Cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã kéo dài gần ba năm nay mà vẫn chưa có dấu hiệu rõ ràng của sự kết thúc, dù thỏa thuận giai đoạn một đã được ký kết.
Trong suốt thời gian qua, sự khác biệt giữa hai bên cùng với việc gián đoạn do đại dịch COVID-19 cũng như việc Nhà Trắng đổi chủ đã củng cố thêm suy đoán rằng cuộc thương chiến này sẽ không hoàn toàn kết thúc nhanh chóng trong nay mai được.
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen. Ảnh: Jonathan Ernst/REUTERS
Trong cuộc phỏng vấn trên đài CNBC hôm 18-2, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho hay chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ tiếp tục duy trì các loại thuế áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc do chính quyền Tổng thống Donald Trump đặt ra. Đồng thời, bà Yellen cũng viện dẫn những quan ngại về các hành vi của Trung Quốc liên quan tới thương mại, cưỡng ép các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ và trợ cấp các ngành công nghệ cao.
Di sản từ chính quyền ông Trump
Tờ NBC News cho biết trước khi đại dịch COVID-19 lan tới nước Mỹ và bùng phát với tốc độ chóng mặt, gây ra một cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế chưa từng có tại nước này, cuộc chiến tranh thương mại đã đóng một phần đáng kể trong di sản kinh tế của ông Trump.
Cựu Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: Susan Walsh/AP
Thương chiến Mỹ-Trung chính thức bắt đầu vào tháng 7-2018 với việc Mỹ áp thuế 25% đối với 34 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, mức thuế đầu tiên trong một loạt các mức thuế được áp trong năm 2018 và 2019.
Cuộc chiến thương mại tiếp tục leo thang khi cả Washintong và Bắc Kinh liên tiếp áp đặt các mức thuế lên hàng hóa của nhau cho đến khi đạt được bước ngoặt vào tháng 1-2020 bằng việc hai bên ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một với các điều khoản có hiệu lực vào một tháng sau đó, theo tờ South China Morning Post.
Theo thỏa thuận, Trung Quốc cam kết mua 200 tỉ USD hàng hóa và dịch vụ Mỹ trong hai năm, tuy nhiên một nghiên cứu chỉ ra rằng Bắc Kinh đã không hoàn thành mục tiêu năm 2020. Do vậy, Bộ trưởng Yellen đã nhấn mạnh rằng chính quyền mới của ông Biden “đang trong quá trình đánh giá cách tiếp cận với Trung Quốc sẽ như thế nào, tuy nhiên có nhiều vấn đề mà tại đó chúng tôi thấy những hành vi không công bằng”.
Nhận định trên của bà Yellen cho thấy trước mắt, chính quyền của ông Biden sẽ tiếp tục duy trì cuộc chiến thương mại với Trung Quốc cho tới khi hoàn tất quá trình đánh giá chính sách an ninh đối với Trung Quốc, bao gồm cả thỏa thuận giai đoạn một.
“Bình cũ nhưng rượu sẽ mới”
Trước đó, trong một bài đăng trên trang Think China, ông Zhu Ying, giáo sư Kinh tế học tại Trường Đại học Sư phạm Thượng Hải, nhận định rằng dựa trên thực tế Mỹ đang thúc ép Trung Quốc thực hiện “thay đổi cấu trúc” do đó, khó có khả năng chính quyền ông Biden sẽ dở bỏ các mức thuế bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc, dù hai bên đã ký thỏa thuận giai đoạn một.
Tổng thống Joe Biden. Ảnh: Evan Vucci/AP
Thứ nhất, cách chính quyền ông Biden nhìn nhận mối quan hệ kinh tế và thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tương đồng với chính quyền tiền nhiệm. Trong kế hoạch kinh tế công bố vào tháng 9-2020, ông Biden đã chỉ trích Trung Quốc về các hành vi thương mại không công bằng bao gồm thao túng tiền tệ, đánh cắp tài sản trí tuệ, chương trình gián điệp mạng,...
Chuyên gia thương mại William Reinsch, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), cho rằng cả ông Biden và ông Trump đều chỉ ra chính xác các vấn đề trong thương mại Mỹ-Trung nhưng cả hai đều có giải pháp khác biệt nhau về việc buộc Trung Quốc thay đổi hành vi thương mại và cân bằng thương mại Mỹ-Trung.
Trong khi chính quyền ông Trump “đơn phương độc mã” trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc thì cách tiếp cận vấn đề của ông Biden mang màu sắc đa phương hơn. Tổng thống Biden hy vọng có thể hợp tác với các đồng minh để đối phó với Trung Quốc.
Trong kế hoạch kinh tế và thương mại của mình, ông Biden chỉ rõ chính quyền ông sẽ hợp lực với các đồng minh để buộc Bắc Kinh "chơi đúng luật" và sẽ phải chịu trách nhiệm nếu không làm như vậy. Đồng thời, trong việc giải quyết cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, chính quyền Biden trước hết sẽ tham khảo ý kiến của các đồng minh lớn như EU và sẽ hành động sau khi đạt được đồng thuận.
Thứ hai, chừng nào Trung Quốc chưa nghiêm túc trong cam kết thực hiện thay đổi cơ cấu, chính quyền ông Biden sẽ tiếp tục gây sức ép lên Trung Quốc bằng các mức thuế bổ sung.
Hơn hết, điểm mấu chốt trong cuộc chiến này không nằm ở chỗ Washington muốn Bắc Kinh mua hàng hóa của Mỹ mà là Mỹ muốn thúc đẩy sự “thay đổi cơ cấu” liên quan tới trợ cấp quy mô lớn của chính phủ Trung Quốc và đối xử ưu đãi dành cho các doanh nghiệp nhà nước.