Nữ vận động viên Lê Thị Huệ: "Mong một ngày rời xa xe lăn và nạng sắt"

Nữ vận động viên Lê Thị Huệ: "Mong một ngày rời xa xe lăn và nạng sắt"

(PLO)- Từng là vận động viên đô vật được kỳ vọng mang vàng về cho Việt Nam nhưng Lê Thị Huệ đã ngã xuống sàn tập, gãy đốt sống cổ trong đau đớn tại Trung tâm Huấn luyện Thể dục thể thao 1.

Ký ức về hành trình từ vinh quang đến vực sâu của nữ đô vật Lê Thị Huệ (42 tuổi), TP Sầm Sơn (Thanh Hóa) suốt 20 năm qua chưa một ngày nguôi ngoai trong tâm trí sau những tấm huy chương vàng quá khứ, giờ đây chỉ sót lại nỗi đau và nước mắt.

Mỗi ngày mới bắt đầu, Huệ lại phải chống nạng, đi xe lăn, trong khi mọi sinh hoạt hàng ngày của Huệ đều phải nhờ đến người mẹ già đã ngoài 80 tuổi chăm sóc.

Vinh quang và vực sâu nỗi đau của nữ vận động viên Lê Thị Huệ - 9.jpg
Những thành tích mà nữ vận động viên Lê Thị Huệ đạt được trong quá khứ huy hoàng. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

20 năm sống chung với nạng, xe lăn sau những vinh quang

Khi chúng tôi đến thôn Châu Chính, phường Quảng Châu, TP Sầm Sơn (Thanh Hóa) hỏi thăm người dân về chị Lê Thị Huệ, ai cũng bày tỏ sự cảm thương. 20 năm qua phải ngồi trên xe lăn, chống nạng, không chồng con và chỉ nương tựa vào mẹ già.

Sau cánh cổng, chị Lê Thị Huệ chống nạng nhích từng bước chân chậm rãi ra ngoài bậu cửa, đôi mắt đượm buồn hướng về phía cuối con đường mịt mờ mưa phùn, gió bấc của một ngày cuối đông.

Nữ vận động viên Lê Thị Huệ ngồi trên xe lăn bắt đầu kể câu chuyện cuộc đời của chính mình từ vinh qua đến nỗi đau tàn tật suốt mấy mươi năm qua.

Vinh quang và vực sâu nỗi đau của nữ vận động viên Lê Thị Huệ - 3.jpg
Lê Thị Huệ suốt 20 năm gắn bó với nạng sắt. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Năm 1996, Huệ đăng ký thi tuyển vào Sở VHTT&DL tỉnh Thanh Hóa cho bộ môn võ Judo, dù lúc đó Huệ có đam mê võ thuật từ nhỏ nhưng vẫn sợ không trúng tuyển. Sau khi nhận kết quả trúng tuyển, Huệ không quản ngày đêm tập luyện với mong muốn được tuyển vào câu lạc bộ Judo Thanh Hóa lúc bấy giờ.

Với khát khao chinh phục đỉnh vinh quang, có lúc tưởng chừng như muốn bỏ cuộc vì sợ không theo được, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn Huệ đã đạt được thành tích với 2 HCV và 3 HCĐ tại các giải đấu Judo toàn quốc.

Năm 2001, Huệ chuyển sang môn vật tự do, đồng thời tham gia thi đấu ở các giải vật quốc gia và liên tiếp đạt 2 HCV tại 2 giải vật tự do toàn quốc vào năm 2002. Từ những thành tích ấy, Lê Thị Huệ đã lọt vào đội tuyển Quốc gia và chuẩn bị tham gia kỳ SEA Games 22 được tổ chức tại Việt Nam năm 2003.

Khi đó, trong đội tuyển Huệ được mọi người kỳ vọng có được huy chương vàng ở bộ môn này.

Vinh quang và vực sâu nỗi đau của nữ vận động viên Lê Thị Huệ - 2.jpg
Cựu VĐV đô vật Lê Thị Huệ ngậm ngùi nhớ lại quãng thời gian “chiến đấu” với vết thương gãy đốt sống cổ suốt 20 năm qua. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Vậy nhưng, cuộc đời thật trớ trêu khi tai họa ập xuống bất ngờ với Huệ vào một ngày tháng 5-2003 khi đang tập luyện cùng đồng đội. Huệ ngã xuống sàn đấu trong đau đớn ngay tại Trung tâm Huấn luyện thể dục thể thao 1 (Hà Nội).

Khi tỉnh lại ở Bệnh viện, Huệ mới biết mình bị gãy đốt sống cổ và sẽ phải nghỉ thi đấu mãi mãi. Nỗi đau bất ngờ ập đến, những mơ ước có vàng ở Sea Games cũng từ đây dang dở mãi mãi. Huệ không tin nổi điều gì đang xảy ra với mình và không chấp nhận điều đó, Huệ như gục ngã hoàn toàn.

Tưởng chừng những mất mát như vậy thật sự đã quá bất công rồi, nhưng nỗi đau lại ập đến khi Huệ phát hiện toàn thân bị liệt.

81% là tỷ lệ giám định thương tật, Huệ bàng hoàng hơn khi từ đây mọi sinh hoạt của bản thân phải nhờ vào người khác.

"Đau đớn tột cùng, bất lực bao trùm trên người Huệ mà không biết làm gì để vượt qua”, chị Huệ liên tục đưa bàn tay lên gạt những giọt nước mắt, nấc nghẹn khi kể về vinh quang và nỗi đau của chính cuộc đời mình.

Vinh quang và vực sâu nỗi đau của nữ vận động viên Lê Thị Huệ - 6.jpg
Nữ vận động viên Lê Thị Huệ ngày ấy. Ảnh: NVCC

Cảm thương cho thân phận chị Huệ, sau đó nhiều tổ chức và nhà hảo tâm quan tâm chia sẻ, thậm chí nhiều lãnh đạo trong ngành còn hứa sẽ đưa chị đi chữa trị ở nước ngoài để cải thiện sức khỏe, tuy nhiên sau đó thưa dần những hứa hẹn. Huệ cũng không được đi nước ngoài chữa bệnh.

Vinh quang và vực sâu nỗi đau của nữ vận động viên Lê Thị Huệ - 11.jpg
Bà Lương Thị Hường đồng hành, chăm sóc con gái suốt 2 thập kỷ qua.

Hai thập kỷ vượt cùng mẹ vượt khổ ải

Ngày rời bệnh viện trở về quê nhà, nữ vận động viên Lê Thị Huệ nương tựa người mẹ già yếu và bắt đầu một cuộc đời mới của chính mình là phải chấp nhận “sống chung với tật nguyền”.

Số tiền lương ít ỏi 500.000 đồng của Huệ cũng không còn vì bị cắt hợp đồng.

Vinh quang và vực sâu nỗi đau của nữ vận động viên Lê Thị Huệ - 5.jpg
Lường Thị Hường (80 tuổi - mẹ chị Huệ) suốt 20 năm cùng con đi qua nỗi đau tật nguyền. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Ngồi kế bên nghe con gái kể về hành trình cuộc đời con, bà Lường Thị Hường (80 tuổi - mẹ chị Huệ) thỉnh thoảng đưa vạt áo lên lau những giọt nước mắt khô cạn.

“Sau khi bị cắt hợp đồng, Sở VHTT-DL Thanh Hóa mới làm được thủ tục trợ cấp cho Huệ ở chế độ tai nạn lao động thông thường. Với số tiền ít ỏi ấy, thật lòng không đủ trang trải cho hai mẹ con tôi thì lấy đâu ra để đi viện điều trị phục hồi chức năng được. Nhìn thấy con, mỗi lần đau đớn, tim gan tôi như xé thành từng mảnh.

Hơn hai thập kỷ đã trôi qua kể từ khi con ngã xuống sàn tập, hàng đêm chứng kiến con co ro trong vòng tay giữa đêm đông trở gió, lạnh buốt da thịt, lạnh buốt trong tim, tôi chỉ biết ngậm ngùi khóc thương phận mình, phận con.

Có lúc nghĩ khi mình mất đi, ai rồi sẽ chăm lo cho con, ai sẽ nâng bước con mỗi khi trái gió trở trời, mỗi khi cơn đau hành hạ”, bà Hường day dứt khi những năm tháng cuối đời ngày một gần hơn.

Vinh quang và vực sâu nỗi đau của nữ vận động viên Lê Thị Huệ - 4.jpg
Ước mơ của Huệ là mong một ngày rời xa xe lăn và nạng sắt. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Chị Huệ ngồi kế bên, đặt tay lên bờ vai mẹ già động viên: “Mẹ ơi, con sẽ cố gắng luyện tập từng ngày và một ngày nào đó “bụt” hiện lên khi con được đi điều trị phục hồi chức năng. Đó cũng chính là ngày con sẽ dần rời xa chiếc xe lăn, nạng sắt để tập tễnh những bước đi mới của cuộc đời. Con sẽ tự chăm sóc bản thân và những năm tháng còn lại của cuộc đời mẹ, con chỉ mong được chăm sóc mẹ”, chị Huệ nhẹ nhàng nghiêng đầu đặt lên bờ vai mẹ, ánh mắt hiện lên những rạng ngời, hy vọng ở tương lai.

Đọc thêm