Bản quyền World Cup 2018:

Nước đến chân mới học Thái Lan, Lào, Campuchia?

Chưa một World Cup nào mà sát ngày khai mạc người hâm mộ Việt Nam vẫn còn lo lắng, nghe ngóng thông tin bản quyền như World Cup 2018. Ngó sang hàng xóm như Campuchia, Lào, Thái Lan… đều đã có bản quyền từ lâu trong khi phía VTV (đơn vị được giao quyền thương thảo bản quyền) vẫn nói chờ đối tác.

Đến chiều 7-6, cũng có lời râm ran rằng VTV đã mua nhưng “ém” bản quyền truyền hình, lập tức các thành viên có trách nhiệm của nhà đài cứ phải liên tục trả lời cùng việc thề sống thề chết rằng vẫn chưa có và đang chờ đối tác Infront Sports & Media (ISM) trả lời.

Việc người hâm mộ “sôi” lên và chuẩn bị các phương án dự phòng như mua đầu thu hay cải thiện đường truyền Internet để xem “chùa” rõ ràng là không được khuyến khích nhưng đó là cách khả dĩ để thỏa mãn cơn ghiền.

Mới đây lại có thông tin Đài Truyền hình TP.HCM (HTV) ngày 7-6 đã gửi công văn cho VTV với mong muốn chia sẻ gánh nặng chi phí và động thái này được người hâm mộ ủng hộ, hy vọng các nhà đài ngồi lại với nhau vì cái chung.

Giờ thì người hâm mộ Việt Nam đã thở phào đối với chuyện bản quyền. Ảnh: GETTY IMAGES

Sâu xa hơn còn có ý kiến phân tích rằng đây là bước đi “sáng tạo” của HTV vì nếu thông tin đã có bản quyền nhưng giờ chót mới công bố là đúng thì cũng có tiếng, mà nếu không có thật thì động tác chung tay cũng là cái tiếng của đài địa phương “chơi” với “anh cả”, đồng thời cũng là động tác để thúc ép “anh cả” được nhiều quyền ưu tiên hãy ra tay.

Cá nhân tôi cho rằng khó có chuyện ém bản quyền nhưng lại nghiêng nhiều về phút 89 đối tác ISM sẽ “Yes” chứ không giữ giá để làm ăn cho những mùa sau bởi một lý do đơn giản là World Cup tới dễ gì ISM nắm bản quyền. Hơn nữa, việc thuận mua vừa bán kiểu “kèo trên” này nếu đàm phán nhanh, gật sớm thì sẽ có những tác hại ngược.

Còn nhớ năm 2006, VTV và HTV đã bắt tay thương thảo mua bản quyền World Cup, khi ấy HTV bỏ 1/3 tổng chi phí còn VTV chịu 2/3. Nhưng từ World Cup 2006 trở đi thì không có sự hợp tác nào cả sau khi có những chỉ đạo để “anh cả” đứng ra đại diện mua hợp đồng nhằm tránh bị làm giá hay tránh kiểu người nhà giúp đối tác nâng giá.

Từ đó VTV gần như là đơn vị độc quyền có bản quyền World Cup qua các mùa 2010, 2014. Những đài nào muốn tiếp sóng thì sẵn sàng nhưng buộc phải tiếp sóng tất cả chương trình do VTV sản xuất, kể cả những quảng cáo của VTV và điều đấy càng có lợi cho VTV.

Nói về chuyện bản quyền World Cup năm nay, một thành viên của SCTV từng đi ra từ VTV cho biết việc chia sẻ kinh phí của các đài cùng mua bản quyền cũng có ý tham gia nhưng khó thuyết phục “anh cả” chia sẻ miếng bánh nhỏ vì VTV vừa muốn mua bản quyền với giá rẻ, vừa muốn độc quyền khai thác toàn bộ: Từ quyền phát sóng các trận đấu, clip bàn thắng, video bên lề liên quan đến World Cup và cả các dịch vụ trên smartphone.

Trong khi quá sốt ruột, nhiều người trách khi nước đến chân sao không học các nước láng giềng mua bản quyền như Lào, Campuchia. Thực chất thì các quốc gia đấy nằm trong chính sách của FIFA ủng hộ những quốc gia kém phát triển qua gói bản quyền đặc biệt với giá tượng trưng. Còn với bóng đá Việt Nam thì đã nằm trong “chế độ bình đẳng” nên không nằm trong điều khoản mà FIFA ràng buộc với đơn vị được trao bản quyền như ISM.

Nhiều người cũng trách sao Việt Nam không học Thái Lan tìm những doanh nghiệp có tiềm năng chung vốn để mua bản quyền và khai thác lại theo nhiều dịch vụ. Xin thưa, các doanh nghiệp Việt Nam cũng muốn lắm và sẵn sàng lắm nhưng chuyện cũng không đơn giản...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm