“Nóng” chuyện bảo mật khi thẩm định phim

Những ngày qua, nhiều đạo diễn, nhà sản xuất, nhà làm phim… đã lên tiếng về việc thành viên Hội đồng thẩm định phim truyện trung ương lạm quyền.

Ứng xử sao khi phim bị thành viên Hội đồng thẩm định công khai?

Cụ thể, một thành viên trong Hội đồng thẩm định sau khi xem bộ phim Người lắng nghe: Lời thì thầm đã viết bài trên báo nhắc đến nội dung phim, cũng như cho rằng bộ phim tham gia các liên hoan phim quốc tế khi chưa có giấy phép. Từ đó, nhà sản xuất, đạo diễn phim đã lên tiếng đến Cục Điện ảnh, các cơ quan liên quan về sự việc này.

Sự việc này cũng được xem là hy hữu vì từ trước đến nay  chưa từng xảy ra tại Hội đồng thẩm định phim truyện trung ương. Sự việc đã làm giới làm phim giật mình xem xét lại những quy chế, quy định liên quan đến Hội đồng thẩm định phim truyện trung ương.

Văn bản pháp luật cụ thể nhất của hội đồng này vẫn còn hiệu lực chính là Quyết định Ban hành quy chế thẩm định và cấp giấy phép phổ biến phim (số 5349/VBHN_BVHTTDL) do Bộ VH-TT&DL ban hành ngày 30-12-2015.

Khoản 1 Điều 8 quy chế này quy định: “Hội đồng thẩm định phim của Bộ VH-TT&DL do bộ trưởng Bộ VH-TT&DL quyết định thành lập. Trong đó, Hội đồng thẩm định phim truyện có ít nhất chín thành viên”.

Nguyên tắc, phương thức làm việc của hội đồng tại khoản 9 Điều 9 quy chế ghi rõ: “Thành viên hội đồng không được công bố nội dung thảo luận và ý kiến kết luận của hội đồng; chủ tịch hội đồng là người phát ngôn của hội đồng”. Tuy nhiên, quy chế này không có quy định nào quy định việc thành viên hội đồng không được công bố, tiết lộ nội dung, hình ảnh phim trước khi nhà sản xuất, nhà phát hành phim chủ động phổ biến phim theo kế hoạch quảng bá, phát hành.

Đạo diễn Khoa Nguyễn (đứng) và nhiều đạo diễn, nhà sản xuất đề nghị quy chế của Hội đồng thẩm định phim cần quy định rõ thành viên hội đồng không được tiết lộ nội dung phim. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Mong có quy chế chặt chẽ hơn

Điều các nhà làm phim luôn mong mỏi là các quy chế, quy định, thông tư… theo luật được chi tiết, chặt chẽ hơn. Từ đó bản thân các nhà làm phim như chúng tôi mới có thể hiểu trách nhiệm của mình, của cơ quan quản lý… để có thể bảo vệ đứa con tinh thần của mình cả về giá trị nghệ thuật lẫn thương mại.

Nhà sản xuất NGUYỄN ĐỨC NHẬT THANH 

Dự thảo Luật Điện ảnh chú trọng về phân loại phim

Đạo diễn Khoa Nguyễn, đạo diễn phim Người lắng nghe: Lời thì thầm, cho rằng: “Một sản phẩm điện ảnh cũng như chủ sở hữu luôn được pháp luật bảo hộ. Giấy phép phổ biến phim Cục Điện ảnh cấp là cấp cho chủ sở hữu sản phẩm điện ảnh. Ngoài Luật Điện ảnh, một bộ phim còn được bảo hộ bởi Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Thương mại… Ở đó, chỉ chủ sở hữu mới có quyền công bố nội dung, thông tin về phim. Việc người khác, kể cả thành viên Hội đồng thẩm định đưa thông tin khi tác phẩm chưa phát hành sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch quảng bá, phát hành của nhà sản xuất, nhà phát hành”.

Ngày 23-10, tại phiên thảo luận cho ý kiến tại tổ về dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nêu nhiều vấn đề đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét. Trong đó, Chủ tịch nước nhấn mạnh việc cần lựa chọn người tham gia vào Hội đồng thẩm định và phân loại phim.

Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi đang trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV cũng chú trọng về vấn đề này. Cụ thể, Điều 32 của dự thảo lần 3 dành riêng cho Hội đồng thẩm định và phân loại phim. Đặc biệt, khoản 2 và 3 Điều 32 nhấn mạnh: “Thành phần của hội đồng gồm các nhà chuyên môn điện ảnh, chuyên gia, nhà quản lý thuộc các lĩnh vực liên quan; trong đó ít nhất 2/3 là các nhà chuyên môn điện ảnh”, “Hội đồng thẩm định và phân loại phim có trách nhiệm tư vấn cho cơ quan có thẩm quyền trước khi cấp giấy phép phân loại phim hoặc quyết định phát sóng”.

Theo đó, ở dự thảo luật lần này, “giấy phép phổ biến phim” sẽ không còn, thay vào đó là “giấy phép phân loại phim”. Điều này thể hiện rõ sự cởi mở của Luật Điện ảnh, phim phát hành, phân loại theo độ tuổi, khi thu hồi giấy phép phân loại phải ghi rõ lý do thu hồi.

Mong chờ Luật Điện ảnh và văn bản dưới luật chi tiết hơn

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho biết: “Khi Luật Điện ảnh và các văn bản dưới luật quy định càng chi tiết thì điều đó càng giúp cho các nhà làm phim, nhà sản xuất, phát hành, cơ quan quản lý… hiểu được quyền lợi, trách nhiệm của chính mình khi ứng xử với một tác phẩm điện ảnh. Bất cứ luật nào cũng phải điều chỉnh theo thực tế vận hành của lĩnh vực đó, Luật Điện ảnh cũng vậy. Có thể sự việc thành viên Hội đồng thẩm định phim công bố về phim trước khi chủ sở hữu công bố như trường hợp phim Người lắng nghe: Lời thì thầm thì chính bản thân thành viên đó cũng không nghĩ là mình đang làm sai, bởi chẳng có quy định nào cấm họ làm”.

Theo kinh nghiệm của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, một bộ phim trước khi ra rạp chính thức sẽ có rất nhiều buổi chiếu cho Hội đồng thẩm định, nhà đầu tư, nhà phát hành…, thậm chí khán giả xem trước. “Khi có quy định chi tiết thì chính từng người xem trước phim sẽ hiểu được trách nhiệm của mình, ranh giới mình được tiết lộ về phim đến đâu” - đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nhấn mạnh.

Một bộ phim, một album nhạc… chỉ cần tiết lộ một ca khúc hoặc một phân cảnh quan trọng thì có thể làm thiệt hại rất lớn cho sản phẩm. Mấu chốt của vấn đề nằm ở việc những quy định cụ thể trong Luật Điện ảnh và văn bản dưới luật chưa được nghiêm ngặt.

Cần quy định rõ để quy trình thẩm định phim được bảo mật

Sau vụ việc phim Người lắng nghe: Lời thì thầm bị thành viên Hội đồng thẩm định “phổ biến” nội dung trước khi chủ sở hữu phim công bố tác phẩm, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, thành viên Hội đồng thẩm định phim truyện trung ương nhiệm kỳ 2021-2023, chia sẻ: “Việc giới làm phim đề nghị cần quy định chặt chẽ hơn trong luật hay trong quy chế để việc thẩm định phim diễn ra an toàn, bảo mật là hoàn toàn chính đáng. Bất cứ nhà làm phim nào cũng rất coi trọng việc này, vì đó là tài sản - trí tuệ - công sức của một tập thể.

Ngược lại, từ phía cơ quan quản lý, tôi tin là không ai muốn để xảy ra sự cố như tiết lộ nội dung hay nghi vấn để lọt nội dung phim gây tranh cãi như thời gian qua. Thành viên nào cũng nỗ lực, nghiêm túc trong quy trình làm việc. Tuy nhiên, khi đã xảy chuyện thì đúng là các bên đều cần lắng nghe nhau và việc rà soát để rút kinh nghiệm rồi hoàn thiện quy trình là việc cần thiết cho mỗi cá nhân. Nó có ích về đường dài cho ngành điện ảnh nói chung”. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm