Tại buổi họp báo giới thiệu dự án, một nữ công nhân đã không kìm được cảm xúc khi kể về hành trình của mình. Đó là Nguyễn Thị Dung, một nữ công nhân rời quê lên Hà Nội để kiếm sống.
Do gia đình nghèo khó, Dung phải từ bỏ giấc mơ theo học đại học và bắt đầu cuộc sống làm công nhân trong nhà máy. Cô đã phải chuyển nhà trọ đến cả chục lần để thích ứng với công việc và chăm con. Sau khi chồng mất và cũng chưa thể trở về quê hương, con đường mưu sinh của cô thật gập ghềnh.
Nhiều nữ công nhân có mặt tại buổi họp báo cũng chia sẻ, ở nhiều công ty nữ công nhân quá 30 tuổi thường xuyên đối mặt với nguy cơ bị mất việc. Điều này cũng được thể hiện thông qua kết quả điều tra tháng 5- 2017 của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam). Theo đó, hiện đang tồn tại một tình trạng khá phổ biến là công nhân lao động độ tuổi ngoài 30, đặc biệt là nữ công nhân, phải nghỉ việc vì nhiều lý do khác nhau.
Các nữ công nhân chia sẻ tại buổi họp báo.
Dự án “Tạo cơ hội việc làm bền vững và cộng đồng an toàn cho nữ thanh niên nhập cư tại Hà Nội” mang đến các cơ hội tham gia các khóa đào tạo kỹ năng chuyên nghiệp, kỹ năng mềm và kỹ năng sẵn sàng làm việc, kết nối việc làm và tự kinh doanh, giúp các nữ thanh niên và phụ nữ nhập cư hiện đang sinh sống tại huyện Đông Anh có việc làm bền vững.
Theo đó, các điểm tư vấn sẽ được thành lập để cung cấp thông tin, tư vấn cho nữ thanh niên và phụ nữ nhập cư giảm thiểu nguy cơ bạo lực giới và nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ về nhà ở an toàn. Cạnh đó là tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục. Dự án còn thúc đẩy việc thành lập mạng lưới doanh nghiệp cam kết việc làm bền vững và bình đẳng giới cho nữ thanh niên và phụ nữ nhập cư.
Dự án kêu gọi sự tham gia, ủng hộ của toàn thể người dân, các chủ nhà trọ tại huyện Đông Anh, các doanh nghiệp sử dụng lao động chung tay xây dựng môi trường sống, môi trường làm việc an toàn, bình đẳng, không kỳ thị với nữ thanh niên và phụ nữ nhập cư. Từ đó vận động cho việc xây dựng và triển khai các chính sách tạo cơ hội việc làm bền vững và cộng đồng an toàn cho nữ thanh niên và phụ nữ nhập cư trên địa bàn thành phố.
Dự kiến sẽ có khoảng 2.000 nữ thanh niên và phụ nữ nhập cư được cung cấp thông tin và tư vấn về nơi ở, việc làm và cơ hội học tập; 800 người được đào tạo tăng cường kỹ năng chuyên nghiệp, kỹ năng mềm và kỹ năng sẵn sàng làm việc; 590 người được kết nối với các doanh nghiệp để có cơ hội thực tập và việc làm ổn định sau đào tạo; 100 người được đào tạo và hỗ trợ tự kinh doanh từ những mô hình do chính họ lên kế hoạch thực hiện.
Dự án sẽ do trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long phối hợp với Hội LHPN huyện Đông Anh, Viện Phát triển sức khỏe, cộng đồng - Ánh sáng (LIGHT) và tổ chức Plan International Việt Nam triển khai tại huyện Đông Anh, Hà Nội từ tháng 12- 2016 đến tháng 6- 2019.