sẽ kiểm tra, theo dõi chặt kế hoạch, sau Noel, trước tết Dương lịch sẽ sơ kết kế hoạch này. Thời gian tới, TP sẽ tăng cường liên kết với CA các tỉnh trong phòng, chống tội phạm, vì đây cũng là thiếu sót trong thời gian qua” - ông Minh cho hay.

Vị đại diện CATP cũng trần tình: “Có ý kiến cho rằng tình trạng cướp giật làm du khách bất an, ảnh hưởng đến ngành du lịch của TP. Nhưng CA chưa bao giờ được giao bảo vệ khách hàng của một ngành nào. Do đó, nói du khách nước ngoài sụt giảm vì cướp giật là nói oan cho ngành CA. Chúng tôi cũng đã khảo sát nhưng chưa ghi nhận được du khách nào bộc lộ sẽ rời Việt Nam ngay khi bị cướp giật. Sắp tới chúng tôi sẽ có quy chế vận động doanh nghiệp du lịch kinh doanh có lãi đóng góp vào quỹ phòng, chống tội phạm. Theo đó, bất kể người nào bắt cướp quả tang sẽ thưởng ngay 5 triệu đồng. Nếu giáo dục tốt thì với mức thưởng đó, hy vọng chúng ta sẽ có thêm lực lượng hùng hậu để chống tội phạm”.

Nóng bỏng nạn cướp giật ở kỳ họp HĐND TP.HCM: Không than vãn, chỉ biết cố hết sức! ảnh 1

Thiếu tướng Phan Anh Minh:  “Dù là cướp thì cũng là con người, không nên dùng từ “săn bắt”, nên dùng từ đặc nhiệm thích hợp hơn”. ĐB Lâm Đình Chiến“Trong tình hình hiện nay, có nên lập lại lực lượng SBC (săn bắt cướp) như Hà Nội có lực lượng 141 không?”

Giấu án để chạy thành tích?

Là người trong cuộc, ĐB Lê Trương Hải Hiếu nêu một bất cập: “Do chúng ta đang thực hiện thi đua địa phương không để tăng án và đặt nặng vấn đề này nên dễ dẫn đến hệ lụy là CA địa phương đùn đẩy trách nhiệm, không phá án, thậm chí giấu án. Tại sao chúng ta không lấy chỉ tiêu phá án làm tiêu chí thi đua?”.

Với câu hỏi này, ông Minh thẳng thắn: “Tôi thừa nhận có giấu án. Vừa qua, tôi đã đề nghị CA quận 1 xử lý cắt thi đua một số đồng chí CA phường Bến Nghé về lỗi không trực ban, không thống kê tội phạm đầy đủ, chính xác. Nhưng chúng tôi khẳng định về cơ bản số thống kê là chính xác. Sắp tới, TP sẽ thống kê theo tỉ lệ số vụ phạm tội/100.000 cư dân chứ không thống kê theo địa bàn nữa. TP cũng sử dụng một phần mềm theo dõi đối tượng vi phạm. Theo đó, tất cả trường hợp vi phạm tệ nạn xã hội sẽ được thống kê đầy đủ từ cơ quan điều tra, xử lý hành chính, nơi cư trú, sinh hoạt… Vì vậy phường, xã sẽ không thể chạy theo thành tích như ĐB đặt ra”.

Tiếp tục trả lời chất vấn vào đầu giờ chiều, ông Minh bổ sung: “Tôi khẳng định không có việc giấu trọng án. Dù có thể một số tin báo của người dân, thống kê báo cáo có thể chưa chính xác vì động cơ thành tích nhưng đấy chỉ là các vụ cướp giật, ở vùng giáp ranh, nạn nhân không rõ ràng…”.

Không cần “một ông làm, hai ông vịn”

“Về ý kiến của ĐB Lâm Đình Chiến có phục hồi lực lượng SBC không. Tôi hiểu rõ SBC là mô hình hoạt động có hiệu quả và nằm trong lòng dân hơn 10 năm nay. Hiện chúng ta có lực lượng hình sự đặc nhiệm, từ đặc nhiệm thì nghe hơi xa lạ. Nhưng khi thành lập lực lượng này tôi có trao đổi với các anh em SBC trước đây như Lý Đại Bàng, kể cả anh Dương Minh Ngọc. Các anh em đều đồng ý lực lượng đặc nhiệm kế thừa những ưu điểm của SBC nhưng dùng từ SBC không phù hợp. Vì dù là cướp thì cũng là con người, không nên dùng từ “săn bắt”, nên dùng từ đặc nhiệm thích hợp hơn. Do đó chúng ta nên chờ đợi thêm thời gian nữa, không nên cho rằng hình sự đặc nhiệm không bằng SBC” - đại diện CATP trần tình.

Trước nhiều ý kiến về việc có nên học theo mô hình lực lượng 141 ở Hà Nội hay không, ông Minh lý giải: “Hà Nội có quá nhiều đầu gấu, đi xe không đội mũ bảo hiểm, chặn lại thì nói là con ông cháu cha, sẵn sàng chống lại người thi hành công vụ cho nên mới cần cơ động, hình sự đặc nhiệm đi theo bảo vệ. TP mình chưa tới mức đó, hình sự đặc nhiệm phát hiện cái gì thì báo cho CSGT kiểm tra chứ không cần một ông làm, hai ông vịn như vậy. Chúng ta đang thiếu lực lượng, không nên lãng phí”.

Không quản được người nghiện

Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Quý Hòa về nguyên nhân phạm pháp hình sự, ông Minh cho biết: Thống kê hơn 150 đối tượng hình sự bị bắt trong các tháng gần đây thì có 49% thất nghiệp, hơn 50% có việc làm tự do nên thu nhập không ổn định; gần đây 46% đối tượng cướp liên quan ma túy hoặc trong tình trạng nghiện, kích động mạnh; 24% có tiền án, 41,3% đang bị truy nã…

Theo ĐB Lâm Đình Chiến, hiện nay TP tiếp nhận hơn 10.000 người nghiện ma túy hồi gia. “Đây là một trong những đối tượng làm TP bất an, đề nghị CATP cho biết thông tin về đối tượng này” - ông Chiến hỏi.

Trả lời, ông Minh cho biết giải pháp đột phá của TP từ chương trình ba giảm hiện đã mất cơ sở pháp lý. “Hiện chúng ta nói là quản lý người nghiện và người sau cai nhưng thật ra không phải quản lý mà chỉ là hỗ trợ giúp đỡ nhưng đối tượng từ chối giúp đỡ và thay đổi địa chỉ cư trú không báo nên không quản lý được. Với luật cư trú mới thì ta cũng không có quyền quản lý nơi cư trú của họ. Về con số tái nghiện, vừa qua, các ngành chức năng có đưa ra con số tái nghiện 3%. Tuy nhiên, theo thống kê của ngành CA thì tỉ lệ này phải đến 26%-27% nhưng số liệu này cũng chưa đầy đủ” - ông Minh thẳng thắn.

Chấm điểm chất vấn: Tướng Minh điểm 10!

Đại diện lãnh đạo các sở nói chung cơ bản trả lời được ý kiến ĐB. Ở đây chúng ta thấy đồng chí phó giám đốc CATP trả lời thành công nhất, thấy rõ được sự nỗ lực, trách nhiệm với nhân dân. Với trả lời của Sở Công Thương thì nên chuẩn bị kỹ nội dung hơn một chút, nói làm sao cho nổi bật được giải pháp trọng tâm đột phá của UBND TP đang làm mà cụ thể là Sở Công Thương đang tham mưu.

ĐB Lê Trương Hải Hiếu

Tôi thấy phần trả lời chất vấn của Phó Giám đốc CATP Phan Anh Minh rất bao quát mà đúng vấn đề. Vấn đề cải cách hành chính có nhiều đơn vị khác nhau nên cần có nhiều đơn vị trả lời là tốt. Vai trò trách nhiệm của UBND TP trong công tác chỉ đạo cũng thể hiện được. Phần trả lời buổi sáng liên quan đến giải cứu DN (Sở Công Thương) còn chung chung quá, không thấy được tác động cụ thể đối với tương lai của các DN trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay.

ĐB Lâm Thiếu Quân

Mấy ngày trước, nghe tin họp HĐND, tôi nghĩ dù báo chí có khuấy động cỡ nào về nạn cướp giật gần đây thì tại kỳ họp HĐND TP người có trách nhiệm cũng sẽ chỉ rút kinh nghiệm và hứa quyết tâm suông thôi. Tuy nhiên, khi xem tường thuật trực tiếp phiên trả lời chất vấn của đại diện CATP ít nhiều đã làm tôi tăng hơn niềm tin ở lực lượng CA, tin rằng tình hình an ninh trật tự sắp tới sẽ được cải thiện.

Không như những hình ảnh trả lời chất vấn thường thấy, giấy giấy bút bút, lúng túng, có những phần né tránh, tướng Minh rất chững chạc. Tôi tin phải là một người cũng đang đau đáu nghĩ cho dân thì mới có thể trả lời rành rọt hết những kế hoạch, những con số như đã nằm lòng, mới có những khoảng chựng lại để nói về việc đánh án sao cho ít tổn thương nhất cho dân… mà không cần phải nhìn nhiều vào giấy bút như vậy.

NGUYỄN HOÀNG ANH(Bình Tân)

Dân lo lắng thì phải tìm cách giải quyết

Phải khẳng định điều gì khiến dân chúng lo lắng bất an thì chúng ta phải đặc biệt quan tâm, có trách nhiệm giải quyết đến nơi đến chốn. Trong bối cảnh hiện nay thì đó là vấn đề an ninh trật tự. Thời gian qua, tình hình ma túy vẫn diễn biến phức tạp, dù CATP đã phá rất nhiều án ma túy nhưng tới giờ này, băn khoăn lớn nhất vẫn là tội phạm liên quan đến ma túy. Thứ hai là nạn trộm cắp, cướp giật, vẫn chiếm 71,4% so với cơ cấu tội phạm.

Thời gian tới, trước hết phải xác định mục tiêu tập trung vào tội phạm ma túy và người nghiện. Hiện tỉ lệ 50%-70% tội phạm liên quan đến ma túy là rất lớn. Tính hung hãn của tội phạm cũng do ma túy. Đây là mục tiêu số một phải làm. Về vấn đề quản lý cai nghiện tại cộng đồng, thực sự tôi rất băn khoăn. TP.HCM có mật độ dân số rất cao, để người nghiện tự cai tại cộng đồng thì không thể an tâm. Việc quản lý đối tượng hồi gia cũng cực khó trong khi TP có trên 10.000 người hồi gia. Sắp tới phải tính toán lại.

Phải huy động sức mạnh của toàn dân vào công tác phòng, chống tội phạm và ma túy, trách nhiệm người đứng đầu địa phương. Không thể giao hết mặt trận phòng, chống tội phạm cho lực lượng CATP mà phải tính đến nâng chất cảnh sát khu vực, dân quân và sử dụng lực lượng tại chỗ tạo sức đề kháng tại chỗ.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Minh Trí

BÌNH MINHghi

Trang bị hiện đại để giám sát CSGT

Ban Giám đốc CATP vẫn xem lực lượng CSGT là bộ mặt của TP nên đã triển khai những biện pháp chặt chẽ để quản lý, thậm chí còn vi phạm đến quyền cá nhân như không cho đem tiền vượt quá 100.000 đồng khi làm nhiệm vụ… ĐB đặt vấn đề con số xử lý nhiều hay ít, tôi thừa nhận thanh kiểm tra chưa phủ kín nhưng với mật độ thanh kiểm tra như vậy mà phát hiện vi phạm ít hơn thì đó là dấu hiệu đáng mừng.

Chúng tôi đánh giá lực lượng CSGT có tốt hơn nhưng vẫn là điểm nóng. CSGT phải tự xây dựng hình ảnh của mình, tự chấn chỉnh tư thế và hành động của mình trên mặt đường như tận tình giúp người già, mở đường cho xe cứu thương, tự nâng chất bảo vệ người tham gia giao thông bằng cách đuổi bắt tội phạm, buôn lậu... Cạnh đó, sẽ trang bị bộ đàm, thiết bị định vị, các thiết bị nghe nhìn hiện đại để có thể kiểm tra bất cứ ở đâu, để giám sát CSGT. Tôi tin là tình hình sẽ có chuyển biến.

Thiếu tướngPHAN ANH MINH

NHẪN NAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm