Mùa này tám đội bóng mới lần đầu góp mặt đều xác định sẽ không dễ dàng nhưng chắc chắn không đến với World Cup để đi du lịch. Haiti, Morocco, Panama, Philippines, Bồ Đào Nha, Cộng hòa Ireland, Zambia và Việt Nam (VN) tham dự cúp thế giới lần đầu đều nuôi những ước mơ chính đáng như lọt vào vòng knock out hoặc đơn giản chỉ là vượt qua chính mình.
Tân binh thua nhiều hơn thắng
Trong ba mùa đầu của giải bóng đá nữ lớn nhất hành tinh (năm 1991, 1995, 1999) chứng kiến sự xuất hiện của những cuộc chạm trán không khoan nhượng với nhiều bất ngờ thì sau đó không còn nhiều nữa.
Cả đội nữ Việt Nam và Bồ Đào Nha đều lần đầu tham dự World Cup và ở cùng bảng E. Ảnh: GETTY IMAGES |
Tính từ World Cup 2003 đến nay chỉ có ba trong 17 đội tham dự World Cup nữ lần đầu lọt vào vòng knock out. Con số này là cực kỳ khiêm tốn. Một con số đáng lo cho các tân binh trên là trong 17 đội thì có 11 đội không tìm được chiến thắng nào trong lần đầu tham dự.
Có sáu đội tuyển đã giành chiến thắng trong lần xuất hiện đầu tiên của mình là Pháp (World Cup tại Mỹ năm 2003), Thụy Sĩ, Hà Lan, Cameroon và Thái Lan (World Cup Canada 2015) và Chile (World Cup Pháp 2019). Tuy nhiên, trong sáu đội trên chỉ có một đội lọt vào vòng knock out là tuyển nữ Cameroon năm 2015 với tư cách nhì bảng. Còn lại Thụy Sĩ, Hà Lan thì vào bằng vé vớt cho đội hạng ba xuất sắc nhất.
Lịch sử World Cup nữ cũng không có tân binh nào đi đến vòng tứ kết.
Từ World Cup 2003 đến nay, những tân binh tham dự chỉ có trung bình 1,65 điểm tại vòng bảng. Colombia từng có giải đầu tiên đáng quên tại Đức năm 2011, khi thua cả ba trận vòng bảng và không ghi nổi bàn thắng nào. World Cup nữ cũng ghi nhận năm tân binh đều về nước và chỉ ghi vỏn vẹn một bàn là Argentina và Hàn Quốc tại Mỹ năm 2003, Ecuador tại Canada năm 2015, Nam Phi và Jamaica tại Pháp năm 2019.
Những con số biết nói kể trên cho thấy các tân binh sẽ làm việc cật lực để tìm chiến thắng hoặc biến giấc mơ vào vòng loại trực tiếp thành hiện thực. Riêng với tuyển nữ VN cũng với phận tân binh, HLV Mai Đức Chung mong mỏi học trò có thể ghi bàn thắng vào lưới các đội cùng bảng là đương kim vô địch Mỹ, á quân Hà Lan, Bồ Đào Nha cũng đủ đi vào lịch sử rồi.
Ông Chung lo củng cố hàng thủ
Trong 23 nữ tuyển thủ VN dự cúp thế giới, HLV Mai Đức Chung mang theo đến chín hậu vệ, cùng 4/7 tiền vệ đều có thiên hướng phòng ngự. Hai trận đá tập gần nhất thua chủ nhà New Zealand 0-2 và thua Tây Ban Nha 0-9 cho thấy các cô gái VN rất khó giữ bóng tổ chức tấn công. Nó cũng đồng nghĩa với sức ép gia tăng lên hàng thủ, đặc biệt ở vị trí trung vệ.
Các buổi tập gần đây, ông Chung lo chăm sóc nhiều cho các hậu vệ, khi lên nhiều phương án chống đỡ những đợt tấn công của đối thủ. Trung vệ Diễm My chia sẻ: “HLV Mai Đức Chung đã tập trung nhiều ở khâu phòng ngự. Chúng tôi học cách chống bóng bổng, chống chọc khe từ đối phương và hỗ trợ nhau bọc lót. Các cầu thủ phòng ngự chúng tôi cũng thường xuyên trao đổi với nhau nhiều hơn trên sân. Hầu hết tiền đạo đối phương đều cao to, chơi rắn nên chúng tôi động viên nhau kèm chặt, áp sát quyết liệt, cố gắng phán đoán tình huống thật tốt”.
Đáng chú ý là trung vệ số 1 Chương Thị Kiều đã trở lại tập nặng với đồng đội từ SEA Games 32 hồi tháng 5 nhưng đến nay vẫn chưa có trận ra sân chính thức nào. Hậu vệ người Khmer mới có 15 phút đá tập trong trận thắng CLB nữ Schott Mainz 2-0 ở chuyến tập huấn châu Âu hồi giữa tháng 6, sau chín tháng nghỉ dưỡng thương.
Vì thế, HLV Mai Đức Chung sẽ tính toán về nhân sự với những phương án phù hợp với từng đối thủ và truyền đạt nhiều kinh nghiệm khi đối đầu với các đối thủ mạnh. Các trung vệ Diễm My, Thu Thương, Thúy Nga sẽ phải gồng gánh nhiều hơn chị em, trong khi Chương Thị Kiều dù đang phục hồi tích cực nhưng ban huấn luyện vẫn cân nhắc đưa ra cách sử dụng hợp lý nhất.