NS Thanh Thủy với Cánh đồng bất tận: “Nhiều lần tôi nghẹt thở...”

“Khi đọc Cánh đồng bất tận, đến đoạn Nương bị hãm hiếp trên cánh đồng vắng, tôi rùng mình buông cuốn sách. Cảm giác tim mình như có ai đang bóp ngẹn lại. Nước mắt cứ tự nhiên ứa ra. Thật sự là tôi sợ” - Thanh Thủy mở đầu cuộc trò chuyện về vai diễn từng ám ảnh chị trong suốt hơn một năm qua và vừa ra mắt khán giả tối qua (19-2) bằng một câu chuyện ngột ngạt như vậy.

Rút ruột gan ra diễn

. Đạo diễn Minh Nguyệt kể rằng khi mang kịch bản gửi lại cho chị, chị đã tuyên bố: “Em mà diễn không ra vai con đĩ, em bỏ nghề liền”. Điều gì khiến chị tự tin như vậy?

+ Đó không phải tự tin mà là tôi đang lo lắng. Vai Sương quá hay, quá lạ để cho tôi thử sức mình. Chính vì vậy mà khi nghe chị Nguyệt nói giao vai đó cho tôi, tôi đã rất lo sợ nếu mình diễn không được thì chắc chỉ còn nước bỏ nghề chứ làm sao chịu nhục, chịu xấu hổ cho nổi với khán giả và đồng nghiệp.

. Một nghệ sĩ đã dày dạn kinh nghiệm như chị, từng làm khán giả rợn gai ốc khi xem thần phi Nguyễn Thị Anh trong Bí mật vườn Lệ Chi - một vai diễn không còn nguyên bản ngoài đời để quan sát thì liệu có “lo bò trắng răng” không khi tuyên bố như vậy với một vai diễn dễ thấy nhan nhản ngoài đời như cô Sương?

+ Thật sự vai Sương với tôi là một thách thức. Trước tiên về tuổi tác, tôi và nhân vật cách nhau gần 20 tuổi. Làm sao có thể thuyết phục được khán giả tin với một người đàn bà ở tuổi này có thể làm điếm mà lại còn rất đắt khách? Làm sao diễn cho người ta tin trong sâu thẳm tâm hồn của một cô gái đã bị cuộc đời chà đạp như một con chó kia lại luôn sẵn lòng cho đi một cách hồn nhiên, không tính toán gì? Chỉ cần sơ sẩy một chút thôi, cô gái tưởng như rất đời kia sẽ bị biến thành một hình nộm, đọc ra rả những điều vô nghĩa trên sân khấu. Để hỏng vai thì tội tôi lớn lắm chứ!

.Vậy đến giờ, chị thấy mình có tội hay công?

+ Cái đó phải chờ phản ứng của khán giả sau đêm diễn mới kết luận được. Cá nhân tôi thì chỉ có thể nói đã rút ruột gan ra để diễn. Nếu thất bại thì đó là một cú sốc rất lớn với tôi!

Sống để yêu thương không phải hận thù

. Điều gì ở Cánh đồng bất tận đã hấp dẫn chị, khiến chị phải hy sinh nhiều thời gian, sức khỏe và cả những cơ hội kiếm tiền khác để tham gia cho bằng được?

+ Đó là sự nhân bản và lòng yêu thương trắc ẩn trong từng con người, là “tận cùng sự sẻ chia để nhận được sự tận cùng yêu thương”. Một cô gái điếm bị đẩy xuống tận đáy xã hội nhưng vẫn không hận đời mà luôn khao khát được làm một người bình thường. Một người cha vì hận đàn bà mà nửa đời còn lại không sống gần con người nhưng đến phút cuối đời vẫn tha thiết: “Sương ơi! Về dẫn tụi nó đi đi. Ở đây sống không được. Nơi tụi nó sống phải có con người”. Lâu rồi sân khấu không có những vở diễn nhân nghĩa như thế này.

. Liên quan đến cái kết của kịch khác hoàn toàn với tác phẩm văn học của Nguyễn Ngọc Tư, nghe nói chị cũng là một trong những người đứng về “phe” ủng hộ đạo diễn Minh Nguyệt viết lại...

+ Vì tôi không muốn nhìn thấy thêm một tương lai đen tối tiếp tục xảy ra trên cánh đồng bất tận. Tôi không nói Ngọc Tư viết sai, không hay nhưng với cá nhân tôi, tôi muốn được nhìn thấy một tương lai tươi sáng hơn cho những đứa trẻ bất hạnh đó. Có lẽ vì tôi cũng là một người mẹ nên tôi không thể nào chịu nổi cảm xúc khi chứng kiến những đứa trẻ như Nương bị cái ác giày xéo. Con người ta sống là để yêu thương chứ không phải để hận thù. Một cái kết như kịch tôi cho là sòng phẳng.

. Cảnh diễn nào trong vở đã ám ảnh chị nhiều nhất?

+ Cảnh Nương bị bọn lưu manh đè ra cưỡng bức. Theo đúng kịch bản, lúc đó tôi đi về nhìn thấy thì lao vào giải cứu. Nhưng không hiểu sao vừa ra sân khấu, thấy Cát Phượng (đóng vai Nương) đang vùng vẫy, tôi đột nhiên có cảm giác nghẹt thở nên hét lên: “Đừng! Đừng đụng đến con tôi” khiến đạo diễn cũng phải giật mình vì câu thoại đó không hề có trong kịch bản.

Thèm được diễn chính kịch

. Đạo diễn Minh Nguyệt đã thú thật chị ấy bị áp lực rất lớn khi chọn Cánh đồng bất tận để dựng trên sân khấu vì bản thân tác phẩm này đã có những sóng gió riêng của nó. Vậy còn chị, chị có bị áp lực nào khi chọn diễn một vai khá nhạy cảm như vai này?

+ Thật ra từ đầu tôi được nhắm để vào vai Nương chứ không phải Sương nhưng vì tìm diễn viên cho vai Sương khó quá nên chị Nguyệt mới đề nghị tôi đổi vai. Cũng bởi Cánh đồng bất tận đã quá nổi tiếng và nhạy cảm nên tôi cũng không tránh khỏi áp lực khi chạm tay vào nhân vật bên trong. Diễn cách nào đó mà làm hư tác phẩm của Ngọc Tư thì độc giả của cô ấy khó mà tha thứ cho tôi.

. Đang là diễn viên vơ-đét của sân khấu IDECAF với nhiều vai diễn hài rất ăn khách nhưng gần đây lại thấy chị “chạy” qua sân khấu Phú Nhuận diễn Nhân danh công lý và bây giờ lại về 5B diễn Cánh đồng bất tận. Có vẻ như chị đang “khát” chính kịch?

+ Tôi luôn quan niệm một nghệ sĩ thành công là khi hình ảnh của họ có được trong lòng của nhiều tầng lớp khán giả chứ không riêng một loại khán giả nào. Bên IDECAF cũng có những vở chính kịch rất được khán giả yêu thích như Hãy khóc đi em, Tiếng vạc sành… nhưng sức sống của nó so ra vẫn ít hơn các vở hài kịch. Có thể do cuộc sống quá căng thẳng nên người ta muốn coi cái gì đó nhẹ nhàng hơn những thứ phải trăn trở trên đường về nhà.

Tuy nhiên, với diễn viên thì khác. Những ai làm nghề thật sự, tôi tin cũng sẽ như tôi, cũng đều có khao khát được tham gia những tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa, ghi dấu ấn của mình trong nghề...

. Cám ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị này.

“Sốt” vé từ xuất diễn đầu tiên

Tối 19-2, khán phòng sân khấu kịch 5B Võ Văn Tần đông chật khán giả lẫn dân trong nghề chen nhau đến xem đêm diễn ra mắt vở kịch Cánh đồng bất tận.

Trước buổi công diễn nhiều ngày, đạo diễn Minh Nguyệt đã bị “truy lùng” để hỏi vé. Dù giá được “đẩy” lên 120.000 đồng so với mức thông thường 70.000 đồng/vé nhưng vé của hai suất diễn đầu tiên đã được bán sạch.

Ngay khi đạo diễn Minh Nguyệt tuyên bố dựng kịch Cánh đồng bất tận, đã có nhiều lo ngại cho rằng thể loại kịch sẽ không chuyên chở nổi hết ý tứ, không gian, câu chuyện và tâm lý nhân vật từ sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư. Song trên sân khấu, các nhân vật, câu chuyện và không gian như được lấy từ sách ra. Thiết kế sân khấu với chiếc ghe, cầu tre, lu nước được xử lý linh động, lồng trong những màn hình lớn chiếu cảnh sông nước khiến sân khấu mênh mang cái hồn một vùng sông nước miền Tây. Lối ăn nói bỗ bã, chân chất quê mùa; phục trang quê nghèo của ba cha con Út Vũ - Nương - Điền và cô gái điếm tên Sương làm ra cái hồn người quê nghèo buồn não lòng trong truyện.

Đạo diễn Minh Nguyệt đã chỉnh sửa cái kết của kịch khác với tác phẩm văn học. Người cha Út Vũ đã chết đi cùng sự nhẫn tâm, thù hận của mình vào lúc tình thương của ông sống dậy. Nương không bị hãm hiếp như một nghiệp quả phải trả cho người cha. Sương có một gia đình với Nương và Điền để hai đứa trẻ được sống bình thường, được ăn học. Cái kết đầy tình người của đạo diễn hẳn sẽ làm hài lòng số đông người xem bởi sự nhân hậu luôn dễ được chia sẻ...

HÒA BÌNH

VĨNH HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm