Chùa Cầu (Lai Viễn Kiều) - biểu tượng của TP Hội An (Quảng Nam) sau 18 tháng trùng tu đã hoàn thiện những khâu cuối cùng, chuẩn bị khánh thành vào ngày 3-8.
Dự án trùng tu Chùa Cầu có kinh phí khoảng 20 tỉ đồng, ngay khi lộ diện sau trùng tu, hình ảnh mới mẻ của Chùa Cầu ngay lập tức nhận về nhiều ý kiến khen chê từ dư luận.
Báo Pháp Luật TP.HCM có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành uỷ Hội An - người rất am hiểu và yêu thành phố này.
Đã nhiều lần trùng tu Chùa Cầu
. Phóng viên: Thưa ông, suốt chiều dài lịch sử, Chùa Cầu đã trải qua mấy lần trùng tu? Trùng tu lần này có thật sự hợp lý?
+ Ông Nguyễn Sự: Nếu không tính lần này, Chùa Cầu đã có 7 lần trùng tu. Nhưng những lần trùng tu trước, tất cả hồ sơ tư liệu đều không để lại gì. Chùa Cầu đã gần 500 năm tuổi, mà "người cao tuổi" bản thân bao giờ cũng ốm yếu, bệnh tật, do đó không thể khoẻ mạnh như thanh niên 17-18 tuổi được.
Di tích cũng vậy, với tuổi đời gần nửa ngàn năm dứt khoát phải ốm yếu, nguy cơ hư hại do nhiều tác động, trong đó có yếu tố thời gian, Chùa Cầu có nguy cơ sụp đổ.
Việc tháo dở toàn bộ để trùng tu Chùa Cầu đã được bàn luận từ gần 30 năm trước, thời tôi còn làm Chủ tịch UBND TP Hội An. Tuy nhiên, chúng tôi cứ trăn trở việc tháo dỡ ra phục hồi, trùng tu lại như vậy liệu có làm biến dạng, thay đổi hay thậm chí có “mất đi Chùa Cầu” hay không?
Hồi đó mọi người phải cân nhắc kĩ như vậy, bởi chưa có kỹ thuật hiện đại như bây giờ. Sau nhiều cuộc hội thảo, hội nghị quốc tế ngay tại Hội An, có các kiến trúc sư hàng đầu tham mưu, mới chốt bằng cách chống đỡ. Nhưng càng chống đỡ càng có nguy cơ sụp đổ.
Bây giờ làm lại thì có sự giúp đỡ của chuyên gia Nhật Bản. Điều quan trọng nữa là kỹ thuật bây giờ cũng hiện đại, bản thân người ta đã xử lý được những vấn đề mà trước đó không xử lý được. Đã gọi là trùng tu sửa chữa thì những nơi hư hỏng, mục nát thì phải thay. Mà thay đổi thì bao giờ cũng mới, làm sao cũ được?
Do đó, quá trình trùng tu sẽ dần dần làm mới đi một số cái, nhưng vẫn giữ được những vấn đề cơ bản.
Giữ lại từng viên ngói, khúc gỗ
. Những “vấn đề cơ bản” như ông vừa đề cập là gì, thưa ông?
+ Quá trình trùng tu Chùa Cầu cái gì giữ được phải giữ. Ví dụ một viên ngói chưa bể còn giữ lại được thì phải giữ lại, chúng ta phải đặt mua những viên ngói tương tự, mới hơn là chuyện bình thường. Cũng như chúng ta sơn lại, làm lại gỗ mới thì dứt khoát mới hơn về mặt màu sắc, cũng là chuyện bình thường.
Thật ra với Hội An, thời gian được đọng lại trên những mái ngói, những bờ tường rêu phong. Ban đầu nhìn nó mới, sau dần thời gian làm phủ mờ rêu mốc trở lại lên mái ngói, bức tường.
Người ta quan tâm tới vấn đề nó mới, thấy nó khác lạ là đúng. Bởi vì sửa lại làm sao cũ như hồi chưa sửa được, nhưng thời gian cũng làm nó cũ và sẫm màu lại thôi. Có thể là một vài năm, hoặc có khi qua một mùa mưa đã khác đi rồi.
. Theo ông, vì sao dư luận hay quan tâm mỗi khi Hội An có gì đó khác lạ, lần này là Chùa Cầu?
+ Theo tôi, người ta có ý kiến vì người ta yêu Hội An và yêu Chùa Cầu, dù ý kiến khác nhau. Tôi nghĩ đó là chuyện bình thường.
Nói thêm về Chùa Cầu, thượng bộ (phần trên) và hạ bộ (phần dưới) đã khác nhau một trời một vực. Trụ cầu (hạ bộ) không phá ra, nó vẫn cũ y nguyên, còn thượng bộ phải tháo dỡ ra để thay các kết cấu mục nát nên nó phải mới thôi.
Chính vì người ta yêu Hội An, yêu Chùa Cầu, do đó người ta muốn Chùa Cầu đừng biến động gì cả, kể cả màu sắc. Dẫn đến người ta thấy khi làm lại mới, lạ quá, lạ về màu sắc, lạ về cái này cái kia người ta có ý kiến.
Chùa Cầu từng rất nhiều lần "mới"
. Có bao giờ Chùa Cầu nhìn mới như hôm nay chưa, thưa ông?
+ Ngày xưa, khi tôi làm Chủ tịch UBND TP Hội An, tới Tết lại quét nước vôi đón Tết, nó vẫn cứ mới chứ có gì đâu. Nhưng có điều bây giờ mới nhiều hơn do anh em làm hết toàn bộ. Tôi thấy chuyện đó bình thường, tôi chỉ sợ bây giờ họ phá Chùa Cầu, điều đó mới lo.
Di sản Chùa Cầu là di sản của cả thế giới, thể hiện mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam - Nhật Bản, đánh dấu vai trò quan trọng trong thời kỳ lịch sử mở cửa của Đàng Trong. Kiến trúc người Hoa, người Nhật, người Việt ở đó. Chùa Cầu là biểu tượng của Hội An trong lòng mọi người. Do đó có gì thay đổi một tí là họ thấy lạ, có ý kiến.
Dù sao đi nữa, điều đáng mừng là họ quan tâm tới di tích, cho dù bản thân họ có khen, chê, đồng tình hay không đồng tình. Tất cả đều xuất phát từ tấm lòng, dù họ có nặng lời.
. Theo ông, dự án trùng tu có đảm bảo yếu tố gốc của nó không?
+ Trùng tu Chùa Cầu là việc cần thiết phải làm, nếu không sẽ sụp đổ. Như nhà chúng ta vậy, xuống cấp phải sửa chữa chứ không nó sụp, nhà dột phải lợp lại. Thế thôi! Nhưng trùng tu phải đảm bảo yếu tố nguyên gốc, nguyên bản và chân xác (chính xác). Ngay cả mái ngói anh em làm lại cũng đảm bảo tính nguyên bản của nó, những hoa văn, hoạ tiết cũng vậy. Chỉ có điều màu sơn thì đậm quá, làm sao cho nhẹ lại một tí là ổn.
Ngày trước, hằng năm Tết đến hay quét vôi Chùa Cầu, nhưng hơn 10 năm nay không quét vôi nữa, nên thấy cũ. Khi trùng tu quét vôi lại thấy mới lạ, cộng thêm mái ngói màu sáng quá, người ta ý kiến là bình thường. Bức tường màu đỏ, anh em làm đỏ quá, lẽ ra màu nâu nhạt thôi. Đỏ quá dẫn đến nó bị chỏi.
Chúng ta đừng đem nguyên tắc ra nói với mọi người, họ nói chẳng qua vì họ yêu Hội An. Tất cả phản ứng của họ dù là khen hay chê, hay phản ứng, thậm chí có phản ứng quyết liệt, gay gắt nhưng xuất phát từ tấm lòng bởi người ta yêu di tích. Do đó, tất cả ý kiến chúng ta phải ghi nhận, trân trọng.
Chủ tịch UBND TP Hội An: Giữ được những yếu tố gốc
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An, cho biết việc TP trùng tu Chùa Cầu phải đảm bảo nguyên tắc khoa học, không phải như cảm nhận cá nhân của một số người.
“Trùng tu đảm bảo nguyên tắc giữ tối đa yếu tố gốc, cái gì giữ được thì giữ lại hết, từ tấm biển, cây gỗ, ván sàn, ban công… Ngay cả con giống (hoạ tiết) nhìn thì mới nhưng đều là gốc từ ngày xưa. Nguyên tắc trùng tu phải sơn lại để bảo quản, nên màu sắc phải khác, qua thời gian sẽ như xưa” - ông Sơn khẳng định.
Theo ông Sơn, các nhà chuyên môn hết sức hài lòng với dự án. Quá trình trùng tu Chùa Cầu, các chuyên gia của Nhật Bản cử đến giám sát từng chút, rất chặt chẽ.
“Cảm nhận của một số người dân nói rằng Chùa Cầu không giống như trước, thì dĩ nhiên màu sắc phải khác. Nhưng mà công trình bền vững hơn, mình giữ được tất cả những yếu tố gốc thì cần phải ghi nhận.
Một cây gỗ chỉ cần sử dụng được một khúc thôi người ta cũng chắp nối để giữ lại, chỉ cây nào mục ruỗng hết rồi mới thay. Còn màu sắc thì phải quét vôi lại chứ không thể để như cũ” - ông Sơn nói.