Nước mắt ở Mông Dương

Ngày 4-8, khu vực mỏ than Mông Dương (Quảng Ninh) trời đã hửng nắng nhưng khuôn mặt các công nhân ngành than đều thiếu vắng nụ cười. Hậu quả của đợt mưa lũ này quá nặng nề và phải mất rất nhiều thời gian nữa ngành than mới có thể khôi phục lại hoạt động.

Nước như cuốn trôi cả Mông Dương

Dẫn tôi băng qua đống sình lầy ngập ngụa, công nhân Nguyễn Văn Tuấn (quê Hưng Yên) tâm sự: “Chiều 27-7, đội chúng tôi có 37 người đang làm việc dưới độ sâu 250 m thì được thông báo mưa lớn có thể ngập hầm, anh em phải rút lên ngay. Khi ra khỏi hầm, tôi thấy mưa đổ như thác, những dòng nước ào ạt đổ xuống hầm như muốn cuốn cả mỏ than này đi”.

Theo quan sát, tới nay các khu vực hầm lò của mỏ than Mông Dương vẫn chìm sâu trong nước, nhiều hầm bị sạt lở nghiêm trọng. Anh Tuấn cho hay toàn bộ máy móc, đường điện… phục vụ khai thác các hầm lò có độ sâu từ 97 đến 250 m đều đang ngập sâu trong bùn. Toàn bộ khu vực kho than, điểm trung chuyển than cũng chịu chung số phận.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tuất, Phó Chánh Văn phòng Công ty Cổ phần Than Mông Dương, cho hay trận lũ quá lớn, mặc dù hệ thống thoát nước ở các hầm lò được thiết kế rất hiện đại nhưng vẫn không thể hút kịp nước ra bên ngoài. “Hiện một lượng nước khổng lồ lên đến 36.000 m3 vẫn chưa được hút ra, trong khi nước từ các con suối vẫn ồ ạt đổ vào. Chúng tôi chưa thể thống kê hết thiệt hại vì hàng loạt máy móc vẫn chìm sâu dưới nước nhưng chắc chắn không thể dưới 500 tỉ đồng” - ông Tuất buồn rầu.

Nỗi buồn của những người thợ mỏ khi lũ đi qua. Ảnh: Đ.TRUNG


Sáng 4-8, bà Lương Thị Nhót ở tiểu khu 3 (Mông Dương, TP Cẩm Phả) trở về nhà sau những ngày di tản vì mưa lũ. Ngày đi di tản bà Nhót cho biết chỉ kịp cầm theo sổ đỏ, hộ khẩu và một ít tiền…, còn ngày trở về căn nhà đã tan hoang. Ảnh: Đ.TRUNG

Chưa biết tương lai về đâu

Dự kiến có khoảng 4.000 công nhân mỏ than Mông Dương sẽ phải ngưng việc từ ba đến năm tháng để chờ công ty khôi phục sản xuất. Một lãnh đạo Công ty Cổ phần Than Mông Dương cho hay có thể sẽ bố trí tạm công nhân sang một số công ty than khác trên địa bàn, khi công ty khắc phục xong hậu quả sẽ gọi công nhân trở lại. “Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của công nhân, bởi những công ty khác lương thấp hơn khá nhiều. Những công nhân được lưu dụng ở lại để dọn dẹp môi trường lương cũng giảm mạnh, chỉ còn khoảng 4-5 triệu/tháng so với 10-12 triệu đồng trước đó” - vị này nói thêm.

Anh Nguyễn Tiến Thắng, quê Thanh Hóa, tâm sự: “Tổ mỏ của tôi có 37 người nhưng đến nay có đến 20 người bỏ về quê rồi, một số khác đang ở lại chờ việc. Tôi may mắn được lưu dụng để dọn dẹp vệ sinh nhưng lương thấp quá, không làm thì cũng không còn nơi nào để làm. Nếu cứ kéo dài như vậy thì gia đình đói mất”.

Rời Mông Dương, chúng tôi không thể quên được những ánh mắt thất thần vẫn hằn sâu nơi những người thợ mỏ. “Chỉ mong Nhà nước, tập đoàn, công ty sớm khắc phục hậu quả để chúng tôi có công ăn việc làm trong vài tháng tới. Chỉ mong vậy thôi” - công nhân Hoàng Văn Tuấn nhắn gửi.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: “Không để dân bị đói trong mưa lũ”

Sáng 4-8, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến động viên, chia sẻ những mất mát mà người dân Quảng Ninh đang phải hứng chịu. Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu tỉnh cần triển khai quyết liệt, khẩn trương hơn nữa các biện pháp hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Đặc biệt không được để người dân bị đói trong mưa lũ.

Nước mắt ở Mông Dương ảnh 3

Cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm, tặng quà, chia sẻ nỗi đau với nạn nhân sống sót trong vụ sập nhà làm tám người trong cùng gia đình tại phường Cao Thắng thiệt mạng (ảnh: BQP).

Ngành than cam kết cấp đủ than cho nhà máy điện

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) khi trao đổi với báo giới chiều 4-8 để thông tin về tình hình mưa lũ tại Quảng Ninh.

Ông Biên cho biết đợt mưa lớn kỷ lục trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã gây thiệt hại lớn cho sản xuất kinh doanh của Vinacomin. Nhiều mỏ bị ngập nặng như Ngã Hai, Mông Dương, Cái Đá, trong đó riêng mỏ than Mông Dương ngập rất nặng, phải rút công nhân ra khỏi mỏ (dự kiến phải mất từ ba đến năm tháng khắc phục). Theo ông Biên, các nhà máy điện Phả Lại, Quảng Ninh, Hải Phòng, Uông Bí,... đã có than dự trữ 15-20 ngày nên chưa bị ảnh hưởng ngay. Các nhà máy nhiệt điện khác chịu ảnh hưởng lớn là Duyên Hải, Vĩnh Tân 2 do lượng dự trữ thấp, phải tập trung cấp bình quân khoảng 5.000-6.000 tấn than/ngày.

TRÀ PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm