Vị đứng đầu nội các ra đi để lại một “núi nợ” quốc gia, Nhà nước thắt chặt chi tiêu nhưng cũng tìm cách mua bằng được bản quyền truyền hình World Cup 2018 để phục vụ người hâm mộ cả nước. Ấy thế mà vẫn có những lời ra tiếng vào.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Lim Guang Eng phải đứng ra trấn an dư luận.
Đó là tình hình tại đất nước Malaysia, Thủ tướng Najib Razak vừa rời ghế, ông Mahathir Mohamad 92 tuổi trở lại ghế thủ tướng, đối mặt với một núi nợ công. Ngay lập tức nhà nước Malaysia thắt chặt chi tiêu, tiết kiệm quốc gia. Với World Cup 2018, Malaysia cũng tiết kiệm khi nhà nước giao cho Đài Phát thanh và Truyền hình quốc gia Malaysia (RTM) đứng ra thương lượng và cân đối ngân sách để mua quyền trực tiếp World Cup 2018. Với thông tin này thì nhiều người dân lại bắt đầu phản ứng, đất nước đang nặng nợ công nhưng vẫn bỏ ra hàng chục triệu USD để mua bản quyền truyền hình World cup làm gì.
Bộ trưởng Bộ Viễn thông Gobind Sigh Deo cũng giải thích.
Rõ là miệng người đời thật khó. Malaysia rất cố gắng trong việc khắc phục nợ quốc gia, nói là RTM đứng ra thương lượng mua nhưng thực chất về kinh doanh thì không lỗ nếu không muốn nói là rất lời. Trước làn sóng phản đối của dân chúng, Thủ tướng Mahathir đã cử Bộ trưởng Bộ Tài chính Lim Guang Eng ra để nói chuyện trên đài truyền hình quốc gia.
Bộ trưởng Lim Guang Eng nói: “Tiếng là nhà đài quốc gia đứng ra mua bản quyền truyền hình World Cup 2018 nhưng thực tế nhà nước Malaysia đã không tốn một xu nào cho vấn đề này, mọi chuyện có nhà tài trợ và quảng cáo lo hết. Nhân dân không phải tốn một xu thuế nào cho vấn đề này”.
Malaysia đang chìm đắm trong những khoản nợ công, bây giờ Thủ tướng Mahathir bắt đầu chiến dịch “thắt lưng buộc bụng” trong đó có vấn đề mua bản quyền World Cup. World Cup 2018 tổng cộng 64 trận nhưng Malaysia chọn mua gói 41 trận, trong đó 27 trận phát trực tiếp và 14 trận phát lại. Malaysia chỉ bỏ ra chừng 10 triệu USD mà thôi, tuy nhiên việc tài trợ và quảng cáo sẽ bù lại số tiền bỏ ra này.