Nóng: TP.HCM có bộ tiêu chí an toàn phòng dịch COVID-19 mới nhất

(PLO)- TP.HCM vừa ban hành bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng dịch COVID-19, thay thế tất cả các quyết định ban hành trước đó.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM vừa ban hành Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với các hoạt động, ngành nghề, lĩnh vực trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.

Quyết định này thay thế cho tất cả các quyết định ban hành Bộ tiêu chí liên quan đến đánh giá hoạt động trong phòng, chống dịch COVID-19 trước đây.

Trong bộ tiêu chí mới, TP.HCM quy định tất cả người dân phải đeo khẩu trang. Ảnh: NGUYỆT NHI

Trong bộ tiêu chí mới, TP.HCM quy định tất cả người dân phải đeo khẩu trang. Ảnh: NGUYỆT NHI

Theo đó, Bộ tiêu chí đánh giá có sáu tiêu chí an toàn chung gồm đeo khẩu trang, đảm bảo không khí, tiêm vaccine phòng COVID-19, vệ sinh khử khuẩn, kiểm soát người đến các địa điểm, phương án phòng chống dịch COVID-19.

Cụ thể, tất cả người dân, người lao động, người lao động, người tham gia các hoạt động phải đeo khẩu trang theo quy định.

Việc này không áp dụng với nhóm trẻ mầm non; người đang biểu diễn nghệ thuật, tập luyện, thi đấu thể thao nhưng không phải là người tiếp xúc gần với người mắc COVID-19; người đang ăn uống.

Tất cả cửa ra vào, cửa sổ thường xuyên mở trong thời gian làm việc, sinh hoạt… phải để thông khí. Đối với các không gian kín phải có biện pháp thông thoáng.

Bên cạnh đó, tỉ lệ tiêm vaccine đủ các mũi theo độ tuổi dựa trên khuyến cáo của Bộ Y tế hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 dưới 3 tháng đối với toàn bộ người lao động, học sinh, sinh viên, cơ sở trợ giúp xã hội, cai nghiện ma tuý… phải đạt 90%.

Phải sử dụng mã QR để quản lý thông tin người ra/vào, đảm bảo không sử dụng quá công suất phục vụ của địa điểm.

Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị cần thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch và Tổ an toàn COVID-19 cũng như có kế hoạch phòng, chống dịch.

Bên cạnh bộ tiêu chí chung, TP.HCM cũng quy định bộ tiêu chí đặc thù gồm chín tiêu chí áp dụng theo hoạt động, ngành nghề, lĩnh vực của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Trong đó, cơ sở trợ giúp xã hội, giam giữ, cai nghiện ma túy phải đảm bảo tiêu chí quản lý và chăm sóc y tế, gồm nhân viên được tập huấn, bồi dưỡng phòng chống dịch; lập danh sách người thuộc nhóm nguy cơ; thực hiện tầm soát SARS-Cov-2 đối với người mới nhập vào cơ sở; bố trí khu vực cách ly F0…

Ký túc xá, khu nội trú của cơ sở giáo dục cần lập danh sách người có nguy cơ; bố trí khu vực cách ly F0 và phòng ở phải đảm bảo diện tích trung bình tối thiểu 4m2/người…

Cơ sở sản xuất cần có bộ phận y tế hoặc hợp đồng với đơn vị có chức năng thực hiện nhiệm vụ y tế; bộ phận y tế được tập huấn kiến thức phòng chống dịch; khu vực cách ly cho F0. Ngoài phải thực hiện giãn cách hoặc lắp vách ngăn, vệ sinh, khử khuẩn trước và sau mỗi ca ăn.

Cơ sở lưu trú phải kiểm soát và quản lý, chăm sóc khách đến lưu trú. Còn cơ sở giáo dục và đào tạo bảo đảm diện tích sàn tối thiểu của các lớp học (mầm non, nhà trẻ 1,5 m2/trẻ nhưng không được nhỏ hơn 24 m2/phòng đối với nhóm trẻ và 36 m2/phòng đối với lớp mẫu giáo; cấp tiểu học diện tích trung trình một học sinh là 1,25 m2 và trung học là 1,5 m2); đảm bảo an toàn trong hoạt động bán trú.

Ngoài ra, TP.HCM còn quy định tiêu chí an toàn trong tổ chức dịch vụ ăn uống. Trong đó, khu vực ăn uống đảm bảo không sử dụng quá công suất phục vụ; người đi trong khu vực phải đeo khẩu trang; giãn cách phù hợp; đủ dụng cụ ăn uống đảm bảo riêng biệt cho từng người và vệ sinh sạch sẽ.

Theo đánh giá của Bộ tiêu chí, nếu mức độ an toàn đạt trên 80% thì đơn vị tiếp tục hoạt động. Từ 70% - 80% là mức độ an toàn trung bình, đơn vị tiếp tục hoạt động và trong vòng 48 giờ phải khắc phục các tiêu chí không đạt.

Còn nếu mức độ an toàn dưới 70% hoặc không đạt tiêu chí an toàn chung thì chưa đảm bảo an toàn, đơn vị sẽ tạm ngưng hoạt động và phải khắc phục.

UBND TP.HCM cũng vừa ban hành quyết định về kế hoạch kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị có liên quan trên địa bàn thành phố.

Theo kế hoạch, đối tượng kiểm tra là các sở, ban, ngành TP; UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức; các đơn vị sự nghiệp công lập và các đơn vị, cá nhân có liên quan.

Việc kiểm tra thực hiện đột xuất từ tháng 4-2022.

UBND TP cho biết công tác kiểm tra phòng chống dịch nhằm tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, UBND TP. Đồng thời tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức trong phòng, chống dịch COVID-19.

Qua đó, giúp các đơn vị, cơ quan phát hiện thiếu sót để có giải pháp điều chỉnh kịp thời.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm