Chiều 10-2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 đã có buổi làm việc trực tuyến với TP.HCM về tình hình dịch trên địa bàn. Tham dự có ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM.
Ông Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: TTBC
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Thiện Nhân đã đề xuất nên ra tiêu chí cụ thể để xác định một địa phương có dịch hay không có dịch nhằm có các biện pháp xử lý phù hợp và không gây hoảng loạn.
Theo ông Nhân, hiện 13 tỉnh, thành đã có người nhiễm COVID-19, nhưng tính chất lây nhiễm ở các địa phương rất khác nhau và cần lưu ý cường độ lây nhiễm. Do vậy, chúng ta cần gọi là “lây nhiễm ở 13 địa phương chứ không nên gọi là dịch đã xảy ra ở 13 địa phương”. Bởi vì nếu chúng ta gộp chung 13 tỉnh đều có dịch thì gây căng thẳng, nhân dân lo lắng và ứng xử của lãnh đạo địa phương nhiều khi chưa hợp lý.
Lấy dẫn chứng, ông cho biết TP.HCM hiện có 46 người đang điều trị, tức một triệu dân có 5,1 người nhiễm; Hải Dương có 322 người đang điều trị, tức một triệu dân có hơn 100 người nhiễm, cường độ lây nhiễm gấp 34 lần TP.HCM.
Tương tự ở tỉnh Quảng Ninh có 53 người đang điều trị, tức một triệu dân có 46 người nhiễm, cường độ cũng cao hơn TP.HCM đến 9 lần.
Theo ông, Bộ Y tế nên có tiêu chí để xác định khi nào một tỉnh, thành phố được coi là có dịch, khi nào không có dịch, mỗi mức có bộ quy tắc ứng xử và các địa phương cứ theo đó mà làm. Nếu tỉnh nào ứng với bộ tiêu chí có dịch thì phải triển khai các giải pháp cương quyết chống dịch.
Đối với ổ dịch ở sân bay Tân Sơn Nhất, ông Nhân cho rằng đội bốc xếp 1.600 người ở sân bay là nguy cơ lớn nhất hiện nay. Vì vậy, nên chăng những người này vẫn đi làm hàng ngày nhưng TP tính toán bố trí chỗ ở tập trung (chung cư, khách sạn) cho số người này trong 2 tuần để kiểm soát, không để họ về nhà. Chỉ khi đủ hai tuần, kiểm tra liên tục, không nhiễm COVID-19 thì mới cho trở lại gia đình.
Ông đề nghị, TP.HCM cần tiếp tục đẩy nhanh kiểm tra toàn bộ gia đình của các công nhân bốc vác tại sân bay trong 2-3 ngày tới phải xong.
Trong thời gian tới, ông cũng đề nghị TP cần sẵn sàng phương án cách ly, chữa trị khi số người dương tính tăng từ 30 lên 50 người, nếu gần 50 người chuẩn bị phương án đến 80 người. Đội ngũ y tế không được để quá tải, duy trì 3 ca 4 kíp… Đây là các giải pháp mà TP đã lên phương án từ năm ngoái nhưng chưa cần áp dụng.
Đặc biệt, ông Nhân đề nghị TP cần phải công bố kế hoạch với tinh thần “nếu toàn hệ thống chính trị, mỗi người dân, mỗi gia đình vào cuộc, phương châm khổ trước sướng sau là cách tốt nhất để trở lại bình thường”. Cụ thể, TP nên công bố kế hoạch bốn tuần ngay từ hôm nay để kiểm soát lây nhiễm và không để xảy ra dịch.
“Tinh thần là phải chịu khổ 2 tuần, 4 tuần kể từ hôm nay để cắt làn sóng lây nhiễm này. Lý do đưa ra khoảng thời gian 4 tuần vì một chu kỳ lây nhiễm khoảng 2 tuần, sau hai tuần đầu TP thực hiện tiếp thêm một lần nữa để xử lý triệt để” – ông Nhân nói và cho rằng trong 4 tuần này dù TP có áp dụng các biện pháp khắt khe nhưng sau đó hết dịch thì người dân sẽ rất đồng tình.