Đại diện các trường đại học, cao đẳng tham dự hội nghị. Ảnh: HS
Đại diện các trường đại học, cao đẳng cho rằng đây chính là lỗ hổng trong đào tạo và tính không trung thực trong môi trường giáo dục, nghiên cứu khoa học, làm luận văn, đồ án của cả sinh viên và trách nhiệm nhà trường.
TS. Lê Trung Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông (Đại học Duy Tân) nhìn nhận “đạo văn” bắt đầu từ phương pháp dạy của nhà trường. Thực tế trong 8 năm, nhà trường đã có nhiều nỗ lực để nâng cao nhận thức đối với sinh viên về “đạo văn” nhưng kết quả không cao. Kết quả khảo sát của trường cho thấy đa phần sinh viên trả lời khi trích dẫn không nhớ tác giả là ai!
Từ đó nhà trường đã có hai giải pháp, thứ nhất là dạy cho sinh viên phương pháp trích dẫn nguồn tài liệu trích dẫn, sao chép nếu đó không phải của mình sáng tạo ra. Thứ hai là xây dựng phần mềm chống “đạo văn”. Trong phần mềm này đã tích hợp kho dữ liệu sẽ tự động quét các từ khóa, sự trùng lắp trong các tài liệu, văn bản, công thức, hình ảnh…để đối chiếu các công trình nghiên cứu, tài liệu, ứng dụng…có liên quan để phát hiện sự trùng lắp hay không. Trên cơ sở đó sẽ có sự đánh giá tỉ lệ “đạo văn” bao nhiêu phần trăm.
“Cả hai giải pháp này nhằm thay đổi nhận thức chứ không phải là công cụ để xử phạt, bởi mục đích cuối cùng là cho sinh viên thấy tính trung thực với bạn bè, thầy cô và có ích cho xã hội thay vì điểm cao mà sao chép không để lại trích dẫn, nguồn gốc của người khác”, TS. Hiếu, nói.
Ngoài ra trường cũng tổ chức các bài thảo luận, kiểm tra theo nhóm hoặc bài tự luận để sinh viên bộc lộ chính kiến, sự tìm tòi, nghiên cứu riêng của mình, qua đó hạn chế việc sao chép, “đạo văn” .
TS. Đỗ Bá Khang, Trưởng khoa Kinh tế Thương mại (Trường Đại học Hoa Sen) đã đánh giá “đạo văn” hiện rất phổ biến nhưng tại Việt Nam chưa có nghiên cứu thấu đáo về vấn đề này khiến còn gây nhiều tranh cãi về khái niệm thế nào là “đạo văn”, rồi công cụ đánh giá còn chưa chuẩn xác về sự trùng lắp các từ, cụm từ có được xem là “đạo văn” hay không…
Từ kết quả thăm dò “đạo văn” trong sinh viên, TS. Đỗ Bá Khang đã cung cấp tính chất, mức độ “đạo văn” khá thú vị. Mức độ “đạo văn” ở Việt Nam cao hơn thế giới; về giới nữ đạo văn nhiều hơn nam; về ngành nghề ngành tài chính, kế toán cao hơn các ngành nghề khác; bài dài tỉ lệ đạo văn cao hơn bài ngắn do sinh viên tiết kiệm thời gian.
Bắt đầu từ giảng viên
Trái ngược với việc tập trung phân tích, đánh giá tình trạng “đạo văn” trong sinh viên, TS. Trần Long Giang, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu (Trường Đại học Hảng Hải Việt Nam) cho rằng đây không phải là lỗi của sinh viên mà lỗi của người thầy. Do vậy nhà trường “ưu tiên” đánh giá “đạo văn” vào “thượng tầng” gồm các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ.
Theo TS. Giang, Ban Giám hiệu nhà trường đã thành lập một ban kiểm tra gồm bảy thành viên dùng phần mềm “đạo văn” kiểm tra tính trung thực của các bài báo, luận văn, đồ án… do các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ hướng dẫn có trích dẫn, sao chép nguồn góc hay sự trùng lắp các tài liệu liên quan hay không.
“Phần mềm này góp phần nâng cao chất lượng các bài báo trên tạp chí chuyên ngành, có trích dẫn đầy đủ, có độ chính xác cao. Đồng thời hạn chế sự sao chép luận văn tốt nghiệp của học viên cao học, nâng cao chất lượng biên soạn giáo trình giảng dạy của giảng viên”, TS, Giang đánh giá.
Tuy nhiên TS. Giang cũng nhìn nhận, phần mềm phát hiện sao chép vẫn có những hạn chế như các từ và cụm từ trùng lắp vẫn mặc định đó là sao chép, trong khi đó trong tiếng Việt các từ và cụm từ này lại phổ biến và thường xuyên dùng cũng dẫn đến việc đánh giá không hoàn toàn chuẩn xác. Chẳng hạn như cụm từ được dùng phổ biến trong các luận văn: “Nghiên cứu này có thể rút ra một số kết luận như sau…”. Ngoài ra phần mềm này có chi phí rất cao (400 triệu đồng/năm) nên nhiều trường cũng chưa mạnh dạn đầu tư.