Thông tin nhiễu loạn về tình hình Bakhmut
. Theo hãng tin Ukrinform, Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine cho biết trong ngày 28-3, quân Nga vẫn tập trung tấn công ở các hướng TP Lyman, Bakhmut, Avdiivka và Marinka (tỉnh Donetsk, vùng Donbass, miền đông Ukraine).
Theo Bộ này, các lực lượng Nga vẫn không ngừng cố gắng giành quyền kiểm soát hoàn toàn các TP Bakhmut và Avdiivka nhưng không đạt được tiến triển nào, hãng Reuters đưa tin.
Ngày 28-3, ông Serhiy Cherevatiy - phát ngôn viên đơn vị miền đông quân đội Ukraine - cho biết: "Họ chỉ đơn giản là cố gắng làm quân đội của chúng tôi kiệt sức bằng cuộc tấn công này đến cuộc tấn công khác" - ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng có tới 70 trận pháo kích chỉ riêng ở Bakhmut.
Binh sĩ Ukraine nã súng cối về vị trí quân Nga trong đợt giao tranh tại Bakhmut (Donetsk) ngày 17-3. Ảnh: REUTERS |
Theo Bộ Tổng tham mưu, nhờ vào nỗ lực tác chiến phối hợp và chuyên nghiệp, các đơn vị Ukraine đã đẩy lùi 24 cuộc tấn công của Moscow trong ngày qua.
Trong ngày 28-3, Lực lượng không quân Ukraine đã 5 lần tấn công vào các cụm quân sự và thiết bị quân sự của đối phương. Các đơn vị tên lửa, pháo binh Kiev tấn công sở chỉ huy, cụm nhân lực, và kho đạn của quân Nga.
Trong bản cập nhật về cuộc chiến ở Ukraine công bố ngày 28-3, Bộ Quốc phòng Anh cho biết các lực lượng Nga chỉ đạt được "tiến bộ nhỏ" trong nỗ lực bao vây Avdiivka trong những ngày gần đây, và đã mất nhiều xe bọc thép và xe tăng.
. Tuy nhiên, theo Reuters, phía Nga lại tuyên bố khác về tình hình ở Bakhmut so với những thông tin từ phía Kiev. Ông Denis Pushilin - lãnh đạo lực lượng thân Nga tại Donetsk - cho biết các lực lượng Nga vẫn đang tiến lên ở Bakhmut.
Ông này cho biết thêm rằng hầu hết các lực lượng Ukraine đã rút khỏi nhà máy kim loại AZOM ở phía tây sông Bakhmutka trong thành phố. Theo ông Pushilin, quân đội Ukraine đã mất khoảng 30 binh sĩ và một số thiết bị trong khi cố gắng thăm dò hệ thống phòng thủ của Nga và thực hiện một nhiệm vụ do thám gần thị trấn Vuhledar (Donetsk).
Theo hãng thông tấn TASS, các cơ quan khẩn cấp khu vực cho biết rằng pháo binh Nga đã tấn công quân đội Ukraine trong khu công nghiệp Kherson. Theo đó, đợt pháo kích vào ban đêm đã phá huỷ 3 phương tiện chiến đấu của Ukraine, tiêu diệt 20 lính Kiev và khiến 18 binh sĩ bị thương.
Lực lượng phòng không Nga lần đầu tiên đánh chặn một quả bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB) trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga - Trung tướng Igor Konashenkov cho biết ngày 28-3.
Quan sát: Ukraine có 3 lựa chọn nếu Nga quyết thực hiện chiến dịch quân sự tới cùng
Theo tờ Business Insider, một đánh giá mới từ Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) cho thấy Ukraine có 3 lựa chọn nếu Nga thực hiện chiến dịch quân sự đến cùng, song hoà đàm lại không nằm trong số đó.
"Đây sẽ là thời điểm thích hợp để Nga nhận ra rằng họ khó có thể đạt được mọi mục tiêu trong chiến dịch quân sự bằng vũ lực và phải tìm kiếm một giải pháp thỏa hiệp. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn chưa đưa ra kết luận như vậy" - trích đánh giá của ISW.
Trong bối cảnh này, một lựa chọn cho Ukraine là ngừng chiến đấu, ngay cả khi Nga tiếp tục các cuộc tấn công trên bộ và trên không, điều mà ISW cho rằng hầu như không ai nghĩ tới và sẽ "dẫn đến thất bại thảm hại" cho quân Kiev.
Cách tiếp cận tiềm năng thứ hai là các lực lượng Ukraine tiếp tục chiến đấu một cách "rất hạn chế", với mục tiêu giữ vững lãnh thổ mà họ hiện đang kiểm soát. Tuy nhiên, điều này sẽ "khuyến khích Moscow tiếp tục nỗ lực theo đuổi một chiến thắng quân sự hoàn toàn”.
Lựa chọn thứ ba là Ukraine "phát động các hoạt động phản công liên tiếp với hai mục tiêu là khiến ông Putin ngồi vào bàn đàm phán và chấp nhận một thỏa hiệp, hoặc tạo ra các thực tế quân sự có lợi cho Ukraine để Kiev và các đồng minh phương Tây có thể “đóng băng cuộc xung đột một cách hiệu quả, bất chấp các quyết định của ông Putin".
Belarus: Sẽ nhận vũ khí hạt nhân Nga
Ngày 28-3, Bộ Ngoại giao Belarus xác nhận nước này sẽ tiếp nhận vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga, nói rằng quyết định này là một phản ứng đối với nhiều năm chịu áp lực từ phương Tây, bao gồm các biện pháp trừng phạt và nỗ lực tăng cường quân sự gần biên giới Belarus của các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tổng thống Belarus - ông Alexander Lukashenko (trái) hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi giữa tháng 2. Ảnh: REUTERS |
Theo Reuters, đây là tuyên bố đầu tiên của chính phủ Belarus kể từ khi Tổng thống Putin hôm thứ 25-3 nói rằng Moscow sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus và sẽ xây dựng một cơ sở lưu trữ vũ khí hạt nhân ở đó.
Bộ Ngoại giao Belarus cho biết vũ khí hạt nhân Nga cung cấp cho Minsk sự bảo vệ trước cái mà họ gọi là áp lực từ Mỹ và các đồng minh của Washington nhằm lật đổ chính quyền Tổng thống Belarus - ông Alexander Lukashenko.
Theo ông Lukashenko, Mỹ và các đồng minh của nước này đã gây áp lực kinh tế, chính trị “chưa từng có" lên Belarus suốt hai năm rưỡi qua.
"Trước những tình huống này, cũng như những lo ngại và rủi ro chính đáng về an ninh quốc gia phát sinh từ chúng, Belarus buộc phải phản ứng bằng cách tăng cường khả năng an ninh và phòng thủ của chính mình" - theo Bộ Ngoại giao Belarus.