Nông sản Việt Nam phải được đặt hàng chứ không phải chờ đợi để giải cứu

Ngày 19-1, Ban chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết 26 (Ban chỉ đạo) và Văn Phòng Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị Góp ý kiến báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh và Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì hội nghị.

Kiến nghị ban hành Nghị quyết mới về “tam nông”

Thay mặt Ban chỉ đạo, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng cho biết nhiều chỉ tiêu trong Nghị quyết 26 đề ra đến năm 2020 đã đạt và vượt như: Thu nhập của người dân nông thôn tăng 4,5 lần so với năm 2008 (mục tiêu là trên 2,5 lần); Số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 62,4% (mục tiêu khoảng 50%), đến năm 2021 đã đạt 68,2%; Tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn bình quân giảm 1,21%/năm (mục tiêu giảm 1 - 1,5%/năm).

Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, ông Hưng cho hay vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp có xu hướng giảm, sản xuất chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ. Cạnh đó, chất lượng, hiệu quả và tính bền vững chưa cao; ứng dụng khoa học công nghệ còn thấp. Việc xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều, còn nặng về xây dựng cơ sở hạ tầng, chưa chú trọng nhiều đến phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho người dân…

Nhấn mạnh nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược lâu dài trong công cuộc đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ông Hưng cho rằng phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân và người dân nông thôn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

“Nông dân, người dân nông thôn là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển; là lực lượng quyết định sự nghiệp phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới phồn vinh”- ông Nguyễn Duy Hưng nói và cho hay Ban Chỉ đạo kiến nghị Bộ Chính trị xem xét, trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn để phù hợp tình hình mới.

Theo đó, Ban chỉ đạo đặt mục tiêu đến năm 2030 duy trì tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp khoảng 3%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động nông nghiệp đạt bình quân từ 5,5-6%/năm giai đoạn 2021-2030; thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 tăng gấp 2,5-3 lần so với năm 2020...

Thể chế về đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp cần được cải thiện

Phát biểu tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh nông nghiệp trong nhiều năm đều được nhắc đến như là trụ đỡ của nền kinh tế. Thành tựu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã góp phần vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới đạt được trong thời gian vừa qua.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng

Tuy nhiên, tình hình trong nước và thế giới có nhiều thay đổi lớn, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chủ trương hướng đến xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh mà Đại hội 13 của Đảng đề ra đòi hỏi phải tăng cường nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp mạnh mẽ mới để thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Thường trực Ban Bí thư khẳng định thời điểm này đã chín muồi để tổng kết thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW và cũng là thời điểm để có thể ban hành một Nghị quyết mới của Ban Chấp hành Trung ương về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Thường trực Ban Bí thư yêu cầu Nghị quyết mới phải tiếp tục khẳng định nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề có vai trò, ý nghĩa chiến lược đối với giai đoạn phát triển mới của đất nước; giải quyết tốt những vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là yếu tố quan trọng mang tính tiền đề để đất nước đạt mục tiêu mà Đại hội 13 đặt ra đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ông Võ Văn Thưởng yêu cầu mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết mới phải rõ ràng, mạch lạc, khả thi. Trong đó, phải xác định được các giải pháp đột phá phù hợp từng giai đoạn, có lộ trình để thực hiện, tránh trường hợp quá chung chung thời nào nói cũng được.

Đặc biệt, Nghị quyết mới phải tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên cơ sở cái gì đã làm hay thì tiếp tục phát huy, giải pháp mới để giải quyết các vấn đề mới, khắc phục tối đa các hạn chế yếu kém.

Thường trực Ban Bí thư cũng lưu ý một số vấn đề đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của xã hội như: thể chế về đất đai để phục vụ cho phát triển nông nghiệp cần được hoàn thiện; người nông dân an tâm làm giàu trên đất đã giao; thu hút được đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn...

“Nông sản Việt Nam phải được mong chờ đặt hàng chứ không phải là chờ đợi để giải cứu; nông thôn trở thành môi trường để giới trẻ khởi nghiệp trong kinh tế nông nghiệp; môi trường bền vững, an ninh trật tự được giữ vững; đời sống văn hóa tinh thần được nâng cao…”- Thường trực Ban Bí thư nói.

“Nếu lãng mạn hơn, chúng ta có thể suy nghĩ tới các điệu hát then, dân ca quan họ, các chiếu chèo, các câu vọng cổ mùi mẫn vẫn được ngân lên ở các làng nông thôn mới vào mỗi buổi chiều. Người nông dân có thể ngồi nhâm nhi vài ly rượu, ngủ ngon lành mà không sợ nông sản hôm sau mất giá, không sợ thiếu tiền đóng học phí cho con”- Thường trực Ban Bí thư cho rằng nên nghĩ đến điều đó thì mới có thể nói chất lượng cuộc sống của người dân, đời sống văn hóa, tinh thần phong phú, nói đến di sản văn hóa được phát huy ở từng làng nông thôn mới như thế nào.

Thường trực Ban Bí thư yêu cầu Ban chỉ đạo tiếp thu chắt lọc kỹ lưỡng các ý kiến đóng góp cho dự thảo nghị quyết để phấn đấu đến tháng 3 trình Bộ Chính trị cho ý kiến; tiếp tục hoàn thiện đến tháng 5 trình Trung ương. Sau khi trình Trung ương thì “văn bản hóa” ngay và triển khai cụ thể.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm